Bộ trưởng Tư pháp Mỹ tuyên bố tôn trọng vai trò quan trọng của báo chí và sẽ dành cho báo chí sự tôn trọng, nhưng không phải không có giới hạn.
Lời cảnh báo
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions mới đây đưa ra lời cảnh báo tới các nhà báo trong khi ông đang ra tay trấn áp những vụ rò rỉ thông tin mật ồ ạt không chỉ khiến chính quyền của Tổng thống Trump, mà cả nước Mỹ gặp nhiều rắc rối.
Ông Session cho biết Bộ Tư pháp Mỹ đã tăng gấp 3 số vụ điều tra rò rỉ thông tin trong năm nay.
Ông cảnh báo: “Chúng tôi tôn trọng vai trò quan trọng của báo chí và sẽ dành cho họ sự tôn trọng, nhưng không phải là không có giới hạn”.
Ông Sessions nói Bộ này đang duyệt lại những chỉ dẫn về việc ra trát buộc các nhà báo nộp tài liệu như một phần trong nỗ lực đang được đẩy mạnh nhằm điều tra và truy tố những người rò rỉ thông tin.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions |
Những chỉ dẫn này, do chính quyền cựu Tổng thống Obama ban hành năm 2015, gây khó khăn hơn cho Bộ Tư pháp trong việc ra trát buộc các nhà báo nộp danh sách cuộc gọi điện thoại và email trong các cuộc điều tra rò rỉ thông tin.
Dù các quy định này không có hiệu lực pháp lý, song những người vận động cho tự do báo chí coi chúng là hệ trọng đối với khả năng liên lạc với các nguồn tin bí mật của các nhà báo.
Các nhà hoạt động báo chí cho rằng việc nới lỏng những quy định về việc ra trát sẽ có tác động lớn đối với tự do báo chí.
Theo đó, việc chỉnh lại những biện pháp bảo vệ ít ỏi đối với việc liên lạc trao đổi giữa nhà báo và nguồn tin của họ sẽ làm giảm bớt khả năng của công chúng buộc các nhà lãnh đạo của họ chịu trách nhiệm và làm suy yếu các tiêu chuẩn bảo vệ nguồn tin khắp thế giới mà khó khăn lắm mới đạt được.
Bộ Tư pháp Mỹ sửa đổi các chỉ dẫn của mình vào năm 2015 sau khi có những tiết lộ rằng họ đã bí mật thu thập danh sách các cuộc gọi điện thoại của các phóng viên hãng tin AP và nêu tên một phóng viên của Fox News là người đồng mưu trong một vụ rò rỉ tin tức khác.
Chính sách được sửa đổi kêu gọi có thêm các mức chấp thuận nữa trước khi phóng viên bị triệu tập.
Chính quyền Mỹ đã nói đến "giới hạn" cho báo chí |
Ông Sessions cho biết Bộ Tư pháp Mỹ đã buộc tội 4 người làm rò rỉ thông tin mật hoặc “che giấu những liên lạc với các cơ quan tình báo nước ngoài” trong năm 2017.
Trong vụ rò rỉ duy nhất được biết đến, Bộ Tư pháp Mỹ vào tháng 6 đã buộc Reality Leigh Winner, 25 tuổi và là nhân viên hợp đồng với chính phủ, tội gửi bất hợp pháp một văn kiện mật của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) tới một website tin tức.
Thông báo của ông Sessions được đưa ra sau khi Tổng thống Trump nhiều lần than phiền rằng Bộ Tư pháp chưa quyết liệt điều tra những vụ rò rỉ thông tin mật mà ông nói là xuất phát từ các cơ quan tình báo.
Bộ trưởng Tư pháp Sessions nói ông đồng ý với Tổng thống Trump và lên án “bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất các vụ rò rỉ đáng kinh ngạc đang làm suy yếu khả năng của chính phủ bảo vệ đất nước này”.
Dan Coats, Giám đốc Tình báo Quốc gia, thì nói không phải tất cả các vụ rò rỉ đều bắt nguồn từ các cơ quan tình báo. “Chúng đến từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm cả nhánh hành pháp và kể cả Quốc hội”, ông Coats nói.
Theo báo cáo gần đây của Thượng viện Mỹ, chính quyền của Tổng thống Trump trung bình mỗi ngày đối mặt với một vụ rò rỉ thông tin trong 4 tháng đầu nhiệm kỳ.
Báo cáo rà soát những bài báo trong 126 ngày đầu tiên ông Trump tại chức và phát hiện có ít nhất “125 câu chuyện với thông tin bị rò rỉ mà có tiềm năng gây tổn hại đến an ninh quốc gia”.
Một số vụ rò rỉ thông tin gây rúng động dư luận thời gian qua liên quan tới Mỹ là vụ WikiLeaks và Snowden.
WikiLeaks được Julian Assange sáng lập năm 2006 và đưa vào hoạt động một năm sau đó.
Trang này bắt đầu tiết lộ các bí mật như hoạt động tại nhà tù của Mỹ ở Vịnh Guantanamo và nội dung các thư điện tử cá nhân của chính trị gia người Mỹ Sarah Palin.
Tháng 4/2010, đoạn băng quay cảnh một trực thăng Mỹ tấn công ở Baghdad làm hai nhân viên của hãng tin Reuters và một số người khác thiệt mạng đã đưa WikiLeaks trở lại các bản tin.
Ông chủ WikiLeaks Julian Assange đã phải chạy trốn sau khi công bố hàng trăm nghìn tài liệu được coi là mật của Mỹ |
Mùa Hè năm đó, WikiLeaks đã công bố hàng chục nghìn tài liệu quân sự nội bộ Mỹ liên quan đến các cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq, miêu tả chi tiết các vụ cưỡng bức, tra tấn và giết hại người dân.
Binh sĩ người Mỹ Bradley Manning - một người chuyển giới hiện được biết với cái tên Chelsea Manning - đã bị bắt giữ sau khi được xác định là người cung cấp thông tin này. Chelsea Manning đang chịu án 35 tù giam vì vi phạm Đạo luật Tình báo.
Tháng 11/2010, WikiLeaks công bố 250.000 bức điện ngoại giao từ các đại sứ quán của Mỹ trên khắp thế giới, điều thực sự khiến Washington “bẽ mặt”. Cùng thời điểm đó, một công tố viên người Thụy Điển đã phát lệnh truy nã quốc tế Assange với các cáo buộc hãm hiếp.
Sau khi tính toán, Assange tới Đại sứ quán Ecuador ở London ngày 19/6/2012 và xin tị nạn chính trị.
Vụ việc “đình đám” tiếp theo liên quan tới Edward Snowden, một nhà thầu có quyền tiếp cận các thông tin mật của NSA. Snowden đã liên hệ với tờ “The Guardian” (Anh) và sau đó vào tháng 6/2013 đã tiết lộ vụ một tòa án bí mật của Mỹ đã ra lệnh buộc công ty viễn thông Mỹ Verizon phải cung cấp thông tin cuộc gọi của các khách hàng cho NSA trong thời gian 4 tháng.
Edward Snowden đang ẩn náu tại Nga sau khi tiết lộ thông tin mật của NSA |
Ngày 6/6/2013, tờ “Washington Post” và tờ “The Guardian” đưa tin rằng NSA và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã tiếp cận các máy chủ của các tập đoàn khổng lồ như Microsoft, Yahoo!, Google và Facebook để theo dõi thông tin truy cập mạng của người dân bên ngoài nước Mỹ.
Các công ty viễn thông Trung Quốc cũng được cho là đã bị tin tặc tấn công. Chính quyền Mỹ đã kết tội Snowden, người thừa nhận tiết lộ tin mật này, vì tội làm gián điệp và đánh cắp bí mật quốc gia, và tìm cách bắt giữ nhân vật này ở Hong Kong. Tuy nhiên, Snowden đã trốn thoát và bay tới Moscow. Hiện Snowden vẫn đang ẩn náu tại Nga.
Các tiết lộ liên quan đến NSA đã gây rúng động thế giới, làm căng thẳng quan hệ của Mỹ với các đồng minh bởi thông tin rò rỉ cho thấy Washington đã lén theo dõi Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff và Chính phủ Mexico cũng như các nước khác.
Tổng thống Mỹ Barack Obama khi đó đã cam kết làm hoạt động của NSA minh bạch hơn và Quốc hội Mỹ đã cải cách các dự luật liên quan đến việc theo dõi các cá nhân trên mạng.
Thông thường, Bộ Ngoại giao Mỹ mỗi năm nhận được khoảng 40 vụ cáo buộc tiết lộ tin mật, nhưng chỉ một số ít trong đó được tiến hành điều tra, bởi các vụ rò rỉ này phải liên quan đến các thông tin quốc phòng hay tin tức tuyệt mật thì mới được coi là trọng án.
Trang The Hill của Mỹ hồi cuối tháng 5 vừa qua cho biết các cựu quan chức cấp cao và đương thời của Mỹ hiện ngày càng lo ngại rằng tình trạng rò rỉ thông tin dồn dập từ Chính phủ Mỹ thời gian qua sẽ gây nguy hiểm cho một số mối quan hệ trao đổi tin tức tình báo quan trọng của quốc gia này.
Hiểm họa lớn nhất mà một số quan chức đang lo ngại là các đối tác tình báo quan trọng của Mỹ - chẳng hạn các thành viên thân thiết của họ trong nhóm 5 Con mắt, là Anh, New Zealand, Australia và Canada - có thể sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi trao cho Mỹ các nguồn tin tình báo nhạy cảm.