Mỹ cho biết việc duy trì hiệp ước INF phụ thuộc vào Nga, kêu gọi nước này dỡ bỏ tổ hợp tên lửa bị cáo buộc vi phạm hiệp ước.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong cuộc họp báo cùng các ngoại trưởng NATO tại Brussels, Bỉ hôm qua. Ảnh: Reuters.
"Nga đã vi phạm nghiêm trọng hiệp ước, và chúng tôi sẽ tạm ngừng các nghĩa vụ của mình như một biện pháp khắc phục trong vòng 60 ngày", AFP dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm qua cho biết sau cuộc họp với những người đồng cấp trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đề cập tới việc rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF).
Pompeo tuyên bố Washington sẽ không còn ràng buộc với hiệp ước được ký giữa Nga và Mỹ từ năm 1987 này, trừ khi Moskva dỡ bỏ tổ hợp tên lửa Novator 9M729. Hiệp ước INF cấm hai bên phát triển mọi loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn 500-5.500 km, trong khi 9M729 có tầm bay lên đến hơn 5.000 km.
Theo NATO, hệ thống tên lửa của Nga khá cơ động, khó phát hiện và có thể tấn công các thành phố ở châu Âu với rất ít hoặc không có cảnh báo, dẫn đến nguy cơ thay đổi đáng kể kế hoạch an ninh châu Âu.
"Các hành động của Nga làm suy yếu nghiêm trọng an ninh quốc gia Mỹ, cũng như các đồng minh và đối tác của chúng tôi. Mỹ không thể duy trì một thỏa thuận kìm hãm khả năng đáp trả sự vi phạm của Nga", Pompeo nói thêm.
NATO cũng cho hay việc cứu vãn INF giờ đây "phụ thuộc vào Nga". Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO Jen Stoltenberg thừa nhận họ "cần bắt đầu chuẩn bị" cho sự sụp đổ của thỏa thuận. "Đây thực sự là hiệp ước kiểm soát vũ khí tối ưu nhất. Vì vậy việc nó hoàn toàn bị phá hủy là một trở ngại lớn", ông nói.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 10 tuyên bố rút khỏi INF do "Mỹ đã duy trì và tôn trọng thỏa thuận, nhưng Nga không làm điều tương tự", đồng thời cảnh báo sẽ xây dựng kho hạt nhân "tới khi mọi người ý thức được vấn đề". Tuy nhiên, Trump hôm 3/12 bày tỏ mong muốn đàm phán với Nga và Trung Quốc để kiểm soát vũ khí.
Pompeo cho biết nếu Nga vẫn không tuân thủ sau 60 ngày, họ sẽ bắt đầu quá trình 6 tháng để rút khỏi INF. Ông cam kết Mỹ sẽ không "thử nghiệm, sản xuất hoặc triển khai bất cứ hệ thống nào" vi phạm hiệp ước cho tới lúc đó.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tháng trước cho hay sẵn sàng duy trì đối thoại với Mỹ về INF. Tuy nhiên, ông kêu gọi chính phủ và quân đội tiến hành các bước cụ thể để đáp trả nếu Mỹ phá vỡ INF, khẳng định không cho phép bất cứ quốc gia nào kéo Nga vào một cuộc chạy đua vũ trang mới.
Nga có thể mở lại căn cứ ở Cuba nếu Mỹ rút khỏi hiệp ước hạt nhân
Căn cứ tình báo ở Lourdes, Cuba có thể được Nga cho hoạt động trở lại như một cách gây sức ép với Mỹ sau ... |
Số phận hiệp ước hạt nhân Nga-Mỹ sẽ được quyết định trong cuộc gặp này
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump sẽ thảo luận về Hiệp ước vũ khí hạt nhân tầm trung INF ... |
Ánh Ngọc