Quan hệ tốt giữa Trump và Macron cùng phản ứng của Mỹ trong vụ cựu điệp viên Nga bị đầu độc tại Anh đã tạo tiền đề để ba nước liên hợp tấn công Syria.
Thủ tướng Anh Theresa May (phải) gặp Tổng thống Mỹ Trump tại Nhà Trắng tháng 1/2017. Ảnh: AFP.
Mỹ, Pháp, Anh ngày 14/4 không kích Syria với mục tiêu chung là chấm dứt việc sử dụng vũ khí hoá học ở Syria. Các quan chức Nhà Trắng cho biết quyết định đơn phương của Trump cách đây một năm là không kích Syria, cũng nhằm phản ứng trước cáo buộc Syria dùng vũ khí hóa học, đã khiến các đồng minh quyết tâm tham gia vào hành động quân sự cuối tuần trước, theo WSJ.
"Khi Tổng thống cho thấy quyết tâm của ông vào năm ngoái, các đồng minh đã gọi điện đến để nói \'cám ơn ông, cuối cùng cũng có người làm điều gì đó\', một quan chức cao cấp của Nhà Trắng cho biết. "Và điều đó nhanh chóng biến thành: hãy giải quyết vấn đề này với nhau".
Quan hệ giữa Mỹ và Anh từng bị thử thách bởi tranh cãi xung quanh việc Trump chia sẻ video của một lãnh đạo nhóm chống Hồi giáo và những lời chỉ trích của ông về thị trưởng London Sadiq Khan.
Trong khi Thủ tướng Anh Theresa May là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến Nhà Trắng sau khi Trump nhậm chức, Tổng thống Mỹ vẫn chưa đến Anh. Trump hồi tháng một hủy kế hoạch đến London, nói rằng ông phản đối vị trí mới của đại sứ quán Mỹ mà chính quyền Obama đã chọn.
Căng thẳng giữa hai bên dịu bớt trong những tuần gần đây. Anh cho rằng Nga đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal và trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga. Hưởng ứng Anh, Mỹ trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga - con số lớn nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Động thái trục xuất này cho hai nước cơ hội để sửa chữa quan hệ.
"Hành động đó có ý nghĩa lớn", quan chức Nhà Trắng nói. "Tất cả những rắc rối trước đó được gạt sang một bên".
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) tiếp đón Tổng thống Mỹ Trump tại Paris tháng 7/2017. Ảnh: Reuters.
Đối với Pháp, mối quan hệ cá nhân giữa Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đóng vai trò quan trọng. Hồi tháng 7 năm ngoái, khi Trump thăm Paris, Macron đã tiếp đón Trump rất trịnh trọng. Macron mời Trump xem lễ duyệt binh nhân dịp quốc khánh và sắp xếp một bữa tối thượng hạng tại tháp Eiffel.
Chuyến đi này được thực hiện nhờ sự nhiệt tình của Macron. Ban đầu, Trump không nhận lời đến xem lễ duyệt binh vì lo ngại chuyến thăm của ông sẽ đối mặt với các cuộc biểu tình, khiến Macron phải khó xử trong dịp lễ quan trọng. Tuy nhiên, Macron đã thuyết phục ông, nói rằng ông sẽ tự hào khi có khách mời là Tổng thống Mỹ. Trump sau đó đã nhận lời và rất ấn tượng trước cách đón tiếp của Tổng thống Pháp. Ông đã bày tỏ điều đó với Macron trong một cuộc gặp sau này tại Liên Hợp Quốc.
Các quan chức Mỹ ghi nhận Macron là một trong những người gọi điện thường xuyên nhất đến Nhà Trắng. Ngoài bàn luận về vấn đề quốc tế, lãnh đạo hai nước đôi khi còn tán gẫu chuyện phiếm.
Saadet Oruc, một nhà bình luận cho Daily Sabah nói rằng Macron tham gia đòn không kích còn vì ông đang phải đối mặt với rối loạn trong nước. Các chính sách mới của chính phủ Macron về thuế, bệnh viện, hệ thống tư pháp và tuyển sinh đại học đang đối mặt với các cuộc biểu tình phản đối.
"Macron đang cố gắng làm cho người ta chú ý đến vấn đề đối ngoại thay vì chính trị trong nước bằng cách đóng vai trò trong cuộc khủng hoảng Syria", Jana Jabbour, giáo sư tại Đại học Saint Joseph ở Beirut, nói.
Lí do nào khiến Đức từ chối tham gia liên minh không kích Syria?
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã lên tiếng về nguyên nhân khiến Đức không tham gia vào liên minh không kích Syria. |
Anh tố bị Nga chặn tàu ngầm trước cuộc không kích Syria
Nguồn tin quân sự Anh cho biết tàu ngầm tấn nước này bị các chiến hạm Nga theo sát trong quá trình hoạt động ở ... |
Lý do Đức từ chối tham gia liên minh không kích Syria
Thủ tướng Merkel có thể quan ngại về dư luận trong nước cũng như quan hệ đối ngoại nên đã khước từ tham gia tấn ... |
Phương Vũ