Hỏi thế gian tình ái là chi, mà đôi lứa thề nguyền sống chết? Nhưng mấy ai thề nguyện bên nhau mãi mãi mà có kết cục tốt đẹp! Ân sâu đến đâu, nghĩa nặng thế nào lại khiến những người hữu tình trong thiên hạ thề nguyền sống chết với nhau?
Những người hữu tình trong thiên hạ có ân sâu đến đâu, nghĩa nặng thế nào mà thề nguyền sống chết với nhau? Ảnh trong phim “Tú lệ giang sơn”, bộ phim tái hiện câu chuyện tình cảm động sâu sắc của một vị đế vương. (Ảnh: bjxwx)
Nói về chuyện tình cảm động và kiên trung, chắc hẳn nhiều người đều có cùng suy nghĩ rằng nếu con thuyền tình yêu thuận buồm xuôi gió, không gặp bất kỳ phong ba sóng cả nào thì sẽ bên nhau thiên trường địa cửu, sóng cạn đá mòn cũng không rời. Trên thực tế mấy ai có thể yêu đương êm đẹp như vậy! Thế nhưng trong lịch sử lại có chuyện tình của Hán Quang Vũ Đế Lưu Tú và Quang Liệt hoàng hậu Âm Lệ Hoa gặp rất nhiều khảo nghiệm mà vẫn bên nhau hạnh phúc tới cuối đời, viết nên giai thoại tình yêu khiến bao người ngưỡng mộ.
Hán Quang Vũ Đế: Nếu thành thân ta muốn lấy Âm Lệ Hoa
Trong quyển “Trung Quốc ái tình trường” có một câu nói nổi tiếng rằng: Nếu thành thân ta muốn lấy Âm Lệ Hoa. Người xưa cho rằng hiền thê vô diêm, tức là vợ hiền thì phải có dung mạo không đẹp, thậm chí xấu xí. Tuy nhiên, chuyện tình và hôn nhân của Quang Vũ Đế Lưu Tú và Quang Liệt hoàng hậu Âm Lệ Hoa lại triệt để phá vỡ tập quán suy nghĩ này.
Âm Lệ Hoa là vị Hoàng hậu đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc được phong thụy hiệu, nổi tiếng bởi vẻ xinh đẹp và tính cách nhu mì nhân hậu. Cuộc hôn nhân không tầm thường giữa Âm Lệ Hoa cùng Quang Vũ Đế không chỉ là chuyện tình khiến bao người ngưỡng mộ, ao ước mà còn cho thấy tình nghĩa kiên trinh, yêu là hy sinh vì đại nghĩa, viết nên áng thơ vĩnh hằng.
Lưu Tú lần đầu thấy Âm Lệ Hoa đã ái mộ nàng, khi đó chàng còn là một nông dân vô cùng bình thường. Có một ngày, chàng đến kinh thành Trường An, khi đến đầu phố đúng lúc gặp đoàn xe ngựa long trọng của chấp kim ngô (quan viên lãnh đạo cấm quân bảo vệ kinh thành và cung thành) đi qua, trong lòng không khỏi nổi lên khát khao về sự nghiệp và hôn nhân của người trẻ, lập lời thề rằng: “Nếu được làm quan ta muốn trở thành chấp kim ngô, nếu thành thân ta muốn lấy Âm Lệ Hoa“.
Từ lần đầu gặp mặt trúng tiếng sét ái tình cho đến khi thành hôn
Hoàng hậu Âm Lệ Hoa, đoan trang hiền thục, có vẻ đẹp mẫu nghi thiên hạ. (Ảnh sưu tầm từ Internet).
Âm Lệ Hoa sinh trưởng tại quận Nam Dương, Tân Dã (gần tương ứng với Nam Dương, Hà Nam ngày nay). Theo Hậu Hán thư, nhà họ Âm có nguồn gốc từ hạ khanh Quản Trọng trứ danh của nước Tề trong thời Xuân Thu, sau sang cư ngụ nước Sở thì được phong làm Âm đại phu, từ đó sửa sang họ Âm. Âm Lệ Hoa từ nhỏ đã xinh đẹp, duyên dáng, hơn nữa tính tình dịu dàng, hiếu thuận, ở quê hương Nam Dương, Tân Dã tiếng lành đồn xa. Mấy đời nhà họ Âm nổi tiếng hiếu thuận, hiền từ, Âm Lệ Hoa bảy tuổi mất cha, mỗi lần nhớ đến phụ thân nàng sẽ rơi lệ, cho đến mấy chục năm sau vẫn như thế.
Lưu Tú là cháu chín đời của Hán Cao Tổ Lưu Bang, nhưng qua nhiều đời đã không có quan tước, chỉ còn một ít ruộng đất, miễn cưỡng có thể xem như phú nông. Chàng có quan hệ thông gia với nhà họ Âm, anh rể kiêm tri kỷ của chàng – Đặng Thần là thân thích với mẫu thân Đặng thị của Âm Lệ Hoa. Khi Lưu Tú còn làm việc nhà nông, buôn bán lương thực cho gia tộc, chàng thường đến Tân Dã gặp vị anh rể này để tâm sự, chính mối quan hệ này đã giúp chàng dắt chỉ đỏ.
Lưu Tú lớn hơn Âm Lệ Hoa mười tuổi. Lúc mới gặp, Âm Lệ Hoa còn là cô bé ngây thơ, chưa đến tuổi đàm hôn luận gả, trong khi Lưu Tú vừa qua tuổi đôi mươi, khí khái hào hùng phấn chấn, lịch sự tuấn tú, trong sử sách có ghi lại. Lưu Tú vừa thấy đã yêu Âm Lệ Hoa, mà tiểu cô nương này cũng rất có thiện cảm với chàng.
Từ khi mới quen đến lúc kết hôn, hai người ít khi gặp nhau. Sau khi chia tay kiếp sống nhà nông, Lưu Tú cùng anh cả Lưu Diễn bước trên con đường chống Vương Mãng, vượt qua muôn trùng khổ nạn đi đến hưng thịnh. Trải qua mười hai năm chinh chiến, Lưu Tú thể hiện thiên phú quân sự và tài dẫn binh xuất chúng. Chàng nén giận xông ra bẫy rập của quân địch, trước sau bình định và tiêu diệt các thế lực lớn mạnh cát cứ Quan Đông, Lũng Hữu, Tây Thục, chấm dứt cục diện quân phản động giao chiến và cát cứ kéo dài gần 20 năm.
Vào tháng 6 năm Canh Thủy nguyên niên (năm 23), Lưu Tú gần 30 tuổi đã kết hôn với Âm Lệ Hoa 19 tuổi tại Uyển Thánh, đón nàng vào phủ đại tướng quân Phá Lỗ, do Hán Canh Thủy Đế Lưu Huyền phong cho.
Cưới tình nhân trong mộng, gánh nặng đường xa
Trước khi kết hôn, Lưu Tú vừa trải qua một trận đại biến. Vào tháng 2 năm 23, Lưu Tú suất lĩnh quân Lục Lâm tại Côn Dương đánh một trận thắng lớn, dùng vạn người diệt 42 vạn quân Vương Mãng, giết chủ soái quân dịch Vương Tầm, sử sách gọi trận đánh này là đại chiến Côn Dương.
Thanh danh của Lưu Tú và anh cả Lưu Diễn lên cao không nhưng không được Hán Canh Thủy Đế tin dùng mà trái lại lọt vào nghi kị, Lưu Diễn bị hãm hại chết để trừ hậu hoạ. Lưu Tú trong lòng vô cùng đau xót nhưng không lộ ra ngoài. Khi Lưu Diễn gặp nạn, trong hàng ngũ quân đội của ông kết bè phái khác thường. Vốn Lưu Diễn mong đợi Lưu Tú lập công lớn rồi mới thành hôn nhưng không ngờ công lớn vừa lập thì mạng cũng vong. Sau khi anh cả mất, Lưu Tú cấp thiết kết hôn là có dụng ý, chàng muốn tung hỏa mù mê hoặc phe của Hán Canh Thủy Đế, buông lỏng đề phòng với mình. Nước cờ này quả thực đã phát huy được công hiệu đó.
Tân hôn chung đụng thì ít mà xa cách thì nhiều
Lưu Tú và Âm Lệ Hoa tương tư vài năm, người hữu tình cuối cùng sẽ về cùng một nhà. Tuy nhiên, từ lúc gặp nhau đến một thời gian ngắn sau khi kết hôn, hai người đều là chung đụng thì ít mà xa cách thì nhiều. Cuộc hôn nhân lưỡng tình tương duyệt này đối với Lưu Tú là con thuyền giương buồm chờ khỏi hành để đi đường càng xa; còn với Âm Lệ Hoa thì đây là khảo nghiệm về nỗi dày vò sống xa nhau và mối nguy cái chết chia lìa đôi lứa xuất hiện liên tiếp, thế mà nàng không một lời oán trách, không hề sợ hãi. Khảo nghiệm liên tiếp đến từ người thứ ba cho thấy tính lợi tha của Âm Lệ Hoa, vì sự lương thiện của nàng không giống người thường, khó ai có được như vậy.
Lưu Tú thành hôn mới ba tháng thì xuất hiện tình thế hỗn loạn, Hán Canh Thủy Đế ra lệnh cho chàng đến Lạc Dương. Mất đi người anh cả luôn giúp đỡ lẫn nhau, Lưu Tú một mình đi về phía Tây nghênh đón chiến cuộc mới, chàng quyết định để người vợ mới cưới về nhà mẹ đẻ ở Tân Dã. Về sau chiến cuộc lại có biến hóa, Âm Lệ Hoa theo người nhà anh cả Âm Thức trăn trở di chuyển. Ba năm sau hai vợ chồng mới được gặp lại, mà lúc đó thiên hạ đã trải qua một phen biến động lớn. Phu quân Lưu Tú phục hưng nhà Hán, trở thành Đông Hán Quang Vũ Đế, cuộc hôn nhân của nàng lại gặp đại khảo nghiệm.
Khảo nghiệm khó cả đôi đường
Ly khai Uyển Thành, rời khỏi người vợ mới cưới tiến về trước Lạc Dương, điều tiếp theo Lưu Tú đối mặt chính là một trận khổ chiến chữa rõ cát hung ra sao. Trong loạn thế, nhiều đội ngũ nổi lên, mỗi người nắm giữ binh quyền đều dựa vào địa vị vương thèm muốn ngôi vị hoàng đế. Lưu Tú tuy có được huyết thống hoàng thất Tây Hán, cách xử sự làm người tại đương thời cũng có danh tiếng rất cao, nhưng sau khi anh cả qua đời, quân sĩ theo phe chàng còn rất ít ỏi.
Lúc ấy Chân Định Vương Lưu Dương sở hữu mười vạn binh mã, có sức ảnh hưởng chi phối tình thế, Lưu Tú bèn phái người đi thuyết phục ông. Lưu Dương đồng ý ngả về phe Lưu Tú nhưng lại đưa ra một điều kiện khiến chàng khó xử, ông ta muốn Lưu Tú lấy cháu ngoại của mình là Quách Thánh Thông làm vợ cả. Quách Thánh Thông cũng là một người có xuất thân danh môn thế gia, con cháu quan lại, dung mạo xinh đẹp, hiểu biết nhiều. Kế liên hôn này là để bảo đảm về sau nếu Lưu Tú quả thật đạt thành nghiệp đế vương thì Lưu Dương có thể dựa vào quan hệ thân thích được phong chức tước. Lưu Dương cũng có con gái, nhưng ông không muốn mạo hiểm như vậy, người đầu cơ này có lòng dạ rất sâu.
Mưu tính của Lưu Dương khiến Lưu Tú lâm vào khổ chiến nội tâm: Vì nghiệp lớn tương lai chàng phải đáp ứng điều kiện đó, bởi dưới thành Côn Dương còn có trăm vạn quân địch, nếu Lưu Dương phản bội thì tướng sĩ đi theo chàng sẽ hi sinh vô ích, hơn nữa còn chưa đòi lại công bằng cho anh cả bị hãm hại vong mạng, mà chính chàng vẫn đang gánh trọng trách dẫn quân giết địch thoát ra lớp lớp vòng vây; thế nhưng khi nghĩ đến đáp ứng liên hôn thì sẽ cô phụ người vợ yêu quý, lại khiến lòng chàng đau đớn, làm sao có thể cô phụ chân tình nghĩa nặng của Âm Lệ Hoa?
Giữa tình nghĩa vợ chồng và đại cuộc, rất khó chọn bên nào bỏ bên nào. Lưu Tú gian nan đưa ra quyết định, chàng cưới Quách Thánh Thông, trong vô hình tiêu trừ một trận ác chiến. Quân đội của Chân Định Vương Lưu Dương phản chiến đi theo Lưu Tú, trọng kích quân địch, tăng thêm trợ lực. Bên này là tất cả đều vui vẻ, bên kia phải chăng rơi lệ?
Hiền thê khiêm nhượng có thể phong
Từ vợ cả biến thành thê thiếp, sự độ lượng của Âm Lệ Hoa hơn người thường gấp triệu lần. Lưu Tú sáng lập Đông Hán, ban đầu cùng phong Quách Thánh Thông và Âm Lệ Hoa làm Quý nhân, không lập Hoàng hậu, tỏ rõ khốn cảnh tình nghĩa lưỡng nan của Quang Vũ Đế. Đây cũng là quan ải mà lịch sử đưa ra cho đôi lứa này, họ là vượt qua cửa ải khó khăn này như thế nào?
Lưu Tú vốn muốn lập Âm Lệ Hoa làm Hoàng hậu, nhưng nàng từ chối, cho rằng Quách Quý nhân lên làm Hoàng hậu sẽ giúp củng cố sức mạnh cho vua, hơn nữa Quách quý nhân đã sinh được hoàng tử. Với tấm lòng trọng xã tắc, không màng tư lợi, Âm Lệ Hoa chấp nhận làm vai trò “thiếp” liền 16 năm.
Năm Kiện Vũ thứ 17, vua phế Quách hoàng hậu và đưa Âm Lệ Hoa lên. Bà tại vị trong vòng 24 năm. Sau khi bà mất, người ta chôn bà trong lăng mộ Hoàng đế Lưu Tú. Sử sách vẫn còn ca ngợi bà “hữu ái thiên chí”, nghĩa là nhân ái lương thiện vô cùng, không muốn làm đau kẻ khác. Hậu thế đánh giá bà rất cao, không chỉ do tính tình nhân hậu đúng mực của bà, mà còn do chính bà đã đề ra quy tắc “Hậu cung không can dự chính trường”, giúp các triều đại sau tránh nhiều rắc rối.
Những cái chết “kinh thiên động địa” của hoàng đế Trung Quốc
Trong lịch sử cổ đại Trung Quốc từng ghi nhận những trường hợp hoàng đế có cái chết thật kỳ quái, khác người với những ... |
Chiêu độc của vị Hoàng hậu cao tay khiến Hoàng đế mê mẩn
Nhắc đến Độc Cô Hoàng hậu, người ta thường nghĩ ngay đến hình ảnh của người phụ nữ tôn thờ chế độ một vợ một ... |