Theo Cổng thông tin quân sự Ukraine ngày 26/11, máy bay trinh sát điện tử RC-135V của Mỹ đã đến Biển Đen thực hiện nhiệm vụ sát Crimea.
Sau sự cố giữa Ukraine và Nga tại eo Biển Kerch-khu vực nối liền giữa Biển Đen và Biển Azov, quân đội Mỹ đã lập tức điều động trinh sát cơ RC-135V tới thực hiện nhiệm vụ trên.
Sự xuất hiện đường đột của chiếc RC-135V diễn ra sau sự kiện 3 tàu hải quân Ukraine bị cáo buộc xâm phạm lãnh hải Nga trên Biển Đen mà không tuân thủ quy trình, cũng như có hành động gây hấn và di chuyển nguy hiểm gần các tàu tuần tra Nga.
Máy bay RC-135V của Mỹ.
Hậu quả của sự liều lĩnh của Kiev là tàu cảnh sát biển Nga đã phải sử dụng vũ khí và biện pháp đâm húc để buộc nhóm tàu Ukraine dừng lại, sau đó bắt cả ba chiếc và áp giải về cảng Kerch trên bán đảo Crimea.
Quay trở lại với sự xuất hiện của chiếc RC-135V, sau khi tiến vào Biển Đen, máy bay này đã bay dọc theo bờ biển của khu Krasnodar vài lần, biên giới phía nam của Crimea và sau đó trở về căn cứ ở vịnh Suda ở Crete.
Đây là động thái tiếp theo trong chuỗi hành động của máy bay trinh sát nước ngoài tại biên giới Nga thời gian gần đây.
Mặc dù vậy, việc Không quân Mỹ dùng tới chiếc RC-135V khiến nhiều người bất ngờ bởi mức độ tối tân của nó và nhiệm vụ chiếc máy bay này có thể hoàn thành.
Được biết, máy bay RC-135V bảo đảm trinh sát tất cả các phương tiện phòng không của đối phương, bao gồm các máy bay tiêm kích đánh chặn và các tổ hợp tên lửa phòng không, cũng như các mạng liên lạc vô tuyến không quân và các phương tiện vô tuyến điện trên khoang.
Khoang bên phải của máy bay bố trí 12-16 trắc thủ kỹ thuật trong thành phần chỉ huy trinh sát trên không với sự hỗ trợ của hệ thống MUCELS (hệ thống trinh sát đa kênh trong dải sóng cực ngắn).
Các trắc thủ này có chức năng tiến hành trinh sát vô tuyến đối với các máy bay tiêm kích thực hiện nhiệm vụ đánh chặn và quan sát các mạng liên lạc khu vực phòng không của đối phương.
Ngoài ra, các trắc thủ này có nhiệm vụ dự đoán ý định của đối phương.
Trên máy bay còn bố trí 8 trắc thủ trinh sát kỹ thuật. Chức năng chính là tiến hành kiểm soát một cách tỉ mỉ phát xạ vô tuyến của các mục tiêu trên không, mặt đất, trên biển và thiết lập các thông báo đặc biệt bổ sung cho các dữ liệu về tình hình vô tuyến điện được chuyển cho 3 trắc thủ phân tích.
Trắc thủ phân tích chính chịu trách nhiệm thiết lập bản đồ tình hình vô tuyến điện trên không, 2 trắc thủ còn lại (trắc thủ phân tích mục tiêu trên không và trắc thủ phân tích mục tiêu mặt đất) có trách nhiệm hỗ trợ trắc thủ chính.
Ngoài ra, 3 trắc thủ này còn có chức năng theo dõi các thông tin truyền đi từ khoang máy đối phương, sau đó khôi phục lại các dữ liệu này trong thời gian không quá 2 phút, khi cần thiết chỉ trong vòng 10 giây.
Trên máy bay còn có hai trắc thủ thực hiện nhiệm vụ phát hiện và đăng ký sớm các tín hiệu phi tiêu chuẩn hoặc các tín hiệu không nhận biết được của các phương tiện vô tuyến điện của đối phương nhằm khôi phục kịp thời hệ thống tác chiến điện tử.
Đồng thời, tìm ra các biện pháp của đối phương để tiến hành vượt qua sự bảo vệ của hệ thống bảo vệ liên lạc thuộc biên chế không quân Mỹ.
Ngoài các trắc thủ kể trên, còn có 1 trắc thủ truyền dữ liệu cho máy bay E-3 AWACS (máy bay trinh sát tình hình trên không trong các hoạt động tác chiến của không quân Mỹ) và 2 chuyên gia bảo dưỡng kỹ thuật bay ngồi tại vị trí chuyên dụng.
Trắc thủ của máy bay E-3 thiết lập bản đồ tình hình trên không sau đó chuyển cho máy RC-135V bằng phương thức vô tuyến điện.
Sau khi nhận được bản đồ tình hình trên không dưới dạng kỹ thuật số, RC-135V sẽ nhận biết và phân biệt mục tiêu trên không theo các dữ liệu trinh sát vô tuyến và kỹ thuật vô tuyến trên nền của hệ thống phòng không đối phương. Từ đó tìm biện pháp đối phó.
Căn cứ vào nhiệm vụ và đường bay của chiếc RC-135V gần Crimea cho thấy, có thể toàn bộ trận địa tên lửa, đặc biệt là hệ thống phòng không Nga đặt ở bán đảo này đã được Mỹ phân tích kỹ lưỡng và lên phương án đối phó cho một kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy ra.