Theo ông Hùng, chỉ trong nửa tháng, lòng hồ phải hứng chịu 2 đợt mưa, lũ ống đổ về với lưu lượng nước lớn chưa từng có trong 50 năm qua.
Đó là thông tin do ông Tạ Thanh Hùng, Phó GĐ Công ty thủy điện Bản Vẽ (Nghệ An) cho biết vào ngày 2/9 trên báo VietNamNet.
“Chúng tôi phải tìm cách ngăn lượng nước đổ về hạ du thấp hơn lượng nước dồn về hồ chứa” - ông Hùng thông tin.
Theo ông Hùng, trong đợt lũ tràn về ngày cuối tháng 8 và đầu tháng 9, lòng hồ thủy điện Bản Vẽ lần thứ 2 chứng kiến mực nước đổ về cao nhất trong lịch sử. Lượng nước đổ về từ 930m3/s đến gần 4.300m3/s, gây thiệt hại nặng cho nhà máy.
Thủy điện Bản Vẽ xả lũ mức kỷ lục. Ảnh: NLĐ
Ông Hùng cho biết, mái đá gia cố dưới cao trình 92m bị xói, bóc sâu hư hỏng gần như hoàn toàn. Mái bê tông gia cố bờ phải bị xói, sập khoảng 120m. Mái đất tự nhiên bờ phải bị sạt lở nghiêm trọng, nguy cơ sạt tiếp vào nền đường vận hành N3, N4.
Điều đáng lưu ý, sáng 31/8, lượng nước đổ về quá lớn, buộc nhà máy phải xả lũ bằng lưu lượng nước đổ về, khiến cây cầu dân sinh bắc qua sông Cả dài 150m bị nước cuốn trôi 2 nhịp giữa, đường dẫn bị xói trôi khoảng 20m. Nhà máy đang lên phương án khắc phục, ước khoảng 20 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, nhà máy vẫn đang tiếp tục theo dõi mực nước đổ về hồ để có điều chỉnh mức xả lũ. Nguyên nhân của việc thủy điện Bản Vẽ buộc phải xả lũ lớn kỷ lục theo ông Hùng là do nước lũ từ Lào đổ về quá lớn.
Ông Lương Đại Thắng, Chủ tịch UBND xã Yên Na, huyện Tương Dương cho biết: "Trước đó trời có mưa, nhưng lượng mưa không quá lớn, tuy nhiên, do bên Lào có mưa lớn, nước đổ về quá mạnh, khiến thủy điện Bản Vẽ phải xả lũ. Chính quyền địa phương đã cắt cử các lực lượng hỗ trợ người dân di chuyển đến nơi an toàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại do lũ gây ra".
Cây cầu thuộc công trình thủy điện Bản Vẽ xây dựng bị nước đánh sập 2 nhịp giữa. Ảnh: VNN
Lũ không chỉ gây ngập lụt cho các địa phương ở hạ lưu thủy điện Bản Vẽ, mà ngay các xã ở thượng nguồn sông Nậm Nơn (phía trên thủy điện Bản Vẽ) cũng bị ngập lụt nghiêm trọng. Tại xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn (nằm đầu nguồn của thủy điện Bản Vẽ), nước lũ đang dâng ồ ạt khiến 7 bản trong xã đã bị ngập sâu, cô lập với bên ngoài.
Ông Lô Văn Liệu, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý, cho biết do nước lũ dâng cao, nên trong ngày 30/8, chính quyền địa phương đã di dời khẩn cấp hàng chục hộ dân trên địa bàn đến nơi an toàn. Theo ông Liệu, cách đây hơn 1 tuần, mưa lũ đã nhấn chìm hàng chục nhà dân ở xã Mỹ Lý. Khi người dân chưa kịp khắc phục thì nước lũ tiếp tục ồ ạt đổ về.
“Lần này, nước lũ lớn hơn so với đợt trước 1 - 2 m. Hiện nay, nước vẫn đang ồ ạt đổ về. Nhiều nhà dân bị ngập đến tận mái, tận nóc phải di dời khẩn cấp. Người dân đang vô cùng lo lắng. Chúng tôi đang huy động lực lượng để tiếp tục di dời dân”, ông Liệu nói.
Được biết, ngoài thủy điện Bản Vẽ, thủy điện Khe Bố (huyện Tương Dương) cũng đã tăng lưu lượng xả lũ lên 4.500 m3/s.
Thủy điện Hòa Bình, Sơn La đồng loạt xả lũ chiều nay
- Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống thiên tai gửi công điện tới công ty Thuỷ điện Sơn La, Hòa Bình về việc mở ... |
Lũ lớn ở miền Tây, An Giang xả đập Tha La và Trà Sư
Năm nay nước lũ vùng thượng nguồn ở miền Tây về sớm, mực nước lên nhanh nên chính quyền địa phương đã vận hành xả ... |