Lý do viên chức Mỹ không nghỉ việc dù bị chính phủ nợ lương

Một luật của Mỹ cấm các công nhân, viên chức nghỉ việc trong thời gian đóng cửa chính phủ, nếu không sẽ bị sa thải. 

ly do vien chuc my khong nghi viec du bi chinh phu no luong
Các nhân viên Cục An ninh Vận tải Mỹ (TSA) tại sân bay quốc tế O\'Hare ở Chicago vẫn làm việc trong thời gian chính phủ đóng cửa. Ảnh: AP.

Hàng trăm nghìn viên chức Mỹ vẫn tới nhiệm sở, cơ quan để làm việc mỗi ngày kể từ khi chính phủ đóng cửa một phần hôm 22/12. Họ vẫn khám xét chất nổ trong hành lý ở sân bay, tuần tra nhà tù, chuẩn bị hồ sơ thuế dù không được trả lương, điều khó có thể diễn ra ở một công ty tư nhân hay tại hầu hết các quốc gia châu Âu. Thực tế trên đặt ra câu hỏi: Vì sao các viên chức Mỹ không ở nhà khi phải làm việc không lương.

Nhiều nghị sĩ Mỹ cho rằng một cuộc đình công tập thể của khoảng 800.000 công chức, viên chức liên bang là cách nhanh nhất để thuyết phục Tổng thống Donald Trump và quốc hội đạt được thỏa thuận nhằm chấm dứt tình trạng đóng cửa chính phủ, theo New York Times.

Các viên chức liên bang Mỹ hiểu rõ quyền lực của mình, chẳng hạn như một cuộc đình công của nhân viên Cục An ninh Vận tải (TSA) có khả năng làm tê liệt giao thông hàng không Mỹ. Tuy nhiên, tỷ lệ nghỉ không báo trước của nhân viên TSA trên toàn quốc đến hôm 16/1 là 6,1%, tăng 2,4% so với năm ngoái nhưng chưa đủ để tạo ra đình trệ nghiêm trọng tại các sân bay lớn.

Lý do quan trọng khiến các viên chức Mỹ không đồng loạt nghỉ việc là Đạo luật Quan hệ Lao động Quốc gia tăng quyền đình công cho người lao động Mỹ, nhưng nó đặc biệt không trao quyền này cho công viên chức chính phủ. Một đạo luật được thông qua dưới thời chính quyền cố tổng thống Jimmy Carter cấm viên chức liên bang đình công. Năm 1981, các nhân viên kiểm soát không lưu Mỹ đình công yêu cầu tăng lương và điều kiện làm việc. Khi họ khước từ yêu cầu quay lại làm việc, Tổng thống Ronald Reagan quyết định sa thải tất cả.

Khi một viên chức không được xếp vào diện có thể nghỉ phép không lương trong thời gian chính phủ Mỹ đóng cửa, họ sẽ phải làm việc mà không được hưởng lương. Nếu họ không đến làm việc, hình phạt sẽ là sa thải. Hướng dẫn từ Văn phòng Quản lý Nhân sự Liên bang cấm các nhân viên thuộc diện này nghỉ làm, bao gồm cả nghỉ phép du lịch hay nghỉ ốm, trong thời gian chính phủ đóng cửa.

"Nếu một nhân viên không thuộc diện nghỉ phép không lương từ chối đi làm sau khi đã nhận được lệnh làm việc, người này sẽ bị xem là nghỉ việc không phép và phải chịu mọi hệ quả cho hành động đó", hướng dẫn có đoạn.

Theo các lãnh đạo công đoàn, một lý do khác khiến các viên chức Mỹ không bỏ việc dù bị nợ lương là tinh thần cống hiến cho công việc.

"Tôi biết nghe có vẻ ngô nghê", Jacqueline Simon, giám đốc chính sách công tại Liên đoàn Nhân viên Chính phủ Mỹ, nói. "Nhưng thực sự các viên chức liên bang cực kỳ tâm huyết với nhiệm vụ tại cơ quan họ làm việc. Họ không tự nhiên nhảy vào công việc này. Họ tin vào bộ máy, họ tin vào việc họ làm. Họ không thể cứ thế bỏ việc. Có thể đến lúc nào đấy, một người bắt buộc phải bỏ việc vì hoàn cảnh, để nuôi sống gia đình, nhưng không ai muốn như thế".

Phó chủ tịch Hiệp hội Kiểm soát Không lưu Quốc gia Mỹ Trish Gilbert tuần trước cho hay họ không thấy "sự gia tăng bất thường" số lượng nhân viên kiểm soát không lưu nghỉ việc. Khi được hỏi liệu hiệp hội có định tổ chức đình công không, Gilbert khẳng định họ "sẽ không thực hiện hay ủng hộ bất kỳ hành động nào như vậy".

"Chúng tôi đã tuyên thệ", bà nói. "Chúng tôi biết mình quan trọng với kinh tế Mỹ và chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc. Ngay cả nếu tình trạng không được trả lương kéo dài, chúng tôi vẫn đi làm".

ly do vien chuc my khong nghi viec du bi chinh phu no luong
Biểu tình phản đối chính phủ đóng cửa ở Washington hồi tuần trước. Ảnh: New York Times.

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định tình trạng đóng cửa chính phủ Mỹ diễn ra càng lâu, khả năng các viên chức nhảy việc sẽ càng tăng.

Theo Simon, lòng trung thành không thể giúp các viên chức trang trải cuộc sống, họ vẫn cần trả tiền nhà và xe hàng tháng. Tại những khu vực chi phí sinh hoạt cao như Washington, lương của một nhân viên TSA khởi điểm là 28.000 USD/năm, mức "vừa đủ" và "không thể trở tay nếu có bất kỳ gián đoạn nào trong việc trả lương".

Một khảo sát trên trang việc làm trực tuyến Indeed nghiên cứu hành vi tìm việc từ giữa tháng 12 năm ngoái đến giữa tháng 1 năm nay của các viên chức Mỹ công tác tại những cơ quan bị ảnh hưởng bởi tình trạng đóng cửa chính phủ chỉ ra rằng số lần click chuột vào danh sách việc làm đã tăng 17%. Đây là dấu hiệu cho thấy những nhân viên bị ảnh hưởng bởi tình trạng nợ lương "đang tìm việc làm mới nhiều hơn so với cùng kỳ năm ngoái", Martha Gimbel, giám đốc nghiên cứu kinh tế tại Indeed, cho hay.

Simon nhận định nếu tình hình không biến chuyển, nhiều công chức có thể buộc phải nhảy việc, dù lúc này chưa có bất kỳ cuộc thảo luận nào về kế hoạch đình công tập thể. Các nhân viên liên bang đang "san sẻ khó khăn" cùng sự phẫn nộ với nhau. "Họ không muốn bị đối xử như con tin", Simon nói.

Chính phủ Mỹ bị đóng cửa một phần từ ngày 22/12 tới nay và chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ được mở cửa trở lại trong thời gian tới. Tổng thống Trump tuyên bố ông sẵn sàng đóng cửa chính phủ "nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng" nếu yêu cầu về ngân sách 5,7 tỷ USD xây tường biên giới với Mexico không được quốc hội đáp ứng. Đáp lại, phe Dân chủ ở Hạ viện và Thượng viện Mỹ cho rằng Tổng thống đang biến người dân Mỹ "thành con tin" để thực hiện yêu sách của mình.

ly do vien chuc my khong nghi viec du bi chinh phu no luong Chính phủ Mỹ đóng cửa, thủ đô Washington D.C. thành "thị trấn ma"

Đợt đóng cửa dài nhất lịch sử của chính phủ Mỹ khiến thủ đô Washington D.C. trở nên vắng vẻ, việc làm ăn của các ...

ly do vien chuc my khong nghi viec du bi chinh phu no luong Chính phủ Mỹ đóng cửa ngày thứ 22, lâu nhất trong lịch sử

Tình trạng chính phủ Mỹ đóng cửa một phần vẫn tiếp diễn giữa lúc bất đồng về việc xây bức tường biên giới chưa được ...

/ VnExpress