Bỏng ngô là thứ không thể thiếu trong các bài diễn tập cứu người ngã xuống biển của thủy thủ tàu ngầm hải quân Mỹ.
Tàu ngầm tấn công USS Jacksonville tiếp cận tàu hậu cần USS Emory S. Land tại Sepanggar, Malaysia. Ảnh: US Navy.
Phần lớn các tàu ngầm Mỹ đều mang theo bỏng ngô để sử dụng trong các bài tập tìm kiếm cứu nạn trên biển, trung tá Sarah Self-Kyler, sĩ quan phụ trách truyền thông của lực lượng tàu ngầm hải quân Mỹ tại Đại Tây Dương, cho biết.
Trong nội dung diễn tập cứu người ngã xuống biển, các thủy thủ tàu ngầm Mỹ sẽ thả một chiếc túi lớn chứa bỏng ngô xuống biển để mô phỏng "nạn nhân". Túi bỏng ngô có kích thước gần bằng đầu người, nổi được trên mặt nước khoảng 10 phút và rất khó để phát hiện khi đứng trên tháp của tàu ngầm. Những điều này tăng áp lực cho các thủy thủ tham gia bài tập, Self-Kyler cho biết.
Việc sử dụng bỏng ngô cho các bài tập cứu nạn trên biển không phải là quy định bắt buộc của hải quân Mỹ, nhưng nó thường được chọn do bỏng ngô và túi đựng đều có khả năng tự phân hủy trong môi trường. Ngoài ra, các thủy thủ có thể sử dụng bìa các tông hoặc bất cứ loại vật liệu nào có thể phân hủy được trong bài tập này, theo Business Insider.
Thông thường các bài tập "giải cứu túi bỏng ngô" chỉ được triển khai khi tàu ngầm ra hoặc vào căn cứ, đây là khoảng thời gian hiếm hoi các tàu ngầm bơi nổi trên mặt nước. Nhiều thành viên thủy thủ đoàn tàu ngầm phải tham gia bài tập này.
Khi bắt đầu bài tập, thủy thủ lấy ngô từ kho chính của tàu ngầm, cho vào lò vi sóng để tạo thành bỏng ngô, sau đó đổ vào túi và mang lên tháp chỉ huy để ném xuống biển. Tiếp theo, kíp trực trên tháp chỉ huy sẽ hô lên thông báo có người rơi xuống biển, các thủy thủ trực trong phòng điều khiển sẽ xác định vị trí có "người gặp nạn" và điều khiển tàu ngầm tới gần vị trí này.
Thủy thủ trên tháp chỉ huy tàu ngầm USS Tennessee khi con tàu quay về căn cứ tàu ngầm Kings Bay. Ảnh: US Navy.
Toàn bộ thời gian giải cứu chỉ vẻn vẹn bốn phút, nếu ngâm mình trong làn nước lạnh giá lâu hơn khoảng thời gian này, nạn nhân bị rơi xuống biến sẽ chết. Đây cũng là khoảng thời gian trước khi túi bỏng ngô ngấm nước và tan ra. Trong lúc con tàu được điều khiển tới gần vị trí túi bỏng ngô, những người trực trên boong phải liên tục theo dõi và chỉ tay vào "người gặp nạn".
"Tất cả các kíp trực đều phải đủ năng lực tham gia những chiến dịch như vậy. Họ phải chứng tỏ cho thuyền trưởng biết họ có thể đưa con tàu đến vị trí của túi bỏng ngô", Self-Kyler nói.
Trong trường hợp một thành viên thủy thủ đoàn ngã xuống biển, các thủy thủ làm nhiệm vụ được yêu cầu theo dõi liên tục người gặp nạn và thông báo vị trí cuối cùng của người này tương tự như bài tập với túi bỏng ngô. Thủy thủ đoàn sẽ được điểm danh để xác định danh tính của người gặp nạn.
Các chiến hạm trên mặt nước của hải quân Mỹ không sử dụng bỏng ngô cho các bài tập tương tự, phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Lực lượng Mặt nước Đại Tây Dương Hải quân Mỹ Jim DeAngio cho biết.
"Họ thường sử dụng \'phao khói\', một chiếc hộp khi thả vào nước biển sẽ tự kích hoạt, nổi và tỏa khói để các thủy thủ lấy làm mục tiêu cho bài tập tìm kiếm cứu nạn", theo DeAngio.
Trung - Nhật so kè về năng lực tàu ngầm tại vùng biển châu Á
Trung Quốc và Nhật Bản đang cạnh tranh về sức mạnh quân sự dưới lòng đại dương, trong lúc Thủ tướng Shinzo Abe có chuyến ... |
Việt Nam đã đủ năng lực tự sửa chữa tàu ngầm Kilo
(Quốc phòng Việt Nam) - Hình ảnh do Báo Hải quân đăng tải cho thấy Nhà máy X52 (Cục kỹ thuật Hải quân) đã có ... |
Mẫu tàu ngầm hạt nhân Nga bị Mỹ coi là đối thủ đáng gờm
Yasen-M là lớp tàu ngầm hạt nhân mới nhất của Nga, có thể cạnh tranh sức mạnh với những khí tài hiện đại nhất trong ... |
Nguyễn Tiến