Trong bối cảnh nhiều thách thức và cơ hội, với sự chỉ đạo sát sao của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), cán bộ, người lao động Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) đã chung sức, đồng lòng sáng tạo, tập trung cao nhất sức lực và trí tuệ để hoàn thành các mục tiêu, xứng đáng là “Ngọn lửa trí tuệ Dầu khí Việt Nam”.
Theo TS Nguyễn Hồng Minh - Bí thư Đảng ủy, Phó viện trưởng VPI, năm 2017 là năm đặc biệt khó khăn đối với VPI khi giá dầu duy trì ở mức thấp, tuy đã phục hồi nhưng tốc độ chậm và biến động khó dự đoán; tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, thiếu nguồn vốn cho công tác tìm kiếm thăm dò, sản lượng khai thác dầu khí suy giảm… dẫn đến các công ty và nhà thầu dầu khí tiết giảm chi phí cho nghiên cứu khoa học; tăng mức độ cạnh tranh về dịch vụ trên thị trường khoa học công nghệ dầu khí; đề án chuyển đổi mô hình tổ chức và hoạt động của VPI chưa được phê duyệt; triển khai nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của Tập đoàn chậm do Tập đoàn chưa ban hành quy chế quản lý công tác nghiên cứu khoa học và quản lý quỹ phát triển khoa học và công nghệ; Luật Đấu thầu 2013 áp dụng triển khai đối với việc giao thực hiện các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ của Tập đoàn.
Chủ tịch HĐTV PVN thăm Phòng truyền thống của VPI |
TS Nguyễn Hồng Minh cho biết, dưới sự chỉ đạo sát sao của Tập đoàn, sự hỗ trợ của các đơn vị thành viên, các công ty, nhà thầu dầu khí, VPI đã tập trung xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa học gắn liền với hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, nâng cao chất lượng các đề tài, nhiệm vụ, lấy nghiên cứu ứng dụng làm trọng tâm: định hướng thăm dò tổng thể, chính xác hóa cấu trúc địa chất các bể trầm tích, địa chất - mô hình khai thác Nhenhetxky, tối ưu hóa năng lượng nhà máy chế biến dầu khí, hóa dầu olefin, nâng cấp tối thiểu Dung Quất, báo cáo đầu tư Phong Lan Dại, quản trị rủi ro, mô hình phân phối, báo cáo phát triển bền vững, chống ăn mòn...
VPI chủ động sắp xếp lại các đơn vị, bộ phận trực thuộc theo hướng tinh giảm, gọn nhẹ, hiệu quả; cập nhật hệ thống quy chế theo quy định mới của pháp luật: lương, chi tiêu nội bộ, quy chế cán bộ, chuyên gia; xây dựng bộ khung chuyên môn, quản lý, nghiệp vụ; tản quyền, quy định rõ trách nhiệm và thẩm quyền của các chủ thể trong quá trình hoạt động.
VPI đẩy mạnh việc triển khai các chương trình nghiên cứu dài hạn (EOR, chế biến sâu khí thiên nhiên có hàm lượng CO2 cao, tiết kiệm năng lượng, tăng hiệu quả hoạt động nhà máy lọc hóa dầu, hiệu suất nhà máy đạm, phát triển công nghệ xử lý, chế biến sâu khí có hàm lượng tạp chất cao), phát triển sản phẩm thương mại (chế tạo xúc tác cracking công nghiệp, phát triển ứng dụng công nghệ, sản phẩm phục vụ quản lý và tối ưu khai thác, công nghệ sản xuất anot hy sinh); đẩy mạnh tìm hiểu nhu cầu, quảng bá khả năng cung cấp, mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ ra ngoài Tập đoàn (SD668, MICCO, DNV GL, Hyosung, PMP) và ngoài ngành, nước ngoài (KIST, Lerwick Corrosion Technologies - Singapore, Bangladhesh).
VPI đã đẩy mạnh công tác đăng ký bản quyền, sáng chế, giải pháp hữu ích được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng: 1 sáng chế và 4 giải pháp hữu ích, chấp nhận đơn hợp lệ 7 sáng chế; khởi tạo các chương trình dài hạn (mỏ Tây Khoseidai, địa chấn đặc biệt, EOR low-sal, ảnh địa chấn tán xạ, phân chia lưu lượng dầu, phụ gia dầu bôi trơn, phụ gia chống ăn mòn) và thương mại hóa sản phẩm (anode hy sinh kẽm, ổn định thành giếng, deoiler) bằng nguồn lực của Viện; sản phẩm “Chế phẩm hóa học tăng cường thu hồi dầu VPI-SURF” được Bộ Công Thương đưa vào danh mục hàng hóa trong nước sản xuất được; đăng tải 125 bài báo khoa học trên các tạp chí trong và ngoài nước (28 bài đăng tải quốc tế).
VPI tập trung đào tạo chuyên sâu phát triển chuyên gia, tự tổ chức tất cả các khóa chuyên sâu trong nước, ưu tiên đào tạo theo các định hướng nghiên cứu dài hạn của Viện, thuê chuyên gia kết hợp đào tạo và thực hiện đề tài, nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, VPI thực hiện tốt nhiệm vụ thường xuyên cho Tập đoàn: lưu trữ, mua thông tin tài liệu nước ngoài, biên tập in ấn xuất bản Tạp chí Dầu khí, quản lý và vận hành Phòng truyền thống, quay phim chụp ảnh và vận hành hiệu quả tòa nhà Viện Dầu khí tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Năm 2017, VPI được cấp 1 bằng độc quyền sáng chế; 4 bằng độc quyền giải pháp hữu ích; 7 đơn đăng ký sáng chế; 1 sản phẩm trong nước sản xuất được (VPI-SURF); 1 sáng kiến cấp Tập đoàn; 7 sáng kiến cấp VPI...
Năm 2018, VPI sẽ tập trung triển khai 4 chương trình nghiên cứu dài hạn: đẩy mạnh phát triển sản phẩm thương mại, tăng cường công bố công trình, đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích, bản quyền trong nước và thế giới; đẩy mạnh đào tạo chuyên sâu, phát triển chuyên gia, thuê chuyên gia giỏi về đào tạo và tạo ra các sản phẩm có giá trị cao; xây dựng cơ sở dữ liệu tri thức, coi đây là tài sản lao động trí tuệ của 40 năm hình thành và phát triển VPI mà các thế hệ nhà khoa học dầu khí để lại cho mai sau; tăng cường kết nối, hợp tác, liên kết, liên doanh với các đối tác trong và ngoài nước.
VPI hiện đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp đột phá về khoa học công nghệ, hoạt động dầu khí, về tổ chức quản lý, đầu tư, tài chính, về nguồn nhân lực và về phát triển hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, thông tin... để phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu chiến lược là xây dựng VPI hoàn chỉnh, đồng bộ, gắn liền công tác nghiên cứu, đào tạo với thực tiễn sản xuất, đảm bảo giải quyết tất cả các vấn đề nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ, tư vấn có đầy đủ luận cứ khoa học, thực sự là bộ não tham mưu cho mọi hoạt động sản xuất kinh doanh và đóng góp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành; đến năm 2025 đạt trình độ ngang tầm khu vực, đến năm 2035 đạt trình độ tiên tiến trên thế giới trong một số lĩnh vực trọng tâm.
Khẳng định vai trò quan trọng của khoa học công nghệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV PVN Trần Sỹ Thanh khẳng định, không đầu tư cho khoa học công nghệ thì không có tương lai, VPI là bộ não tham mưu tư vấn cho Tập đoàn trong việc định hướng các vấn đề chiến lược. VPI cần phối hợp với các đơn vị xác định mô hình hoạt động, đồng thời xây dựng, đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp để phát triển trong quá trình chuyển đổi; tiếp tục xây dựng và phát triển đội ngũ chuyên gia; tiếp tục hiện đại hóa công nghệ và nâng cao hiệu quả quản trị của ngành Dầu khí.
PVOIL: Doanh nghiệp tiêu biểu thực hiện cổ phần hóa Với giá trị doanh nghiệp được xác định hơn 10 nghìn tỉ đồng và 19 nhà đầu tư chiến lược đăng ký, Tổng Công ty ... |
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tặng thưởng U23 Việt Nam 200 triệu đồng Chúc mừng đội U23 Việt Nam giành ngôi vị Á quân tại Giải vô địch bóng đá U23 châu Á, Tập đoàn Dầu khí Việt ... |