Lỗ hổng trong lưới lửa phòng không Nga tại Syria

Địa hình phức tạp nhiều đồi núi tại Syria có thể là lý do radar Nga không phát hiện được tên lửa hành trình Mỹ tấn công nước này. 

lo hong trong luoi lua phong khong nga tai syria
Tổ hợp S-400 thứ hai của Nga tại Syria. Ảnh: Airbus.

Ảnh vệ tinh cho thấy Nga đã triển khai thêm một tổ hợp phòng không tầm xa S-400 Triumf tới vùng núi gần thành phố Masyaf, tây bắc Syria trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 7 năm nay. Tổ hợp S-400 được đặt gần trận địa Bastion-P từng khai hỏa hai tên lửa P-800 Oniks nhằm vào các mục tiêu ở Syria. Các bệ phóng và radar của tổ hợp Bastion có thể được giấu trong các hầm ngầm nằm giữa trận địa phòng thủ của S-400.

Động thái này giúp tăng đáng kể năng lực phòng không của Nga tại Syria, đồng thời răn đe các máy bay của Mỹ và đồng minh trên không phận Syria. Tuy nhiên, việc triển khai hệ thống S-400 thứ hai tới Syria cũng cho thấy lỗ hổng trong lưới phòng không của Nga tại đây, theo War Is Boring.

Tổ hợp S-400 thứ hai gồm 4 xe chở kiêm bệ phóng 5P85SM, mỗi bệ phóng có khả năng mang tối đa 4 đạn sẵn sàng chiến đấu, một radar điều khiển hỏa lực 92N6 và một radar nhìn vòng mọi độ cao 96L6.

Khi Nga bắt đầu chiến dịch can thiệp quân sự ở Syria, căn cứ không quân Hmeymim, nơi đóng quân của lực lượng không quân Nga, được bảo vệ bởi tàu tuần dương hạng nặng Moskva trên Địa Trung Hải. Đây là chiến hạm có uy lực mạnh, sở hữu tổ hợp phòng không S-300F "Fort" với tầm bắn 90 km. Tuy nhiên, hải quân Nga không thể triển khai tuần dương Moskva vô thời hạn ở Syria.

Ngoài ra, nhiều cuộc tấn công bằng pháo phản lực phóng loạt BM-21 nhằm vào Hmeymim cho thấy hệ thống S-300F trên tuần dương hạm Moskva không thể đơn độc bảo vệ căn cứ này. Điều này buộc Nga sau đó phải triển khai thêm ít nhất một đơn vị phòng không tầm ngắn Pantsir-S1 đến Hmeymim.

Tháng 10/2015, sau vụ cường kích Su-24 Nga bị tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ, Moscow công khai đưa hệ thống phòng không tầm xa S-400 Triumf đến Syria. Tuy nhiên, ảnh vệ tinh cho thấy dường như hệ thống này là S-350, biến thể tối tân của hệ thống S-300, được tối ưu cho nhiệm vụ tiêu diệt tên lửa hành trình, chiến đấu cơ và tên lửa đạn đạo.

Theo chuyên gia quân sự Tom Cooper, cặp đôi S-350 và S-400 hoặc Pantsir-S1 và S-400 có thể bảo vệ không phận Hmeymim, cũng như bao trùm toàn bộ bờ biển Syria ở phía Địa Trung Hải. Tuy nhiên, thực tế khi vận hành cho thấy việc này không hề dễ dàng.

Điểm yếu lớn nhất trong lưới phòng không Nga tại Syria là địa hình. Căn cứ Hmeymim nằm trên bờ biển Địa Trung Hải, cách núi Alawite chưa đến 10 km về phía tây và phía nam núi Turkmen khoảng 40 km. Chính các dãy núi này đang giới hạn cự ly phát hiện mục tiêu và khả năng đánh chặn của tên lửa phòng không Nga.

lo hong trong luoi lua phong khong nga tai syria
Tổ hợp S-400 tại căn cứ Hmeymim. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.

Radar điều khiển hỏa lực 91N6 của S-400 có tầm hoạt động không dưới 300 km, nhưng khó có thể thể bám bắt máy bay hoạt động tầm thấp và tầm trung ở khoảng cách chỉ 40 km về phía bắc hoặc phía đông căn cứ Hmeymim.

Điều này dường như không phải vấn đề lớn ở đầu chiến dịch can thiệp quân sự của Moscow, do các hệ thống chỉ tập trung bảo vệ Hmeymim. Tuy nhiên, vào giai đoạn cuối năm 2015 và đầu năm 2016, các cuộc giao tranh ở miền bắc Syria bắt đầu dịch chuyển ra xa khỏi Hmeymim, đồng thời căng thẳng giữa Nga với Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ cũng gia tăng, đòi hỏi Moscow bổ sung thêm lực lượng phòng không.

Việc triển khai thêm hệ thống phòng không càng trở nên quan trọng khi lính Nga tham chiến ở Aleppo. Họ cần sự bảo vệ trước những cuộc tập kích đường không tiềm tàng do Mỹ và đồng minh tiến hành.

Tháng 12/2015, chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad bố trí tổ hợp S-75M và Buk-M2E tới căn cứ không quân Kweres, phía đông Aleppo. Ba tháng sau, Nga bắt đầu triển khai hệ thống S-400 ở khu vực As Safira, cách Aleppo khoảng 30 km về phía đông nam. Việc này giúp Nga bịt lỗ hổng radar do núi Alawite gây ra.

Ngày 6/4/2017, hai khu trục hạm Mỹ phóng 59 tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ không quân al-Shayrat của chính phủ Syria, với lý do trả đũa vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở thị trấn Khan Sheykhoun.

Trên đường tiếp cận mục tiêu, hầu hết tên lửa Mỹ đều bay qua khu vực Tartus và "khoảng trống Homs", vùng trũng nằm giữa các dãy núi ở tây Syria và Lebanon, cách Hmeymim chỉ 50 km về phía nam. Mạng lưới radar Nga được cho là không thể phát hiện tên lửa hành trình Mỹ trong lần tập kích này.

Sau vụ tấn công, Moscow quyết định điều ba máy bay cảnh báo sớm A-50 đến Hmeymim nhằm mở rộng và tăng cường phạm vi bao phủ radar tại đây. Tuy nhiên, không quân Nga chỉ có 17 chiếc A-50 trong biên chế. Việc triển khai phi cơ cảnh báo sớm tới Syria càng làm tăng gánh nặng cho lực lượng A-50 đang giám sát và bảo vệ không phận rộng lớn của Nga.

Các đơn vị tên lửa hành trình Bastion-P ở Syria cũng cần được bảo vệ. Đây là lý do Moscow đặt hệ thống S-400 thứ hai ở điểm cao gần Masyaf, giúp tăng khả năng phát hiện mục tiêu tầm thấp từ khoảng cách xa. Hai hệ thống S-350/S-400 tại Hmeymim và Masyaf có thể giúp Nga phòng thủ tốt hơn, hạn chế điểm mù do địa hình gây ra.

lo hong trong luoi lua phong khong nga tai syria
Vị trí thành phố Masyaf, tây bắc Syria. Đồ họa: Wikipedia.

Khả năng phát hiện máy bay tàng hình và tên lửa hành trình của các hệ thống này vẫn là một dấu hỏi, dù quân đội Nga tuyên bố S-300, Buk-M2E, S-400 và Pantsir-S1 có thể phát hiện và tiêu diệt các mục tiêu dạng này.

Ảnh vệ tinh cho thấy radar tầm xa P-14, khí tài có từ thập niên 1950 hiện không còn trong biên chế quân đội Nga, đang hoạt động gần tổ hợp S-400 ở Masyaf. Khác với những radar nằm trong hệ thống S-400, mẫu P-14 sử dụng bước sóng có khả năng phát hiện máy bay tàng hình.

Điều này có thể là dấu hiệu cho thấy Nga chưa đủ tự tin với khả năng chống tàng hình của radar hiện đại, buộc họ sử dụng dữ liệu bổ sung từ hệ thống cũ kỹ trong biên chế Syria. Tuy nhiên, đó cũng có thể chỉ là sự trùng hợp, khi tổ hợp S-400 được bố trí ở trận địa gần đài radar P-14 có sẵn của Syria.

Trên thực tế, Moscow cũng chưa bố trí những radar chuyên chống tàng hình như Protivnik-GE, Nebo-SVU hay Nebo-M đến Syria, cho thấy họ chưa cảm thấy bị đe dọa bởi máy bay tàng hình, chuyên gia Cooper nhấn mạnh.

https://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/quan-su/lo-hong-trong-luoi-lua-phong-khong-nga-tai-syria-3653044.html?vn_source=box-Topstory&vn_medium=fo-TheGioi&vn_campaign=vn

/ vnexpress.net