Một một công ty con trong tập đoàn BRG của nữ doanh nhân Nguyễn Thị Nga vừa được chấp thuận tham gia mua toàn bộ 65% cổ phần của tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro).
UBND TP. Hà Nội đã ra quyết định phê duyệt cho công ty TNHH Motor N.A Việt Nam (Vinamco) - thuộc tập đoàn BRG của doanh nhân Nguyễn Thị Nga, tham gia mua toàn bộ 65% cổ phần và trở thành cổ đông chiến lược của Hapro.
Trước đó, sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo về việc đăng ký làm đại lý đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO) của Hapro.
Thời gian tổ chức phiên IPO dự kiến diễn ra lúc 8h30 ngày 30/3/2018 tại HNX. Theo đó, Hapro sẽ chào bán 75.926.000 cổ phần, chiếm 34,51% vốn điều lệ công ty với giá khởi điểm là 12.800 đồng/cp. Nếu thực hiện thành công, Hapro sẽ thu về gần 972 tỷ đồng từ đợt IPO này.
|
|
Nữ đại gia Nguyễn Thị Nga |
Song song với phiên đấu giá, Hapro cũng tiến hành bán cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là 1,07 triệu cổ phần, chiếm 0,49% vốn điều lệ; và 143 triệu cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược, chiếm 65% vốn điều lệ.
Theo quy định, giá mua của nhà đầu tư chiến lược sẽ không thấp hơn mức trúng giá tại phiên đấu giá công khai ngày 30/3 sắp tới. Như vậy có thể hiểu là để trở thành cổ đông chiến lược của Hapro, công ty của bà Nguyễn Thị Nga sẽ phải bỏ ra ít nhất 1.830 tỷ đồng và đại gia ngành thực phẩm đồ uống Hapro sẽ thực sự đổi chủ.
Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) có địa chỉ tại số 38 - 40 Lê Thái Tổ, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán buôn thực phẩm, bán buôn đồ uống, bán buôn máy móc, thiết bị và phụ tùng máy khác.
Đây là một doanh nghiệp Nhà nước có tình hình kinh doanh bết bát trong nhiều năm trở lại đây. Theo báo cáo tài chính mới nhất đến hết quý 2/2017 thì 6 tháng đầu năm 2017 công ty chỉ có doanh thu 1.936 tỷ đồng, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm 2016.
Lợi nhuận sau thuế "còi cọc" chỉ còn 9,7 tỷ đồng (giảm hơn 80% so với cùng kỳ năm 2016). Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của doanh nghiệp quý 2/2017 tuy dương 6,4 tỷ đồng, song do lỗ lũy kế các năm trước để lại lên tới 30,5 tỷ đồng do đó đến giờ khoản lỗ lũy kế mà Hapro phải gánh vẫn còn tới hơn 24 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhờ nắm giữ trong tay nhiều dự án, nhiều mảnh đất “vàng”, thậm chí thuộc tầm “kim cương” ở Hà Nội, Hapro được định giá hơn 2.800 tỷ đồng trước khi cổ phần hóa. Đó là các mảnh đất tại số 38-40 Lê Thái Tổ của công ty mẹ Hapro, mảnh đất số 12-14 Tràng Thi của công ty con là công ty CP Thương mại và Dịch vụ Tràng Thi, mảnh đất số 1-6 Lê Thái Tổ của công ty CP Dịch vụ Thủy Tạ, hay số 11B Tràng Thi của công ty con là công ty XNK Thủ công Mỹ nghệ và Du lịch Thương nhân Hapro...
|
|
Quán cafe Hapro Bốn Mùa nằm trong khuôn viên Hồ Gươm - một trong những tài sản do Hapro đang quản lý |
Hapro cũng được biết đến là đơn vị đang quản lý, sử dụng và đầu tư vào nhiều dự án bất động sản có vị trí đắc địa tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố lớn, đáng chú ý là các dự án: Dự án TTTM và văn phòng số 5 Lê Duẩn, dự án "Tổ hợp thương mại văn phòng 15 tầng số 11B Cát Linh", dự án TTTM số 10B Tràng Thi và nhiều dự án ở các tỉnh thành khác.
Quán cafe Hapro Bốn Mùa nằm trong khuôn viên Hồ Gươm - một trong những tài sản do Hapro đang quản lý.
Bà Nguyễn Thị Nga được biết đến là một nữ doanh nhân giàu có trên cương vị Chủ tịch ngân hàng TMCP Đông nam Á (SeABank), Chủ tịch BRG Group, chủ tịch/thành viên HĐQT của hàng loạt công ty khác như Thăng Long GTC, Hanoi Toserco, khách sạn Thắng Lợi, khách sạn Hilton Hanoi, OSC Vietnam.
Cho tới thời điểm này, ngoài Vinamco, hiện chưa có đối tác nào sẵn sàng để trở thành cổ đông chiến lược của Hapro, cho thấy khả năng Vinamco trở thành cổ đông chiến lược, nắm giữ 65% cổ phần tại Hapro, là rất cao. Vấn đề còn lại chỉ là giá IPO thành công hôm 30/3 sẽ là bao nhiêu, doanh nghiệp nhà bà Nguyễn Thị Nga sẽ phải bỏ ra bao nhiêu tiền.
Tập đoàn BRG muốn thâu tóm Hapro
Với giá khởi điểm 12.800 đồng, Hapro được định giá 2.800 tỷ đồng khi thực hiện chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng. |