Vụ hơn 10 tài khoản tại Agribank “bốc hơi” lúc nửa đêm đang gây xôn xao dư luận. Nguyên nhân ban đầu được ngân hàng cho biết, có thể do chủ thẻ bị đánh cắp thông tin dữ liệu thẻ trong quá trình sử dụng.
Chỉ cần thao tác đơn giản là che mã PIN khi thực hiện giao dịch tại ATM, khách hàng có thể hạn chế việc bị lộ thông tin thẻ. Ảnh: HẢI NGUYỄN
Đây chỉ là một trong số hàng trăm vụ mất tiền trong thẻ ATM thời gian gần đây. Vậy, thủ đoạn của bọn tội phạm là gì? Và làm thế nào để thực hiện giao dịch ATM an toàn?
ATM gắn thiết bị đọc trộm
Một trong những thủ đoạn “kinh điển” mà tội phạm đang thực hiện là gắn các thiết bị (skimming) vào các máy ATM để trộm cắp dữ liệu, làm giả thẻ từ, rút tiền. Kẻ trộm sử dụng 1 bảng nhựa, trong đó chứa thiết bị lấy cắp thông tin thẻ (skimming) ốp phía ngoài khe quẹt thẻ. Khi chủ thẻ đưa thẻ vào khe cắm thẻ, đầu tiên, thẻ sẽ đi qua thiết bị skimming trước rồi mới vào khe cắm thẻ. Bằng hình thức này, tội phạm sẽ lấy được toàn bộ thông tin lưu trữ trên dải từ của thẻ.
Một camera nhỏ, thường được ngụy trang trong 1 thanh nhựa hoặc bảng quảng cáo ốp ngay phía trên bàn phím của máy ATM để ghi lại toàn bộ hoạt động nhập mã PIN của khách hàng khi rút tiền. Sau khi lấy được thông tin, đối tượng sẽ làm giả thẻ ngân hàng và rút tiền tại các máy ATM.
Đại diện của Cục cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an (C50) cho biết: “Hoạt động của các nhóm đối tượng người nước ngoài ngày càng chuyên nghiệp hơn, chia thành nhiều nhóm nhỏ, phân công chức năng, nhiệm vụ rõ ràng: Trong đó có nhóm gắn thiết bị, nhóm lấy thiết bị, thu thập thông tin thẻ, sau đó gửi cho nhóm IT để làm thẻ giả, nhóm đi rút tiền. Địa bàn tội phạm skimming tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn. Đối tượng phạm tội chủ yếu là người nước ngoài, phía Bắc chủ yếu là đối tượng người Trung Quốc, Indonesia, Malaysia; phía Nam và miền Trung, các đối tượng các nước Đông Âu như Bungari, Rumani, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Anh…”.
Cuối tháng 3.2018, Phòng An ninh kinh tế (PA81) Công an TP.Đà Nẵng bắt quả tang 2 người mang quốc tịch Trung Quốc đang có hành vi tháo thiết bị bên trong trụ ATM. Trước đó, ngày 7.3, Công an TP.Cần Thơ cho biết, CQĐT đã bắt khẩn cấp nhóm 5 nghi phạm chuyên đặt thiết bị đọc trộm, sao chép thông tin chủ tài khoản tại các trụ ATM ngân hàng để làm giả thẻ chiếm đoạt tiền tỉ. Các đối tượng đã thực hiện hành vi trên và chiếm đoạt tiền của trên 80 nạn nhân tại một số tỉnh khu vực ĐBSCL.
Lập website giả mạo ăn cắp thông tin
Chiêu lừa phổ biến thứ 2 mà tội phạm thường áp dụng là Phishing, tức là tạo ra Website giả có giao diện giống hệt Website của ngân hàng hoặc của 1 đơn vị bán hàng trên mạng, trên đó yêu cầu khách hàng (chủ thẻ) cung cấp thông tin thẻ (số thẻ, ngày hiệu lực, mã bảo mật thẻ CVV, CVC…).
Ông Đào Minh Tuấn - đại diện Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam - cho biết, đối tượng gửi email hoặc spam trên Facebook đến cho khách hàng kèm theo đường link cùng với các thông tin dễ gây sự tò mò/ hấp dẫn để khách hàng click vào đường link đến 1 Website có giao diện, tên miền gần giống như tên miền Website của ngân hàng, hoặc các trang bán hàng trực tuyến quảng cáo bán hàng hóa. Mặc dù không có gì mới mẻ nhưng nhiều người vẫn “nhẹ dạ cả tin” click vào những email, đường link giả và để mất tài khoản cá nhân và thông tin thẻ tín dụng như số thẻ, ngày hết hạn, mã bảo mật.
Che tay khi bấm mật khẩu tại ATM
Vậy, làm thế nào để thực hiện giao dịch ATM an toàn? Ông Hoàng Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm xử lý tiền mặt của Vietcombank - cho biết, trước hết, khách hàng cần bảo quản thẻ cẩn thận, an toàn, không đưa thẻ của mình cho người khác sử dụng và tránh bẻ cong hoặc làm xước lớp từ trên thẻ. Bên cạnh việc bảo mật mã số cá nhân (PIN), khách hàng không nên đặt mật khẩu cho mã PIN có liên quan đến các thông tin cá nhân như: Ngày, tháng, năm sinh, số điện thoại, biển số xe… để tránh khi mất thẻ, kẻ gian có thể dò ra mật khẩu để rút trộm tiền. Nên thường xuyên đổi mật khẩu.
Khi giao dịch tại ATM cũng như tại máy POS cần che tay khi bấm mật khẩu để đảm bảo không ai nhìn thấy. Ngoài ra, khi giao dịch tại máy ATM, cần quan sát kỹ máy ATM trước khi thực hiện giao dịch, đặc biệt tại các vị trí: Khe đọc thẻ, bàn phím, camera. Nếu nhận thấy máy ATM có các thiết bị lạ hoặc có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, khách hàng ngừng giao dịch và thông báo ngay cho Hotline ngân hàng hoặc điểm giao dịch gần nhất. Khi thực hiện giao dịch rút tiền, khách hàng cần đợi máy chi tiền ra, không nên bỏ đi ngay để tránh trường hợp máy ATM nhả tiền chậm và người khác có thể lấy được số tiền này.
Người dùng nên đăng ký dịch vụ nhận tin nhắn báo số dư qua tin nhắn để kiểm soát được những thay đổi trong tài khoản của mình. Trong câu chuyện mất tiền tại Argibank, chủ thẻ phát hiện bị rút trộm tiền lúc nửa đêm nhờ tin nhắn báo trừ tiền từ ngân hàng.
Thêm 2 nghi phạm trong băng trộm tiền ở thẻ ATM bị khởi tố
Jo Pham (48 tuổi, quốc tịch Mỹ) và Hiền (22 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre) bị cơ quan điều tra khởi tố do liên quan ... |
Kẻ dùng máy cắt kim loại phá trụ ATM lĩnh 5 năm tù
Do thiếu tiền tiêu xài, Hoàng Văn Vương dùng máy cắt kim loại phá trụ ATM trước cửa ngân hàng, gây thiệt hại 80 triệu ... |
Nhiều người ở Sài Gòn bị làm giả thẻ ATM
Biết dữ liệu nhiều chủ thẻ ATM, Khải mua máy và nguyên liệu về làm giả hàng loạt thẻ, đưa cho đồng phạm rút trộm ... |