Khi Nguyễn Quỳnh Lâm kể cho tôi nghe về những người như Lê Trần Minh Trí, Mike Nguyễn… tôi nhớ đến một người từng dám từ bỏ mức lương hơn 3.000USD một tháng về để làm công việc mà có mức lương… vài triệu.
Chế tạo trên bờ đã là việc cực khó, nhưng đem ra biển xa hàng trăm cây số hạ thủy, lắp vào chân đế mới là chuyện “đánh bạc với giời”. Từ trước, việc lắp đặt các giàn có khối lượng dưới 4.000 tấn thì dùng cần cẩu, nhưng với các giàn trên 4.000 tấn thì phải theo phương pháp đánh chìm sà lan hoặc trượt. Việc vận chuyển, lắp đặt cực kỳ tốn kém và thường chiếm đến 30% giá trị toàn dự án.
Xin hãy thử tưởng tượng, một chiếc sà lan chở trên đó khối thiết bị nặng cả chục ngàn tấn, cao ngất ngưởng như tòa nhà chục tầng được hai hoặc ba tàu kéo đi với tốc độ nhỉnh hơn người đi bộ chút, trên đoạn đường biển hơn 300 cây số thì sẽ như thế nào? Kéo ra đến nơi rồi lại phải hạ xuống, lắp vào giàn chân đế… Vì giàn quá nặng, nên lúc hạ thủy chân đế phải dùng phương pháp đánh chìm sà lan để cho giàn trượt xuống biển và được giữ lơ lửng trong làn nước biển bằng hệ thống phao khổng lồ. Sau khi định vị chuẩn xác vị trí, sẽ cho xả hơi từ các phao và để giàn chìm dần xuống.
Năm 2011, lắp đặt giàn Mộc Tinh. Khi đang “rồng rắn” cả đoàn trên biển khi cách Mộc Tinh hơn 100 cây số thì có tin một cơn bão mới nhoe lên tít tận ngoài Thái Bình Dương, cách Philippines cả ngàn cây số. Tốc độ di chuyển của bão thì gấp… 3 lần tốc độ của đoàn tàu. Thế là cả đoàn đã phải… chuồn ngay vào Côn Đảo nấp. Một lần bị như vậy là coi như vài chục tỉ đồng ném xuống biển.
Đến ngày hôm nay, có thể khẳng định Dự án Biển Đông 01 hay còn được gọi bằng cái tên “hoành tráng” là “Khủng Long Biển Đông 01” đã thành công ngoài dự tính. Nói chuyện về quá trình thực hiện dự án, khi nhắc đến tên các anh lãnh đạo của Vietsovpetro, PTSC, PTSC M&C, PV Drilling, Nguyễn Quỳnh Lâm vẫn thấy xúc động. Anh nói: “Dự án này thành công, có thể nói công đầu thuộc về các đơn vị đó. Nếu không có trí sáng tạo, tinh thần khắc phục khó khăn và ý chí mãnh liệt của lãnh đạo và từng người thợ, khó mà dự án có thể thực hiện được như tiến độ đặt ra”.
Còn Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Nguyễn Hùng Dũng, khi đó là Tổng giám đốc PTSC, khi kể về những ngày làm giàn Hải Thạch, giàn PQP, anh đánh giá rất cao những giải pháp kỹ thuật trong chế tạo giàn, những phương án xử lý tình huống phát sinh khi lắp đặt mà lãnh đạo Ban Quản lý Dự án Biển Đông 01 đưa ra. Anh nói: “Nếu nói về việc chế tạo, lắp đặt các giàn thì phải hàng trăm trang viết. Nhưng có thể khẳng định rằng, anh em chúng tôi đã phối hợp với nhau rất tốt, rất dân chủ và cũng cực kỳ quyết liệt khi vào việc”.
Trong ký ức của nhiều đồng chí lãnh đạo Tập đoàn, lãnh đạo các đơn vị Biển Đông POC, PTSC, PV Drilling, Vietsovpetro, PV EIC… họ vẫn nhớ như in những cuộc họp bàn giải pháp kỹ thuật kéo dài trắng đêm, những cuộc tranh cãi nảy lửa ngay trên bãi chế tạo ngoài cảng PTSC; rồi có những lúc đã đập bàn “ông ông, tôi tôi”… Nhưng tất cả đều chỉ vì một mục tiêu chung là đưa giàn Hải Thạch - Mộc Tinh vào khai thác đúng tiến độ và đảm bảo an toàn tuyệt đối. Anh Phùng Đình Thực, khi là Chủ tịch Hội đồng Thành viên cũng nhiều lần cùng Tổng giám đốc Đỗ Văn Hậu xuống giao ban tiến độ ngay tại công trường. Cả hai vị lãnh đạo của Tập đoàn đều rất ghét lối nói chung chung. Tại các cuộc họp giao ban, các anh yêu cầu tổng giám đốc các đơn vị tham gia phải có mặt và thông tin phải cực kỳ cụ thể. Nếu là chậm tiến độ ở một khâu nào đó, thì phải “chỉ mặt đặt tên”: “Ai gây ra?” và phải trả lời những câu hỏi: “Tại sao? Vì sao? Như thế nào”.
Có một vấn đề nữa mà cho đến nay mới thấy rằng, quyết tâm của lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí và các đơn vị là cực kỳ chính xác và có tầm nhìn chiến lược trong việc đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ cao.
Trước đây, chế tạo và lắp đặt các giàn khoan, các trung tâm xử lý dầu, khí, chúng ta đều phải thuê chuyên gia nước ngoài. Chi phí cho việc thuê chuyên gia nước ngoài đắt gấp nhiều lần so với người Việt Nam. Điều trớ trêu là cùng một vị trí làm việc như nhau, trình độ ngang nhau, nếu thuê chuyên gia nước ngoài thì chi phí phải trả cao gấp hơn 10 lần so với người Việt. Từng làm việc nhiều với chuyên gia nước ngoài nên Nguyễn Quỳnh Lâm hiểu rất rõ thế mạnh cũng như hạn chế của họ. Chuyên gia nước ngoài có ưu điểm là cung cách làm việc rất chuyên nghiệp, cẩn trọng, họ thường có những giải pháp hiệu quả. Nhưng điểm không phù hợp với điều kiện của ta là họ sài rất sang theo những tiêu chuẩn cao cấp, họ áp chuẩn cao và nhất nhất cái gì cũng phải theo “chuẩn”, bất kể thứ “chuẩn” đó có phù hợp với điều kiện của ta hay không. Tuyển chọn chuyên gia cũng phải rất cẩn thận. Khi đọc hồ sơ, lý lịch của ai cũng “đẹp”, nhưng khi vào việc thì lại chưa chắc.
Nguyễn Quỳnh Lâm cũng hiểu rất rõ về trình độ của anh em ta. Ngoài tinh thần ham học hỏi, chịu khó, chịu khổ thì có một đặc điểm mà chuyên gia nước ngoài không bao giờ có được - ấy là sự đam mê, khát vọng chinh phục có trong mỗi người thợ Dầu khí Việt Nam.
Phó tổng giám đốc PVN Nguyễn Quỳnh Lâm (nguyên Tổng giám đốc Biển Đông POC) giới thiệu Dự án Biển Đông 01 cho lãnh đạo Tổng LĐLĐ VN |
“Khát vọng” - đúng là những người làm Dầu khí Việt Nam có một khát vọng cháy bỏng là tìm dầu làm giàu cho Tổ quốc. Chính khát vọng này đã trở thành động lực để cho họ vượt qua hết những khó khăn thách thức này đến khó khăn thách thức khác, dù là trên Biển Đông hay ở sa mạc Sahara, ở vùng cực Bắc nước Nga, vùng rừng hoang vu đầy bất ổn ở Venezuela hay vùng rừng rậm Amazon ở Peru… để làm nên thương hiệu Petrovietnam. Chỉ có những người trong nghề mới hiểu hết sự phức tạp, “rắc rối” của nghề thăm dò khai thác dầu khí.
Trên đời này có một nghề mà công việc không giờ nào giống giờ nào, không ngày nào giống ngày nào, không giếng khoan nào giống giếng khoan nào - đó chính là nghề thăm dò khai thác dầu khí. Vì thế, có người từng làm việc nhiều năm, kinh nghiệm được coi là “đầy mình”, nhưng khi bắt tay vào khoan một giếng mới thì vẫn có thể thất bại thảm hại như thường. Như BP, TOTAL và số tập đoàn danh tiếng trên thế giới khác từng thăm dò khai thác ở Việt Nam, nếu cộng số tiền mà họ đã “đổ xuống Biển Đông” để rồi không moi lên được 1 lít dầu nào có lẽ phải là cả tỉ đôla. Như BP chẳng hạn, 16 năm trời ròng rã họ thăm dò khu Hải Thạch - Mộc Tinh, ném vào “hai vì sao dưới đáy biển” này cả gần nửa tỉ đôla, nhưng cuối cùng cũng đành phải “chia tay hoàng hôn”. Rủi ro trong thăm dò khai thác dầu khí là thế? Chính vì rủi ro trong thăm dò khai thác dầu khí quá lớn, cho nên trên thế giới, các tập đoàn, công ty khai thác dầu khí thường phải liên doanh với nhau. Ngoài việc liên doanh để tận dụng thế mạnh công nghệ, kinh nghiệm điều hành của nhau thì còn có một lý do nữa, ấy là chia sẻ rủi ro. Đầu tư vào một mỏ tốn hàng trăm triệu đôla, nhỡ không hút được dầu thì chia tiền bị mất ra, cũng đỡ… xót ruột.
Nhưng cũng nhiều khi rủi ro của người này lại là vận may của người khác. Chỉ có điều là vận may ấy chỉ đến với những người có bản lĩnh, có trí tuệ, có lòng dũng cảm và có đầy đủ các yếu tố sẵn sàng đón nhận cơ may ấy, vận hội ấy. Nhà khoa học người Pháp Louis Pasteur có câu rất hay: “La chance ne sourit qú aux esprits bien préparés”, tạm dịch là: “Cơ may chỉ đến với người sẵn sàng”. “Người sẵn sàng” ở đây có nghĩa là người đã hội đủ ý chí, lòng dũng cảm, tri thức... Trường hợp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam “nhận lại” sự “rủi ro” của BP ở Hải Thạch - Mộc Tinh là một minh chứng điển hình.
Đổng Chiêu, người cùng thời với Tào Tháo cũng đã câu nói nổi tiếng: “Người nào dám làm những việc phi thường thì mới lập được chiến công phi thường”.
Càng ngẫm về những lời của cổ nhân mới thấy đúng là những người của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã dám làm những việc phi thường ở Hải Thạch - Mộc Tinh và nay đã lập được chiến công phi thường.
Chỉ trong một thời gian ngắn, Biển Đông POC đã mời được những chuyên gia giỏi về giúp sức.
Một trường hợp rất đáng ghi nhận là Lê Trần Minh Trí, nay là Trưởng phòng Khoan của Biển Đông POC. Hồi ấy, anh Trí đang đi làm cho một công ty dầu khí của Nhật tại Malaysia. Nhưng khi Nguyễn Quỳnh Lâm mời, anh bỏ mức lương cao ngất ngưởng để về làm cho Dự án Biển Đông và dĩ nhiên, ở đây, dù đã được Tập đoàn cho phép chi thêm vào tiền lương một khoản gọi là “thu hút nhân tài” nhưng mức thu nhập hằng tháng của anh vẫn thấp hơn rất nhiều lần so với nơi cũ.
Tôi gặp Lê Trần Minh Trí và rất ngạc nhiên trước vẻ thư sinh của anh. Trí học Khoa Địa chất Dầu khí của Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh. Cuối năm 2001, anh ra trường và về làm cho PV Drilling. Cuối năm 2005, anh tự thi tuyển và được một liên doanh Việt - Nhật mời vào làm. Chỉ trong một thời gian ngắn, lãnh đạo liên doanh này phát hiện thấy khả năng của Trí, cũng như tinh thần ham học hỏi và họ giao ngay cho anh trọng trách sang làm việc tại một giàn khoan ở Malaysia, với mức lương 12 ngàn đôla/tháng (không kể chi phí đi lại, ăn ở, bảo hiểm). Đang “ngon lành” như vậy, nhưng khi gặp Tổng giám đốc Nguyễn Quỳnh Lâm, nói chuyện với nhau được dăm phút, Trí đã cảm thấy hình như giữa hai người có… duyên làm việc với nhau. Thế là Trí xin thôi làm ở công ty của Malaysia kia. Trí nói rất thật với tôi rằng, sở dĩ anh về Biển Đông POC là vì về đây làm cũng coi như về “nhà”, được làm việc bằng tất cả khả năng, được đóng góp cho ngành, được thử sức mình ở dự án đặc biệt phức tạp… Mà tất cả những cái đó không thể dùng tiền mà đo đếm được.
Rồi như ông Mike Nguyễn - Việt kiều Mỹ đang làm cho BP, lương tháng nhiều chục ngàn đôla, nhưng khi nghe Nguyễn Quỳnh Lâm nói về những khó khăn tại mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh thì đã bỏ về đầu quân ngay cho Biển Đông POC.
Vì sao họ lại từ bỏ một vị trí ổn định, lương cao, bổng hậu để về làm cho một dự án mà đầy thách thức, tiềm ẩn quá nhiều rủi ro và chế độ đãi ngộ thì chắc chắn thua xa nơi cũ? Giải thích điều này chỉ có một lý do - ấy là họ mang trong mình ý chí, khát vọng chinh phục những nơi khó khăn và họ tin ở, tin ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - một nơi mà tất cả những người có tài đều được trọng dụng.
Khi Nguyễn Quỳnh Lâm kể cho tôi nghe về những người như Lê Trần Minh Trí, Mike Nguyễn… tôi nhớ đến một người từng dám từ bỏ mức lương hơn 3.000USD một tháng về để làm công việc mà có mức lương… vài triệu. Đó là Phạm Tiến Dũng, Tổng giám đốc PV Drilling… Nhưng đó là câu chuyện cực kỳ thú vị mà tôi sẽ kể vào dịp khác.
Ngay từ đầu, Nguyễn Quỳnh Lâm đã xây dựng một kế hoạch có tính chiến lược về tuyển dụng, đào tạo đội ngũ quản lý và kỹ thuật người Việt Nam.
Anh đã xây dựng mô hình công ty và bộ máy quản lý dự án với nòng cốt là cán bộ, nhân viên người Việt, mạnh dạn tạo điều kiện cho những nhân sự trẻ người Việt, luôn luôn ưu tiên tuyển dụng người Việt Nam. Ở các vị trí quan trọng mà lúc đầu chưa thay thế được bằng người Việt Nam thì có ngay kế hoạch kèm cặp của chuyên gia cho đội ngũ chuyên viên Việt Nam nhằm tiếp quản, tận dụng, tích lũy tối đa kinh nghiệm, kiến thức của chuyên gia; chuẩn bị cho việc kế thừa thông qua công việc, chuyên môn, quy trình kỹ thuật và kinh nghiệm xử lý các vấn đề kỹ thuật khó. Đây chính tiền đề cho việc xây dựng hệ thống quản trị tri thức về sau... Bên cạnh đó, Nguyễn Quỳnh Lâm cũng rất chú trọng tuyển dụng những sinh viên từ khối kỹ thuật của các trường đại học, sau đó kết hợp giữa đào tạo tập trung và đào tạo kèm cặp trong công việc. Hiện nay, một số đơn vị trong tập đoàn như Vietsovpetro, PV Drilling, PVEP, PTSC… cũng đã xây dựng được hệ thống quản trị tri thức.
Vào thời điểm 2010-2011, những người thợ dầu khí ở Hải Thạch - Mộc Tinh luôn luôn phải đối phó với căng thẳng. Nào là tàu bè quấy nhiễu, nào là những vấn đề kỹ thuật vấp phải. Ở dưới lòng đất hơn 4.000m, nhiệt độ quá cao và áp suất cực lớn đã khiến các thiết bị đo bị hỏng hết, phải khoan như… người mù đi đường. Đây là thời điểm anh em cực kỳ sợ và lo lắng. Chỉ riêng chuyện đảm bảo cho dòng khí được khống chế tốt nhất, không phụt lên “vô tổ chức” đã phải giải quyết những vấn đề kỹ thuật cực kỳ phức tạp. Loại mỏ này trên thế giới cũng có ở một số nơi, nhưng chưa ai dám làm vì độ rủi ro quá lớn. Khi Nguyễn Quỳnh Lâm muốn mời các chuyên gia, anh phải thông qua các mối quan hệ với nhiều bạn bè trên thế giới, đề nghị họ tìm người hộ mình và mời đến phỏng vấn. Những thông tin về loại mỏ này hồi Quỳnh Lâm học ở trường bên Nga cũng không có. Nghe nói ở ngoài khơi Malaysia và Australia cũng có loại mỏ tương tự như thế này. Nhưng nói chung, đây là loại mỏ không phổ thông. Vì phải khoan trong điều kiện áp suất, nhiệt độ cực cao nên tất cả mọi thiết bị đều phải được chế tạo đặc biệt.
Để bảo đảm an toàn, Nguyễn Quỳnh Lâm và cộng sự đã nghiên cứu rất kỹ về các sự cố mà trong thời gian thăm dò BP đã vấp phải và từ đó có đơn đặt hàng chế tạo thiết bị cho các công ty sừng sỏ nhất trên thế giới.
Một trong những sáng tạo nhất của anh em Ban Quản lý Dự án Biển Đông là quyết định đặt hàng với PV Drilling chế tạo giàn tiếp trợ nửa nổi nửa chìm (TAD) và đã đầu tư 200 triệu USD cho chế tạo giàn này. Giàn PV Drilling V là loại giàn tiếp trợ và khi làm xong ở mỏ này thì lại được kéo đi mỏ khác. Khi khoan thăm dò ở độ sâu 140m, nếu với phương pháp dựng giàn khoan cố định, mỗi giếng khoan tốn khoảng… 200 triệu USD, còn nếu dùng giàn tiếp trợ thì mỗi giếng chỉ hết 50 đến 70 triệu USD.
Khi Nguyễn Quỳnh Lâm và các cộng sự đề xuất phương án làm giàn tiếp trợ nửa nổi nửa chìm, ngay lập tức Hội đồng Thành viên - mà ngày ấy Chủ tịch là anh Đinh La Thăng và Ban Tổng giám đốc hết sức ủng hộ. Phía PV Drilling thì khỏi phải nói là quyết tâm đến mức như thế nào.
Trực trên giàn PVD V |
Nói về giàn PVD-V thì tôi không thể nào quên được kỷ niệm vào giữa năm 2011, tôi sang Singapore dự lễ khánh thành giàn. Anh Lê Đắc Hóa là người được giao nhiệm vụ quản lý dự án giàn tiếp trợ này đã nói với tôi: “Chỉ riêng việc người Việt Nam tự quản lý việc chế tạo cũng đã tiết kiệm được hơn 20 triệu đôla cho giàn. Và nếu tính cả giá vật tư, thiết bị thì tiết kiệm được gần 40 triệu đôla”.
Cũng phải nói thêm rằng, trên thế giới hiện chỉ có 8 giàn tiếp trợ nửa nổi, nửa chìm như thế này.
Việc chế tạo giàn PVD-V là một nước cờ cực kỳ táo bạo, sáng suốt của lãnh đạo Tập đoàn.
Dự án Biển Đông 01 tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho công tác khoan chính là nhờ giàn PVD-V này. Giàn TID là loại giàn rất khó vận hành. Ngay Thái Lan, một nước có nền công nghiệp dầu khí khá hơn ta những cũng chưa có giàn tiếp trợ kiểu thế này. Khi khoan ở vùng nước sâu thì giàn TID sẽ có hiệu quả kinh tế và tiết kiệm thời gian hơn rất nhiều so với việc dùng giàn cố định. Hiện nay (năm 2014 – N.N.P), giàn PVD-V đang hoạt động cho Dự án Biển Đông 01 với hiệu suất là 95% - đây là tỷ lệ rất cao đối với một giàn khoan.
Theo tính toán lý thuyết, nếu mọi sự suôn sẻ, sau 12 năm thì sẽ hòa vốn chế tạo giàn và… 10 năm sau là có lãi.
Như vậy, tỷ lệ lãi không phải cao, nhưng bù lại là tiết kiệm được cho các dự án. Theo kế hoạch, PVD-V sẽ phục vụ cho Dự án Biển Đông 01 đến hết năm 2016 và sau đó sẽ đi khoan thuê cho các nước trong khu vực. Một lãnh đạo của PV Drilling cho tôi biết, chưa bao giờ đơn vị “vớ” phải nơi khoan phức tạp về địa chất như ở Hải Thạch - Mộc Tinh này. Và phục vụ một “ông chủ” là Tổng Công ty Biển Đông POC cực kỳ khó tính, luôn đòi hỏi rất cao về kỹ thuật và độ an toàn là điều không dễ. Nhưng cho đến ngày hôm nay, PV Drilling đã hoàn thành xuất sắc những phần việc của mình. Cũng chính nhờ sự “khó tính” ấy mà đội ngũ cán bộ, kỹ sư vận hành giàn PVD-V đã trưởng thành rất nhanh.
(Còn nữa)
Kỳ tích mới ở Biển Đông của PVN (Kỳ 3)
Cho đến bây giờ, đã gần 4 năm trôi qua, nhưng Tổng giám đốc Nguyễn Quỳnh Lâm vẫn nhớ như in vào một ngày đầu ... |
Kỳ tích mới ở Biển Đông của PVN (Kỳ 2)
Trở lại một chút lịch sử của dự án. Từ năm 1992, hãng dầu khí nổi tiếng thế giới BP của Anh đã phát hiện ... |
Kỳ tích mới ở Biển Đông của PVN (Kỳ 1)
Sau gần 5 năm năm đi vào khai thác thương mại, tính đến 31/1/2018, Dự án Biển Đông 01 đã khai thác được hơn 8 ... |