Người Triều Tiên giờ có thể dùng ứng dụng giao đồ ăn trên smartphone, mua đồ dễ dàng ở chợ và có nhiều lựa chọn khi muốn ở chung cư.
Triều Tiên là một trong những nền kinh tế bí ẩn nhất thế giới. Họ ngừng công bố các thống kê chi tiết từ thập niên 60. Bốn thập kỷ qua, báo cáo ngân sách quốc gia hàng năm của nước này chỉ tiết lộ vài con số về nguồn thu và chi tiêu. Từ đầu những năm 2000, Chính phủ Triều Tiên thậm chí bỏ hẳn số liệu chính xác về từng khoản, chỉ giữ lại phần trăm thay đổi của mỗi lĩnh vực qua từng năm.
Dù vậy, trên New York Times, khách du lịch và các nhà kinh tế học nghiên cứu về Triều Tiên đều nhận định bất chấp các lệnh trừng phạt cũng như quá trình cô lập kéo dài hàng thập kỷ,
kinh tế nước này đang cho thấy các dấu hiệu trỗi dậy đáng ngạc nhiên
. Kể từ khi nhà lãnh đạo Triều Tiên - Kim Jong-un lên nắm quyền cách đây 7 năm, các khu chợ đang ngày càng xuất hiện nhiều trên cả nước. Giới thương nhân và doanh nhân khởi nghiệp ngày càng tăng. Thủ đô Bình Nhưỡng đang chứng kiến một cơn sốt xây dựng. Còn đường phố giờ đã có đủ ôtô để dịch vụ rửa xe xuất hiện.
Ôtô đỗ tại một trạm xăng ở Bình Nhưỡng. Ảnh: AP
New York Times trích các số liệu ước tính cho thấy dưới thời lãnh đạo Kim Jong-un, kinh tế Triều Tiên tăng trưởng 1-5% mỗi năm. Năm 2016, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc ước tính GDP Triều Tiên tăng 3,9% - cao nhất từ đầu những năm 2000. Còn theo Cơ quan thống kê Hàn Quốc - Statistics Korea, GDP bình quân nước này năm đó ước tính đạt 1,46 triệu won (1.340 USD), tăng nhẹ so với một năm trước.
Năm 2013, lãnh đạo Triều Tiên từng tuyên bố theo đuổi chính sách byungjin - phát triển đồng thời cả kinh tế và quân sự. Tuy nhiên, đến năm 2018, ông cho biết mục tiêu này đã hoàn thành và chiến lược mới của họ là tập trung toàn bộ nỗ lực xây dựng kinh tế.
Số chợ được chính phủ cho phép hoạt động tại Triều Tiên hiện đã lên hơn 400, gấp đôi so với cách đây gần 10 năm.
Theo Viện nghiên cứu Thống nhất Triều Tiên tại Seoul (Hàn Quốc), khoảng 1,1 triệu người Triều Tiên hiện làm việc cho các thương nhân tại những khu chợ này. Ít nhất 40% dân số Triều Tiên tham gia vào hoạt động kinh tế tư nhân.
Khách du lịch đến Bình Nhưỡng cũng cho biết một cuộc cách mạng tiêu dùng thực sự đang nảy sinh tại đây. "Cạnh tranh ở khắp mọi nơi, từ các hãng du lịch, công ty taxi đến nhà hàng", Rüdiger Frank - nhà kinh tế học tại Đại học Vienna cho biết.
Dịch vụ điện thoại di động ra mắt tại đây năm 2008 hiện đã có hơn 3 triệu thuê bao. Tại một số cửa hàng và chợ trời trên hè phố Bình Nhưỡng, Coca-Cola cũng đã được bày bán. Smartphone thương hiệu Pyongyang (Bình Nhưỡng) có giá 200 USD, AP cho biết. Họ thậm chí đã có ứng dụng giao đồ ăn cho những người ngại ra đường, theo Daily NK. Hãng bia cao cấp của Bình Nhưỡng - Taedonggang thì vừa bổ sung loại bia thứ 8 vào danh mục sản phẩm.
Hàng hóa nước ngoài ở đây cũng không thiếu, bất chấp các lệnh trừng phạt. Người Triều Tiên có thể mua cà phê Pokka của Nhật Bản khá dễ dàng, với giá 0,8 USD một lon. Còn một chiếc Mercedes-Benz Viano ở đây có giá 63.000 USD.