Kinh tế Mỹ thay đổi thế nào từ khi ông Trump lên làm tổng thống?

Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt ra rất nhiều mục tiêu của chính quyền đối với nền kinh tế khi nhậm chức. 

Khi ông Trump bất ngờ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, giới phân tích từng lo ngại về "Trump slump" - một cơn chấn động cho nền kinh tế của nước này. Tuy nhiên vị tổng thống "tay ngang" này hùng hồn tuyên bố sẽ làm nước Mỹ vĩ đại trở lại với những mục tiêu khá tham vọng trong suốt chiến dịch tranh cử cũng như lễ nhậm chức của mình.

Tính đến nay ông Trump đã ở trong Nhà Trắng được hơn 7 tháng, cùng điểm lại xem vị cựu doanh nhân đang điều hành nước Mỹ như thế nào.

1. Việc làm

Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ hiện nay là 4,3%, mức thấp nhất trong 16 năm. Nền kinh tế nước này có thêm hơn 1 triệu việc làm kể từ khi ông Trump nhậm chức.

Tuy nhiên, lương vẫn chưa thực sự tăng lên vì nhà tuyển dụng không cảm thấy áp lực phải trả lương cao để thu hút lao động. Thu nhập bình quân theo giờ chỉ tăng 2,5% trong 12 tháng qua dù cục dự trữ liên bang Fed đặt mục tiêu 3% đến 3,5%.

2. Giá nhà ở

Trong tháng 6, giá trung bình của một ngôi nhà ở Mỹ là 263.800 USD, cao hơn 6,5% so với 2016. Tháng 6 là tháng tăng thứ 64 liên tiếp so với một năm trước đó.

Mặc dù vậy, việc vay mượn tiền để mua một ngôi nhà vẫn tương đối dễ, bất chấp những đợt tăng lãi suất gần đây của Fed. Theo công ty Freddie Mac, lãi suất trung bình cho vay thế chấp 30 năm chỉ là 3,93%, giảm so với mức 4,02% của 3 tháng trước.

3. Tăng trưởng GDP

Ông Trump cam kết sẽ đạt được mức tăng trưởng GDP hàng năm là 3%. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế học cảm thấy xu hướng tăng trưởng hiện nay chỉ vào khoảng 2%, tương đương với mức trung bình trong 4 năm nhiệm kỳ 2 của cựu tổng thống Barack Obama.

4. Cho vay

Người Mỹ nợ 3,843 nghìn tỷ USD trong tháng 5, tăng so với mức 3,766 nghìn tỷ USD vào cuối năm ngoái, theo thống kê của Fed. Các doanh nghiệp cũng đang vay mượn nhiều hơn, đảo chiều xu hướng từ đầu năm nay. Đây có thể là dấu hiệu tốt cho ông Trump và nền kinh tế Mỹ vì một mình người tiêu dùng không thể củng cố nền kinh tế mà các công ty cần phải đóng góp bằng cách đầu tư.

5. Chi tiêu tiêu dùng

Mặc dù vay nhiều hơn, người Mỹ có thể đang chi tiêu ít hơn cho quần áo, đồ chơi và các khoản mua nhỏ khác. Doanh số bán lẻ giảm 0,2% trong tháng 6 và tổng chi của người tiêu dùng chỉ tăng 0,1% trong tháng 6. Chi tiêu tăng 2,8% trong 12 tháng qua, thấp hơn mức 3% mà nhiều chuyên gia cảm thấy là cần thiết để giữ nền kinh tế Mỹ đi đúng hướng.

6. Chứng khoán

Một thắng lợi không thể phủ nhận cho tổng thống Mỹ. Nỗi lo sợ về sự sụp đổ của thị trường do tác động của Trump slump hóa ra là "lo hão". Chỉ số Dow tiếp tục đạt kỷ lục và tăng 12% trong năm nay. Nasdaq vọt gần 20% nhờ mức tăng trưởng mạnh của Amazon, Apple, công ty mẹ của Google Alphabet và Facebook. Lợi nhuận của các công ty S&P 500 tăng hơn 10% so với một năm trước.

Hiện tại, phố Wall có vẻ sẵn sàng bỏ qua những bất ổn trong chính quyền Mỹ. Nhà đầu tư đang hy vọng vào lời hứa cải cách thuế và bãi bỏ quy định trong ngành tài chính của ông Trump.

7. Thương mại

Ông Trump muốn nhiều khách hàng hơn, không chỉ ở Mỹ mà toàn cầu, mua hàng Mỹ. Và có vẻ như điều đó đang bắt đầu xảy ra. Thâm hụt thương mại đã giảm nhẹ trong tháng 6 so với ba tháng trước, xuống còn 43,6 tỷ USD. Đây là mức thấp nhất kể từ thời điểm trước cuộc bầu cử.

Kết quả này là nhờ ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ tăng trưởng bất ngờ. Nhờ công nghệ, cường quốc này xuất khẩu nhiều dầu thô hơn trong tháng 6 và nhập khẩu ít hơn. Xuất khẩu sang Canada và Mexico cũng tăng lên vào tháng 6, có thể là dấu hiệu cho thấy cuộc đàm thoại gay gắt của ông Trump và 2 đối tác lớn của Mỹ ở Bắc Mỹ đang đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc lại tăng hơn 6% trong năm nay.

http://ndh.vn/kinh-te-my-thay-doi-the-nao-tu-khi-ong-trump-len-lam-tong-thong--20170908105612152p145c151.news

Nga có thể đập vỡ kinh tế Mỹ bằng “chiếc búa Uranium”

Với Mỹ, ngành công nghiệp năng lượng Mỹ, 40% năng lượng Mỹ hoàn toàn phụ thuộc vào Uranium được làm giàu từ Nga cung cấp.

Kinh tế thế giới ngày càng ít phụ thuộc vào Mỹ

Kinh tế toàn cầu ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc, Nhật Bản, khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) ...

/ Theo Trang Hồ/Người đồng hành