Không lĩnh vực nào được ngân hàng ưu đãi như nông nghiệp công nghệ cao

Đó là khẳng định của NHNN trước băn khoăn của đại diện các hộ nông dân về vấn đề làm thế nào để tiếp cận vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0.

Diễn đàn nông dân Việt Nam lần thứ 2 với chủ đề “Nông dân sẵn sàng với nông nghiệp 4.0” nằm trong chuỗi hoạt động của Chương trình “Tự hào Nông dân Việt Nam” lần thứ 5, do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, giao báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt tổ chức ngày 14/10. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã đến dự và phát biểu chỉ đạo diễn đàn.

Chia sẻ về vai trò của ngành Ngân hàng, ông Trần Văn Tần - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, hiện nay trên cả nước có khoảng gần 2 triệu hộ nông dân là khách hàng của các TCTD và đầu tư vào nông nghiệp nông nghệ cao cũng đang được ngành Ngân hàng ưu tiên.

Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị định 55 về chính sách tín dụng đối với nông nghiệp nông thôn, trong đó lần đầu tiên có chính sách dành cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, có thể cho vay tới 70 – 80% giá trị khoản đầu tư mà không phải thế chấp tài sản. “Chúng tôi hiểu rằng trong lĩnh vực này giá trị đầu tư rất lớn nhưng tài sản thế chấp của khoản vay hạn chế, do đó chúng tôi mạnh dạn quy định như vậy để hỗ trợ cho bà con”, ông Tần nhấn mạnh.

Hay như gần đây, Chính phủ cũng chỉ đạo NHNN dành gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho lĩnh vực nông nghiệp, trong đó đưa ra nhiều ưu đãi đặc biệt đối với nhu cầu vay vốn thực hiện dự án, phương án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Theo đó, những dự án đáp ứng tiêu chí của chương trình sẽ được vay vốn với mức lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5% - 1,5% so với mức lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn của NHTM.

“Những nút thắt trong tiếp cận vốn như tài sản bảo đảm, lãi suất… ngành Ngân hàng rất thấu hiểu và đã có quy định hoặc tham mưu cho Chính phủ thiết kế các chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng nông dân”, ông Tần khẳng định.

Ngoài ra, nếu khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ do những nguyên nhân khách quan, bất khả kháng sẽ được NHTM chủ động xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ một lần. Thậm chí có thể cho vay mới nếu khách hàng có phương án sản xuất kinh doanh khả thi. NHTM cũng có thể xem xét thực hiện các biện pháp hỗ trợ khác như miễn, giảm lãi vay, lãi quá hạn, ưu tiên thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau. Vị đại diện NHNN khẳng định, đây là những ưu đãi mà chỉ riêng lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao nhận được.

Ông Tần chũng cho biết thêm, hiện nay có nhiều ngân hàng tham gia vào chương trình với nhiều dự án công nghệ cao nổi bật như: Ngân hàng Bắc Á đầu tư vào các dự án chăn nuôi bò sữa, trồng hoa, rau xuất khẩu...; Ngân hàng Ngoại thương đầu tư vào dự án sản xuất trứng sạch, lợn giống và chăn nuôi lợn, thức ăn chăn nuôi,... Đặc biệt, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã cam kết gói tín dụng 50.000 tỷ đồng cho vay với lãi suất ưu đãi thấp hơn 0,5% - 1,5% so với mức lãi suất thông thường đối với các dự án này.

Toàn cảnh diễn đàn

Trao đổi về kinh nghiệm giúp nông dân tiếp cận được với nguồn vốn dễ dàng hơn, ông Tần cho biết các TCTD luôn tìm tới những khách hàng làm ăn hiệu quả. Vì vậy, để hai bên gặp được nhau, nông dân và ngân hàng phải tin tưởng, chia sẻ với nhau, có vướng mắc gì phải nêu lên để tháo gỡ. "Hiện nay ngành Ngân hàng cũng đã chủ động tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ với sự tham gia của chính quyền, hộ nông dân để trao đổi, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn. Nông dân cởi mở thông tin với ngân hàng, ngân hàng sẽ mạnh dạn cho vay hơn", ông Tần nhấn mạnh.

Vấn đề các TCTD quan tâm tiếp theo là phải có được thị trường tiêu thụ ổn định. Vì đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao cần vốn rất lớn, nếu không có thị trường ổn định sẽ rất khó khăn. Bên cạnh đó, người nông dân cũng phải chủ động tìm cho mình những giải pháp phòng ngừa như bảo hiểm nông nghiệp. Đây là nguồn trả nợ cho ngân hàng nếu gặp rủi ro. Với cách làm bài bản và có tầm nhìn như vậy, ngân hàng sẽ tin tưởng hơn khi cho nông dân vay vốn.

Ngoài vốn đầu tư, các vấn đề công nghệ, thị trường, nhân lực… cũng đã được đại diện các hộ nông dân, DN, cơ quan quản lý bàn thảo và chia sẻ tại diễn đàn.

Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, nếu nông nghiệp Việt Nam không có những thay đổi mạnh mẽ về khoa học và công nghệ, chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức và tác động tiêu cực như tụt hậu về công nghệ, cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên và suy giảm sản xuất, kinh doanh.... sản phẩm tạo ra sẽ không thể cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới.

Phó Thủ tướng lưu ý, làn sóng đổi mới công nghệ tốc độ cao song hành với hội nhập và tự do hoá thương mại toàn cầu sẽ tạo sức ép cạnh tranh rất lớn đối với các DN, đặc biệt là DN trong lĩnh vực nông nghiệp và chính những người nông dân.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu các bộ, ngành có liên quan cần phải giải đáp những thắc mắc rất cụ thể cho người nông dân; giải quyết các vướng mắc về vốn, nhân lực, về thị trường, công nghệ cũng như đề xuất xây dựng các chính sách rõ ràng, cụ thể để hỗ trợ nông dân, DN sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao; phát triển nông nghiệp 4.0.

/ Theo Thời báo Ngân hàng