Nước Nga của ông Vladimir Putin và một loạt quốc gia khác có những động thái bất ngờ trong bối cảnh chính quyền ông Donald Trump dồn dập công bố những chính sách thiết lập lại các mối quan hệ quốc tế.
Putin bán tháo trái phiếu Mỹ, dồn dập mua vàng
Theo hãng tin RT, báo cáo mới được công của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho thấy, Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) vừa phá vỡ kỷ lục dự trữ vàng thời kỳ Liên Xô sau khi mua hơn 92 tấn vàng trong quý 3 vừa qua.
Quyết định dồn dập mua vàng của Kremlin dưới thời tổng thống Nga Vladimir Putin đã phá vỡ kỷ lục 2.000 tấn vàng dự trữ của Liên Xô ghi nhận vào năm 1941. Đây được xem là một trong những các bước đi mạnh mẽ của Nga nhằm thực hiện mục tiêu phi đô la hóa nền kinh tế.
Lượng vàng dự trữ của Nga hiện ở mức 2.036 tấn, trị giá khoảng 78 tỷ USD.
Nga đẩy mạnh mua vàng.
Trong khoảng thời gian 3 tháng nói trên, Nga là nước mua vàng nhiều hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Một quốc gia thân cận với Nga là Thổ Nhĩ Kỳ cũng có bước đi tương tự và là nước đứng ở vị trí số 2 về mua vàng.
Trong quý 3, Thổ Nhĩ Kỳ mua 18,5 tấn, xếp sau là Kazakhstan và Ấn Độ với số lượng vàng mua vào lần lượt là 13,4 tấn và 13,7 tấn.
Số vàng mua vào của Nga được ghi nhận là mức cao nhất theo quý kể từ 1993 khi WGC bắt đầu theo dõi các số liệu liên quan tới trữ lượng vàng của nước này. Vàng hiện chiếm 17% trong kho dự trữ ngoại hối của Nga.
Cũng theo RT, CBR sẽ tiếp tục mua thêm vàng tích trữ, đồng thời sẽ giảm tỷ trọng nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ. Đây là xu hướng đã diễn ra trong 5 năm qua và đang ngày càng mạnh lên.
Nga đẩy mạnh bán tháo trái phiếu Mỹ ngay sau khi Washington áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào nước này, đe dọa ngăn chặn Nga trong các giao dịch bằng đồng USD cũng như hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT.
Trong nhiều năm qua, lượng tiền đầu tư của Nga vào trái phiếu Mỹ giảm liên tục, từ mức gần 176 tỷ USD năm 2010 xuống mức thấp kỷ lục là 14 tỷ USD vào tháng 8 năm nay.
Đầu năm nay, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết nước này giảm lượng trái phiếu Mỹ để thay bằng các lựa chọn khác như chính đồng rúp, euro và các kim loại quý hiếm.
Dự trữ vàng của Nga lên mức kỷ lục.
Không chỉ Nga mà Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc cũng đang mua vàng với tốc độ kỷ lục. Theo đó, lượng vàng các nước mua đã tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc vẫn được xem là một quốc gia có lượng vàng dự trữ lớn và được dự báo tiếp tục mua vàng sau khi có mối quan hệ căng thẳng với Mỹ.
Năm 2016, Trung Quốc mua mua hầm vàng lớn thứ nhì thế giới và âm thầm tích trữ vàng. Tới giữa 2018, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) thông báo khối lượng vàng của nước này trị giá khoảng 74 tỷ USD.
Thế giới bất định, ông lớn lo phòng thủ
Gần đây, Trung Quốc cũng bán ròng trái phiếu kho bạc Mỹ. Theo Bloomberg, Trung Quốc đang bán 1,5 tỷ USD trái phiếu kỳ hạn 5 năm của Mỹ. Bắc Kinh bắt đầu bán trái phiếu Mỹ từ cuối năm ngoái, sau 13 năm chỉ mua vào.
Lượng trái phiếu Mỹ do Trung Quốc nắm giữ đã giảm từ 1.171 tỷ USD hồi tháng 7 xuống còn 1.165 tỷ USD trong tháng 8/2018.
Bán tháo trái phiếu Mỹ.
Trong khi đó, trong hơn 1 năm qua, Nhật đã bán hơn 80 tỷ USD trái phiếu Mỹ. Tính tới cuối tháng, lượng trái phiếu Mỹ của Nhật đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm 2012, hiện còn 1.029 tỷ USD.
Hiện tại, Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Mỹ trong khi Nhật là chủ nợ lớn thứ 2.
Nước Nga, Nhật Bản và Trung bán trái phiếu của Mỹ và tăng cường mua vàng trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới gần đây gặp nhiều sóng gió sau khi chính quyền ông Donald Trump thực hiện chính sách thương mại mới với nhiều nước.
Washington và Bắc Kinh bắt đầu cuộc chiến thương mại từ đầu tháng 7 với việc áp thuế cao lên hàng trăm tỷ USD giá trị hàng hóa qua lại lẫn nhau và cuộc chiến có thể còn leo thang. Trong khi đó, Mỹ cũng dự kiến sẽ có thỏa thuận thương mại song phương mới với Nhật Bản.
Hoạt động đẩy mạnh mua vàng của ngân hàng nhiều quốc gia trong thời gian gần đây nhằm đa dạng hóa nguồn dự trữ ngoài đồng USD và đối phó với sự bất ổn về tình hình địa chính trị. Xu hướng này lan rộng từ Âu sang Á.
Mối quan hệ giữa ông Trump và Putin khá nồng ấm, trái ngược quan hệ 2 nước.
Trên thực tế, thị trường tài chính thế giới gần đây thường xuyên chao đảo và đối mặt với rủi ro một cuộc khủng hoảng mới. TTCK Trung Quốc và đồng Nhân dân tệ nước này sụt giảm nghiêm trọng, trong khi đó chứng khoán Mỹ cũng liên tục lên xuống thất thường, lợi suất trái phiếu Mỹ tăng vọt.
Nền kinh tế Mỹ dưới thời ông Donald Trump phát ra nhiều tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, nỗi lo về triển vọng về dài hạn đang xấu đi với những chính sách thương mại cứng rắn hơn và chính sách tiền tệ thắt chặt.
Chính quyền ông Donald Trump cũng đang đối mặt với nhiều thách thức khác như vấn đề Iran, Saudi Arabia, Triều Tiên... trước một cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ quan trọng.
Triều Tiên mới đây cảnh báo sẽ khôi phục lại chính sách phát triển kho vũ khí hạt nhân nếu Mỹ không dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào nước này. Trong khi đó, Nhật Bản cũng vừa có chuyến thăm lịch sử Trung Quốc nhằm cải thiện mối quan hệ kinh tế với Bắc Kinh.
Về dài hạn, mối quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh ở châu Á Thái Bình Dương hay ở Trung Đông như Nhật, Úc, Saudi Arabia... vẫn được đánh giá là bền vững vì chung lợi ích chiến lược. Tuy nhiên, thế giới đang có nhiều thay đổi, nhiều nước có những toan tính ngắn hạn đầy bất ngờ. Đây là những áp lực mà chính quyền ông Trump phải giải quyết.
V. Minh
Tổng thống Trump bị chỉ trích vì ‘nhẹ tay’ với Nga
Phát biểu trước truyền thông ngày 5/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump phàn nàn việc ông đang bị các ‘hãng tin giả’ gây áp lực, ... |
Putin có ấn tượng tốt về Trump
Putin mô tả Trump là người có kỹ năng giao tiếp tốt nhưng ông cũng phàn nàn về hệ thống chính trị Mỹ. |