Tăng vốn thông qua huy động vốn cổ phần từ các cổ đông, phát hành công cụ nợ thứ cấp phải gắn liền với phương án sử dụng phần vốn tăng thêm đảm bảo hiệu quả để đáp ứng được kỳ vọng về lợi nhuận của cổ đông, cũng như bù đắp được các chi phí trả lãi.
Hà Thành
Liên tục các NH công bố về phát hành bán cổ phiếu, trái phiếu để tăng vốn. Đơn cử, LienVietPostBank vừa quyết định phát hành 20 triệu trái phiếu chuyển đổi với giá trị 2.000 tỷ đồng. Techcombank dự kiến phát hành với quy mô lên tới 70 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, ngày 10/10, NH này sẽ chốt danh sách…
Việc mở rộng tăng trưởng tín dụng cũng đang là thách thức đối với NH nếu không có đủ vốn huy động
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc các NH đẩy mạnh hoạt động phát hành trái phiếu, cổ phiếu để tăng vốn trong thời điểm này là rất cần thiết để phòng thủ thanh khoản, đảm bảo chỉ số an toàn vốn tối thiểu – CAR. TS. Cấn Văn Lực cho rằng, việc mở rộng tăng trưởng tín dụng cũng đang là thách thức đối với NH nếu không có đủ vốn huy động. Tăng trưởng tín dụng nhanh trong khi vốn chủ sở hữu không tăng theo kịp khiến cho chỉ số CAR ngày càng nhỏ bé, tác động đến thanh khoản NH.
Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế ông Nguyễn Quốc Hùng cũng khẳng định, NHNN kiểm soát chặt tiêu chí an toàn hoạt động, thanh khoản NH. Các NH xác định, có nguồn lực thực thì mới được mở rộng tín dụng. Với sự giám sát chặt chẽ này, cũng như những bài học từ tăng trưởng nóng trước kia, các NH không dám làm liều. Ngoài phòng thủ thanh khoản trước áp lực mở rộng tín dụng, một trong những nguyên nhân chính cho động thái NH đẩy mạnh tăng vốn điều lệ đó là để tuân thủ Basel II. Năm 2018 là mốc cho 10 NH thí điểm hoàn thành áp dụng Basel II. Việc áp dụng Basel II sẽ làm tăng đáng kể tài sản có rủi ro, dẫn tới giảm hệ số CAR. Điều này đặt ra áp lực lớn cho các NH phải tăng vốn.
Chủ trương các NH tăng phát hành cổ phiếu trên thị trường thời điểm này để tăng vốn được đánh giá là hợp lý. Theo TS. Vũ Đình Ánh, hiện có 3 cách để NH tăng vốn. Một là NH có dòng tiền mới từ cổ đông lớn; hai là phát hành cổ phiếu để hút tiền từ thị trường; và cách thứ ba là sáp nhập.
Hiện tại, việc huy động dòng tiền lớn từ các cổ đông mới cả nội và ngoại trong thời điểm này đều không dễ. Sáp nhập để tăng vốn là câu chuyện rất phức tạp không thể giải quyết trong thời gian ngắn trong khi các NH đang ở thế buộc phải tăng vốn. Còn cách thức phát hành cổ phiếu có vẻ thuận lợi hơn.
Đến ngày 6/10, chỉ số Vn-Index đã lên mốc 807,8 điểm – cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Thanh khoản thị trường cải thiện đáng kể, quy mô thị trường tăng nhanh chiếm 60% GDP, chưa kể khối ngoại đang hào hứng với TTCK Việt Nam. “Phân tích từng hướng đi trên, phát hành cổ phiếu xem ra lựa chọn hợp lý hơn cả”, TS. Ánh kết luận.
Thanh khoản thị trường tốt, giá cổ phiếu tăng… là những yếu tố rất thuận lợi cho các NH muốn huy động vốn từ TTCK thông qua phát hành cổ phiếu. Tuy nhiên, cổ phiếu NH được cho là khá kén khách hàng. Trước hết, khi đầu tư cổ phiếu NH, các NĐT xác định đó là khoản đầu tư lâu dài hơn so với các cổ phiếu ngành khác.
Thực tế hiện nay, theo nhận định của một chuyên gia chứng khoán, dòng tiền vào TTCK đang thiếu kiên nhẫn hơn so với trước đây. Họ chỉ tập trung nhiều vào các cổ phiếu đầu cơ lướt sóng. Trong khi đó giá cổ phiếu NH lình xình với biên độ điều chỉnh không đáng kể. Chỉ có một số cổ phiếu NH niêm yết trên sàn lâu năm với hoạt động kinh doanh ổn định như ACB, VCB, MBB hoặc cổ phiếu NH mới gia nhập nhưng có giá “mềm” so với giá trị thực của NH đó như LPB, VPB… mới thu hút được sự quan tâm của NĐT.
Đơn cử như cổ phiếu LPB ngay trong ngày đầu tiên chào sàn UPCoM đã có tới 7,3 triệu cổ phiếu giao dịch cao nhất trong phiên này đặc biệt là khối ngoại tham gia mạnh khi đã mua vào hơn 1,25 triệu cổ phiếu, trị giá 17,87 tỷ đồng.
Còn các NH nhỏ, nhất là NH đang trải qua giai đoạn tái cơ cấu gặp nhiều khó khăn khi thực hiện tăng vốn qua phát hành cổ phiếu chắc chắn sẽ không hề dễ dàng. Các cổ đông hiện hữu không mặn mà khi khoản đầu tư của họ không sinh lời như kỳ vọng. NĐT nội đã khó, phía khối ngoại còn gặp khó hơn.
Bà Phạm Thị Trung Hà, Phó tổng giám đốc MB chia sẻ, vấn đề trên đòi hỏi phải có thời gian và không dễ thực hiện trong một sớm một chiều. Tăng vốn thông qua huy động vốn cổ phần từ các cổ đông, phát hành công cụ nợ thứ cấp phải gắn liền với phương án sử dụng phần vốn tăng thêm đảm bảo hiệu quả để đáp ứng được kỳ vọng về lợi nhuận của cổ đông, cũng như bù đắp được các chi phí trả lãi.
Trong khi đó, việc tối ưu hóa danh mục sẽ đòi hỏi NH thay đổi hành vi kinh doanh, như lựa chọn khách hàng có hệ số rủi ro thấp, tăng cường giám sát sau giải ngân, định giá phù hợp với rủi ro, cấp và quản lý việc sử dụng hạn mức tín dụng…
Tất cả những việc này sẽ tác động tới mối quan hệ giữa NH và khách hàng. Khó khăn hơn là nếu chỉ một số NH áp dụng chuẩn mực này thì khách hàng vẫn có thể lựa chọn vay tại NH khác vì không phải đáp ứng nhiều yêu cầu về quản lý và giám sát khách hàng.
Ngay cả những NH có tiềm lực tốt, việc tăng vốn còn đang khá trắc trở cho thấy con đường tăng vốn còn rất nhiều chông gai đối với nhiều NH tiềm lực yếu. Nhưng tăng vốn NH là phương án được coi là gối đệm an toàn giúp cho NH tăng khả năng đối phó với các cú sốc, hạn chế tác động tiêu cực. Do vậy, dù không dễ nhưng các NH không còn lựa chọn nào khác nếu muốn tồn tại.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các NH cần phải cải thiện hình ảnh, gia tăng niềm tin đối với các NĐT nội và ngoại thông qua thúc đẩy nhanh chương trình tái cơ cấu toàn ngành.
“Ưu tiên hàng đầu đối với các NH trong lúc này phải tăng cường chất lượng tài sản, quyết loại tài sản ảo ra khỏi bảng cân đối để đảm bảo giá trị NH là thực chất. Cùng với đó thúc tiến độ các NH phải lên sàn để tăng tính minh bạch, áp dụng Basel II với chính sách quản lý về tín dụng, hoạt động chặt chẽ hơn… chắc chắn sẽ lấy lại niềm tin ngành NH với NĐT. Theo đó, hút nhiều nguồn vốn cả nội, ngoại vào ngành NH, giúp các NH có nguồn lực tài chính mạnh hoạt động an toàn, bền vững”, TS. Hiếu đưa ra quan điểm.