Nếu áp thuế với món hàng trên một triệu đồng, người bán không thiếu cách "né" còn chuyên gia thì lo, chi phí quản lý còn lớn hơn số tiền thu về.
Trước đề xuất thu thuế theo tỷ lệ với người bán hàng hóa giá trị trên một triệu đồng, nhiều cá nhân kinh doanh online bày tỏ sự hoài nghi về tính khả thi.
Anh Trương Mạnh Dương (chủ một shop online về đồ công nghệ trên Facebook) cho rằng, hầu hết các chủ shop có thể lách bằng cách không niêm yết giá bán hàng hóa. "Thay vào đó, người bán và người mua inbox (nhắn tin riêng) cho nhau về giá cả, cơ quan quản lý sẽ khó thực hiện".
Chị Thu An - một người chuyên bán giày dép hàng hiệu online cho biết, đã được cơ quan thuế TP HCM mời lên làm việc và cũng đã thực hiện một số thủ tục kê khai thuế. Tuy nhiên, chị cho rằng với đề xuất trên, chị sẽ phải tính cách để "né thuế" bằng nhiều cách như lách để giảm giá tiền trên sản phẩm hoặc giảm doanh số hàng hoá theo phương thức giao dịch tiền mặt, chuyển tiền cho người thân…
Một chuyên gia thương mại điện tử khuyến cáo, cơ quan thuế nên cân nhắc kỹ trước khi tính toán thu. "Lĩnh vực thương mại điện tử cần được tính toán chính xác về quy mô để xác định xem đã đủ phát triển lớn đến mức đánh thuế chưa", vị này nói. Giả sử đánh giá rằng đã đến lúc thu thuế thì câu chuyện tiếp theo, theo vị chuyên gia này, là tính khả thi. "Một trong những mục tiêu lớn là phải thu được theo nghĩa chi phí vận hành việc thu thuế phải nhỏ hơn đáng kể so với con số thu được", ông nói.
Khó thu thuế bán hàng trên facebook.
Liên quan đến vấn đề này, tại buổi trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội ngày 17/11, Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông - Trương Minh Tuấn cho hay, Google có chính sách chia sẻ tiền quảng cáo cho người đăng trên Youtube, một số người dân coi đây là "việc nhẹ nhàng, nhưng có thu nhập".
"Nguồn thu từ quảng cáo qua các mạng này rất lớn, hơn 100 triệu USD một năm nhưng không đóng một đồng thuế nào", ông nói.
Bộ Thông tin Truyền thông đang yêu cầu các nhà sản xuất nội dung trong nước cân nhắc nghiêm túc việc đưa sản phẩm độc quyền lên nền tảng xuyên biên giới, vì qua đó vô tình góp phần giúp các mạng xã hội toàn cầu lấy đi cơ hội phát triển của nhà mạng Việt Nam.
Cùng với đó, cơ quan quản lý nhà nước cũng phối hợp để kiểm soát việc mua bán, quảng cáo trên nền tảng xuyên biên giới; kiểm soát kinh doanh và nộp thuế với Facebook, Google.
Trước đó, trao đổi với VnExpress, ông Viên Viết Hùng - Phó cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho biết, người bán hàng có trách nhiệm kê khai đúng theo luật, còn trách nhiệm của cơ quan thuế là phát hiện nếu họ gian lận và xử lý. Thừa nhận không dễ để rà soát doanh thu và tính thuế nhưng ông Hùng cho rằng sẽ sử dụng công nghệ cao và tiến tới là cùng sự hỗ trợ, vào cuộc của các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Thông tin & Truyền thông cùng các nhà mạng.
Cục thuế TP HCM cũng nhìn nhận, hiện cơ chế chính sách thu thuế đối với các hoạt động này chưa hoàn chỉnh nên hình thức thu thuế vẫn chủ yếu là tổ chức, cá nhân tự khai, tự tính và tự nộp nên gây bất bình đẳng trong chính sách thuế. Thông thường, ở các quốc gia trên thế giới, mọi giao dịch đều được thực hiện thông qua tài khoản ngân hàng, do đó, việc kiểm soát thu nhập cũng như đánh thuế dễ dàng hơn. Trong khi ở Việt Nam tỷ lệ này chưa cao bởi giao dịch bằng tiền mặt vẫn khá phổ biến.
Về khả năng cơ quan thuế có thu được của người kinh doanh trên Facebook, lãnh đạo Cục thuế TP HCM nhìn nhận, mục tiêu của chương trình này là nhằm thực hiện nguyên tắc công bằng, tức có kinh doanh thì phải thực hiện nghĩa vụ thuế, còn thu được bao nhiêu sẽ tùy tình hình kinh doanh thực tế.
Theo nhiều chuyên gia, việc thu thuế người bán hàng trên Facebook sẽ không đơn giản. Mỗi tổ chức, cá nhân hiện có thể sở hữu nhiều tài khoản khác nhau trên mạng xã hội để kinh doanh. Việc mua bán lại chủ yếu được giao dịch bằng tiền mặt nên khó giám sát. Đó là chưa kể việc phân biệt các cửa hàng dùng Facebook vào mục đích gì, để tư vấn, tiếp thị hay để bán sản phẩm, dịch vụ. Ngoài ra, một số người kinh doanh trên Facebook như một việc làm thời vụ hoặc kiếm thêm thu nhập thì cần quản lý thuế ra sao.
Trao đổi với VnExpress, một đại diện của Tổng cục Thuế cho rằng, dư luận nên có cách hiểu đúng về đề xuất thu thuế với thương mại điện tử hiện nay.
Theo vị này, thực tế không phải tất cả những người đang kinh doanh trên Facebook, Goolge đều chưa nằm trong diện quản lý và thu thuế của cơ quan nhà nước.
"Thực tế nhiều người chỉ dùng Facebook để quảng cáo, xem đó như một hình thức bán hàng mới. Họ vẫn có kho hàng, địa điểm kinh doanh bên ngoài và đã nằm trong diện kê khai thuế với ngân sách rồi", vị này cho biết.
Bổ sung thêm, bà Tạ Thị Phương Lan - Phó Vụ trưởng Quản lý Thuế Thu nhập cá nhân (Tổng cục Thuế) cũng khẳng định ngành thuế không có ý định tận thu với tất cả những người hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử. "Đây mới là dự thảo Luật được Bộ Tài chính đưa ra để lấy ý kiến nhưng tôi khẳng định cơ quan thuế không đặt vấn đề tận thu với các bạn sinh viên. Không phải tất cả những người kinh doanh trên Facebook đều thuộc diện phải nộp thuế theo những đề xuất này", bà Lan cho hay.
Vị này cũng cho biết, sau khi Cục thuế TP HCM, Hà Nội thông tin đến một số cá nhân để họ hiểu nghĩa vụ nộp thuế là như nào, đã có hàng nghìn cá nhân kinh doanh phản hồi.
Thu thuế với người bán hàng qua mạng: Nói dễ nhưng làm thì khó
Bộ Tài chính đang đề xuất về phương án tính thuế với người bán hàng trên mạng. Theo đó, một sản phẩm hàng hóa bán ... |
Bán hàng trên một triệu đồng qua Facebook có thể bị đánh thuế
Biện pháp này đang được đề xuất nhằm chống thất thu thuế với hoạt động thương mại điện tử. |
https://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghiep/kho-danh-thue-hang-tren-mot-trieu-dong-ban-tren-mang-3669955.html