Theo chuyên gia, không thể bắt nhà đầu tư đền bù cho người dân bị thiệt hại mà Nhà nước phải đứng ra làm.
Trong phiên chất vấn ngày 5/6 vừa qua, các ĐBQH hỏi Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về đền bù đất giá thấp, người dân khiếu kiện.
ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nêu thực trạng có tỷ lệ không nhỏ tỉ phú, đại gia Việt Nam ra đời từ các dự án bất động sản. Và càng phát triển, giá đất càng tăng, Chính phủ càng phải bỏ ra nhiều tiền đền bù và người dân càng khiếu kiện.
ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) đồng tình với ý của ĐB Cường nhưng đề nghị phải có giải pháp, không thể để tồn tại kéo dài.
"Những vụ nóng như Thủ Thiêm người dân đã quá thiệt thòi, ai sẽ trả lại thiệt thòi này cho người dân, khi mà đáng lẽ họ được hưởng", ĐB Đặng Thuần Phong chất vấn.
Chia sẻ với những vấn đề mà các ĐBQH đặt ra, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, dẫn lại con số thống kê 70% các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài liên quan đến đất đai, trong đó tập trung vào vấn đề thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tranh chấp đất đai...
Nguyên nhân của tình trạng này, theo Luật sư Thuận, là vì sở hữu về đất đai cứ mập mờ, không rõ ràng, quy hoạch không ổn định, người dân không có quyền lực.
Lợi dụng điều này, có hiện tượng người Nhà nước cấu kết với tư nhân bên ngoài để trục lợi.
"Bởi luật còn mập mờ, không rõ ràng nên người ta thực hiện chuyện đó rất dễ dàng. Nói là quy hoạch nhưng sửa quy hoạch rất dễ.
Chẳng hạn, người ta có thể nói rằng mảnh đất A được quy hoạch làm khu văn hóa xã hội, trường học, khu vui chơi... rồi thu hồi đất với giá rất rẻ, sau đó chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, thế là giá đất tăng vọt và người ta hốt tiền tỷ", ông Trần Quốc Thuận chỉ rõ.
Một ví dụ khác là hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Theo đó, Thủ tướng đã có QĐ 367/TTg ngày 4 tháng 6 năm 1996 phê duyệt quy hoạch Thủ Thiêm, còn UBND TP.HCM chỉ là nơi thực thi quy hoạch đó. Nhưng gần 10 năm sau đó, UBND TP.HCM đã có QĐ 6565 ngày 27 tháng 12 năm 2005 thay thế cho QĐ 367.
Đáng lưu ý, việc thu hồi đất của dân diễn ra ở thời điểm trước khi QĐ 6565 ra đời, giai đoạn 2002 - 2003. Dư luận có quyền nghi ngờ về việc thu hồi đất, có nhóm lợi ích ở trong đó, rồi đất của người dân, nơi họ đã định cư, bị thu hồi với giá bèo rồi sau đó bán lại theo giá chung cư.
Hay vụ việc Công ty TNHH Một thành viên đầu tư và xây dựng Tân Thuận (100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy) bán hơn 320.000 m2 đất tại huyện Nhà Bè cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai. Đây là khu đất có vị trí đẹp cạnh sông Sài Gòn nhưng Công ty Tân Thuận bán giá 1,29 triệu đồng/m2, thu về ngân sách hơn 419 tỷ đồng. Giá này được cho là rẻ bất thường.
Đối thoại với dân khiếu kiện đất đai kéo dài ở Thủ Thiêm
Trong vụ việc này, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM xác định ông Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy, đã chấp nhận chủ trương chuyển nhượng không đúng thẩm quyền và chưa đúng quy định.
Trong trường hợp cơ quan quản lý Nhà nước làm sai, người dân sẽ được bồi thường như thế nào? Trả lời câu hỏi này, Luật sư Trần Quốc Thuận cho biết, Luật bồi thường của Nhà nước có quy định về thiệt hại hữu hình và thiệt hại vô hình, thế nhưng cho đến nay, luật vẫn còn mập mờ, chưa có gì cụ thể nên người dân vẫn cứ phải đợi.
Bởi vậy, với việc khiếu kiện đất đai kéo dài ở Thủ Thiêm, theo nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, bây giờ may ra chỉ có cách người dân kiên trì kiến nghị thành án thì mới được bồi thường.
Trong khi đó, cũng cho ý kiến về vấn đề này, TS.KTS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho biết, nguyên tắc đền bù cho dân bắt nguồn từ Luật đất đai.
Lâu nay, đất đai là sở hữu toàn dân, quyền định đoạt giá đất là do Nhà nước, vì thế dẫn đến câu chuyện đưa ra giá không phù hợp.
Hệ quả là có những người dân tự nhiên được hưởng lợi rất nhiều mà không phải đóng góp gì, nhưng ngược lại cũng có người bị thiệt hại nặng nề, quy hoạch treo... Những vụ việc đó đều liên quan đến cách quản lý, sử dụng đất.
"Cội nguồn của sự bất công ấy là do sự nhập nhèm giữa sở hữu toàn dân với sở hữu công suốt mấy chục năm nay.
Như câu chuyện ở Thủ Thiêm, người ta làm theo đúng quy định Nhà nước nhưng rồi quy định đó có những điểm không hợp với đạo lý, tạo ra bất công, khiến người dân khiếu kiện kéo dài", TS Võ Kim Cương cho biết.
Chính phủ đã giao cho TP.HCM giải quyết việc này, tính toán hài hòa lợi ích của người dân, nhưng theo nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, việc này rất khó bởi liên quan tới những người đã nhận đền bù và ra đi.
"Bây giờ giả sử những người khiếu kiện được, vậy còn những người khác thì thế nào? Bởi nó kéo theo một quá trình lịch sử phức tạp nên giải quyết không dễ", TS Võ Kim Cương nhận xét.
Việc trả lại thiệt thòi cho người dân, theo ông Cương, cứ theo nguyên tắc ai gây thiệt hại thì bồi thường, nếu tính đúng thiệt hại.
"Nhà nước phải đứng ra làm chứ không thể bắt chủ đầu tư trả trực tiếp cho người bị thiệt hại. Nhà nước có thể thu lại của chủ đầu tư qua thuế, mỗi điều kiện đầu tư sẽ có một mức thuế khác nhau. Trường hợp đất Nhà nước giao cho nhà đầu tư có giá 0 đồng thì phải tính kiểu khác.
Như vậy, Nhà nước hoàn toàn có thể điều tiết lợi nhuận trên thu nhập của nhà đầu tư", vị chuyên gia cho biết.
Dù vậy, ông cũng lưu ý, với cách tính hiện nay chưa hẳn đã gây thiệt hại hoàn toàn.
Thanh Trì, Hà Nội: Dân chiếm đất công, chính quyền bất lực?
Dù mảnh đất công đang thuộc quyền quản lý của UBND xã Tân Triều (huyện Thanh Trì, Hà Nội) và nằm cách trụ sở đơn ... |
\'Làng\' Thủ Thiêm giữa lòng Hà Nội
12 lần ra Hà Nội, đoàn người ở TP HCM tá túc trong những phòng trọ chật hẹp, hàng ngày đến nhà lãnh đạo, cơ ... |