Các chuyên gia khí tượng thủy văn (KTTV) khi nhận định về cơn bão muộn số 16 (tên quốc tế là Tembin) dự báo đổ bộ vào Côn Đảo tối nay (25.12). Đây là “cơn bão lịch sử” vì lần đầu tiên Việt Nam có tới 16 cơn bão vào đất liền/năm. Đáng ngại hơn, bão Tembin có cường độ cấp 11-12, giật cấp 13-14 và ở mức rủi ro thiên tai cấp 4, thậm chí cấp 5 - cấp thảm họa thiên tai bão cao nhất nếu bão ở cấp 12 và giật cấp 14-15. Điều đáng lo ngại nữa, theo các chuyên gia đó là đường đi của bão Tembin trùng khớp với đường đi của bão Linda cách đây tròn 20 năm khiến gần 3.000 người chết và mất tích tại Nam Bộ. Đó là chưa kể tâm lý chủ quan, không có kinh nghiệm chống bão của người dân có thể khiến thiệt hại tăng cao.
Bão Tembin có thể còn mạnh hơn cả bão Linda năm 1997
Chiều 24.12, tại cuộc họp ứng phó với bão số 16 do BCĐ Trung ương về Phòng, chống thiên tai tổ chức tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương Hoàng Đức Cường nhấn mạnh: Trong thời gian qua, bão Tembin di chuyển chủ yếu theo hướng tây, tốc độ di chuyển nhanh (25km/h), duy trì sức gió mạnh nhất cấp 12, giật cấp 15 với sóng biển cao 10m sẽ đi qua khu vực đảo Trường Sa Lớn và Huyền Trân.
Theo ông Hoàng Đức Cường, các đài khí tượng thủy văn Hồng Kông, Nhật Bản, Hoa Kỳ đều nhận định: Khi đổ bộ vào bờ, bão Tembin vẫn ở cấp 9-10, vùng ven bờ của Nam Bộ bão ở cấp 10-11. Dự báo, khoảng đêm nay (25.12) và sáng 26.12 bão sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến đất liền của khu vực ĐBSCL và một phần Nam Bộ. Dự báo của Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương cho thấy, trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây, tốc độ di chuyển nhanh (20-25km/h), đi vào đất liền các tỉnh từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau với sức gió mạnh nhất cấp 10, giật cấp 13. Đến 1h ngày 26.12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 9,1 độ Vĩ Bắc; 105,2 độ Kinh Đông, trên đất liền Tây Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 13. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 4.
Tuy nhiên, điều mà các chuyên gia KTTV lo ngại là, với cấp độ thiên tai ở mức cấp 4, Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương không loại trừ khả năng cấp độ thiên tai có thể xấu hơn nữa khi “bão tiếp tục vào bờ với cấp 12 và giật cấp 15 hoặc cao hơn thì chúng ta phải nâng lên mức độ rủi ro thiên tai cấp 5 (cấp rủi ro thiên tai cao nhất - PV). Ông Hoàng Đức Cường cũng cho rằng, đây là trường hợp hãn hữu, hiện tại, chúng ta phải triển khai phương án ứng phó với cơn bão này ở mức cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 và sẵn sàng cho phương án rủi ro thiên tai ở cấp cao hơn. Bão Tembin rất phức tạp, có thể thay đổi bất ngờ. Đây là cơn bão muộn cuối mùa hiếm gặp, khoảng 10 năm mới có 1 cơn, đã từng xuất hiện trên biển nhưng ở cấp độ mạnh cấp 11-12 như thế này thì chưa bao giờ có trên đất liền. Như vậy, nếu đổ bộ vào đất liền mà vẫn giữ nguyên cấp 12, thì bão Tembin sẽ là cơn bão “lịch sử chưa từng có” khi vào đất liền vẫn giữ ở cấp độ này.
Là chuyên gia KTTV có bề dày kinh nghiệm trong dự báo về bão khu vực Nam Bộ, chiều 24.12, trao đổi với PV Báo Lao Động, chuyên gia KTTV - ThS Lê Thị Xuân Lan lo lắng nhấn mạnh: Dù hình thành từ Tây Thái Bình Dương, không đi theo đường thẳng vào Cà Mau như bão Linda, nhưng bão Tembin thậm chí còn nguy hiểm hơn, bởi: Nếu tốc độ vào bờ suy giảm bớt, thì cũng đạt cấp 10 - tương đương bão Linda năm 1997. Còn nếu không suy giảm, bão Tembin ở cấp 12, giật cấp 14-15, cực kỳ nguy hiểm. Hiện tại, quan sát hướng đi và tốc độ của cơn bão, thì vào đến vùng biển Trường Sa sức bão vẫn còn rất mạnh. Cơn bão Tembin có đường đi từ khi vào đất liền đến khi sang Vịnh Thái Lan đều gần trùng với cơn bão Linda nhưng cường độ còn mạnh hơn cả Linda khi đổ bộ vào đất liền, bởi theo dự báo, khi vào đất liền bão Tembin vẫn ở cấp 11-12 giật tới cấp 14-15, trong khi cơn bão Linda khi đổ bộ vào đất liền ở cấp 10 giật cấp 12.
Đường đi của bão số 16 (Tembin) gần như trùng khớp với đường đi của bão Linda (trái) cách đây 20 năm gây thảm họa về người và của. (Nguồn: TTKTTVQG)
Người dân vẫn quá chủ quan
Trao đổi với PV Báo Lao Động chiều 24.12, ThS Lê Thị Xuân Lan lo lắng là người dân chỉ quan tâm đến “tâm bão”, cho rằng mình không ở tâm bão là không nguy hiểm. “Thậm chí, ở Bà Rịa - Vũng Tàu có ngư dân còn điện thoại cho tôi nói rằng tâm bão nhích xuống phía nam, vậy thôi chúng em ra khơi được chưa”? Họ không hiểu rằng, vùng tâm bão đi qua nguy hiểm hơn vì có gió xoáy, nhưng vùng trong phạm vi 200-300km tính từ tâm bão ra tức là từ Cà Mau đi ra phía bắc đến Cần Giờ (TPHCM), một phần Bà Rịa - Vũng Tàu đều có gió mạnh và mưa dữ dội rất nguy hiểm” - bà Xuân Lan cho biết.
Theo bà Lê Thị Xuân Lan, vùng tâm bão của cơn bão, theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn Nhật Bản, Hồng Kông thì tâm bão khi vào bờ ở khoảng từ 8,5 đến 8,8 vĩ độ Bắc, ở khu vực Cà Mau và Bạc Liêu. Như vậy tâm cơn bão sẽ đi ngang Cà Mau, mắt bão vào khoảng 30km với tốc độ di chuyển 15km như vậy 30’ mới đi qua hết. “Như vậy, người dân có 20-30 phút lặng gió” để đóng hết cửa sổ, chằng níu biển báo, ở yên trong nhà không ra ngoài. Bởi sau thời gian này là cơn gió sau ngược chiều lại sẽ vô cùng nguy hiểm. Vùng xung quanh mắt bão là nơi gió mạnh nhất của cơn bão nếu ít nhất cũng cấp 10-12 giật từ cấp 13 trở lên vô cùng nguy hiểm, trong khi đó 1 cơn giông cấp 6 đã giật tung cả mái nhà” - bà Lê Thị Xuân Lan nhấn mạnh.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài, Côn Đảo là nơi cơn bão sẽ quét qua rất mạnh, cần đặc biệt phòng, tránh. Về tàu thuyền, vùng biển từ Quảng Nam đến Cà Mau - Kiên Giang hiện có 67.000 tàu đánh bắt trên biển, có 47.800 tàu đánh bắt gần bờ và 19.000 tàu đánh bắt xa bờ cần được thông báo quay về hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn.
Tàu thuyền ở Trà Vinh vào nơi neo đậu an toàn để đối phó với bão số 16.Ảnh: PV
“Do cơn bão số 15 yếu, nên tâm lý chủ quan của người dân và chủ phương tiện có thể xảy ra” - ông Trần Quang Hoài lưu ý. Ông Trần Quang Hoài cũng nêu rõ: Ven biển nơi tập trung đông dân cư có đến 29 điểm sạt lở với tổng chiều dài 121km, tại Cửa Đại (Quảng Nam), Gò Công Đông (Tiền Giang), Vĩnh Châu (Sóc Trăng), Ba Tri (Bến Tre) và một số khu vực của Cà Mau..., nếu bão mạnh kèm nước biển dâng sẽ rất nguy hiểm cho dân cư khu vực này. Theo ông Trần Quang Hoài, hệ thống đê điều khu vực này chưa được căn cơ bài bản, khi bão đến cấp 11-12 thì phải khẩn trương sơ tán dân, đồng thời có biện pháp khẩn cấp bảo vệ hệ thống đê điều. “Về hồ chứa, khu vực Nam Trung Bộ có 57 hồ chứa xung yếu (16 hồ lớn, 41 hồ nhỏ) cần được quan tâm và giám sát chặt chẽ...” - Tổng cục trưởng Trần Quang Hoài lưu ý.
Phát biểu chỉ đạo công tác ứng phó, phòng chống bão số 16 (Tembin), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh sự chủ động của các địa phương trong việc chuẩn bị ứng phó với bão. Các địa phương cần có biện pháp di dời dân cư đến nơi an toàn, đặc biệt là tỉnh Cà Mau là nơi dự báo cơn bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp; không để người dân ở lại trên tàu, thuyền hay vùng nguy hiểm; cần đảm bảo an toàn các giàn khoan; chuẩn bị các lực lượng sẵn sàng ứng cứu. Thủ tướng yêu cầu các ngành, địa phương ngừng các cuộc họp không cần thiết tập trung cho công tác phòng, chống bão. Đặc biệt là các địa phương: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau, TPHCM, Bến Tre... Ngay sau cuộc họp tối 24.12, Thủ tướng cử 2 đoàn công tác vào các tỉnh vùng bão, trong đó sáng 25.12 đoàn công tác do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ NNPTNT - Trưởng BCĐ Trung ương về PCTT Nguyễn Xuân Cường trực tiếp vào Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau để chỉ đạo phòng, chống bão. Thủ tướng cũng chỉ đạo các địa phương tùy tình hình bão có thể cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn. UBQG Tìm kiếm cứu nạn thực hiện các biện pháp trước, trong và sau bão, không để người dân bị đói rét, thiếu chỗ ở sau khi bão đi qua. |
Phát biểu chỉ đạo công tác ứng phó, phòng chống bão số 16 (Tembin), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh sự chủ động của các địa phương trong việc chuẩn bị ứng phó với bão. Các địa phương cần có biện pháp di dời dân cư đến nơi an toàn, đặc biệt là tỉnh Cà Mau là nơi dự báo cơn bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp; không để người dân ở lại trên tàu, thuyền hay vùng nguy hiểm; cần đảm bảo an toàn các giàn khoan; chuẩn bị các lực lượng sẵn sàng ứng cứu. Từ ngày 25.12 đến 26.12.2017; Tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo Sở GDĐT có kế hoạch cho học sinh nghỉ học trước 24 giờ so với thời điểm dự báo bão ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh. Các tỉnh khác đang rà soát tùy tình hình diễn biến bão sẽ có kế hoạch cho học sinh nghỉ học sau. |
100% khách du lịch tại Côn Đảo đã được di dời an toàn
Theo thông tin từ Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Côn Đảo, từ 19h tối 24.12, công tác ... |
Bão Tembin tối nay uy hiếp Nam Bộ
Khoảng tối và đêm 25/12, dự báo bão số 16 sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà ... |