Họp liên miên, không còn thời gian làm việc

Họp hành quá nhiều, liên tục khiến lãnh đạo các sở ngành, quận huyện, phường xã không có thời gian giải quyết công việc hay đi thực tế cơ sở đang là 'bệnh nan y' ở TP.HCM.

Minh họa: DAD

Ngày họp 3 - 4 cuộc

Trong cuộc họp với Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong mới đây, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) Sử Ngọc Anh đã phản ánh thực trạng sở ngành, quận huyện TP.HCM họp hành quá nhiều. Đặc biệt, Sở KH-ĐT có ba áp lực rất lớn: sức ép về công việc, sức ép về lập nhiều tổ công tác (329 tổ công tác), và sức ép về... các cuộc họp mà lãnh đạo sở phải dự.

“Với 4 người trong ban giám đốc, trong 7 tháng đầu năm 2017, lãnh đạo sở phải dự hơn... 2.000 cuộc họp”, ông Anh nói và cho biết thêm, bình quân mỗi lãnh đạo sở họp 3 - 4 cuộc/ngày là bình thường, chưa kể họp đột xuất, họp phát sinh.

"Với 4 người trong ban giám đốc, trong 7 tháng đầu năm 2017, lãnh đạo sở phải dự hơn... 2.000 cuộc họp"

Ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM

Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) Nguyễn Thanh Nhã cũng cho hay, từ đầu năm đến nay, giám đốc, 3 phó giám đốc và lãnh đạo phòng ban, cán bộ chủ chốt của Sở QH-KT phải dự hơn 1.500 cuộc họp.

Ông Lê Hoài Trung, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, thừa nhận, thực trạng họp lu bù ở nhiều nơi vẫn còn là “bệnh nan y”. Lý giải về thực trạng này, ông Trung cho rằng có những vấn đề họp rồi mà sau đó không chịu triển khai hoặc triển khai không hiệu quả dẫn đến tiến độ công việc ì ạch, phải quay lại họp tiếp. “Mới đây, tại một cuộc họp về giải phóng mặt bằng, giám đốc một sở đề nghị lập ban chỉ đạo để thực hiện. Đúng ra việc này thuộc đơn vị nào được giao nhiệm vụ thì đơn vị đó phải làm, nay lập thêm ban chỉ đạo, mỗi lần họp mời mấy chục người ở nhiều đơn vị khác nhau thì chết nữa”, ông Trung kể.

Theo ông Trung, có nội dung họp đến 5 - 6 cuộc, bắt đầu từ họp định hướng, đến họp góp ý, họp dự thảo, họp thông qua, họp kết luận, họp triển khai thực hiện… “Họp nhiều thì không thể hiện được vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Cũng vì tình trạng sợ trách nhiệm, đùn đẩy công việc dẫn đến tiến độ chậm, làm phát sinh thêm họp hành. Cứ làm theo luật thì đâu cần gì phải bàn tới, bàn lui. Nếu trong trường hợp luật chưa rõ, có vướng mắc thì kiến nghị, chứ họp nhiều rất tốn thời gian, chi phí”, ông Trung nói và cho rằng bộ máy hành chính cần vận hành phân định rõ trách nhiệm từng vị trí việc làm và làm đúng quy trình thì sẽ giảm họp.

“Cũng cần tăng cường liên thông giải quyết thủ tục hành chính, đẩy mạnh họp trực tuyến giữa các đơn vị, họp theo mảng, theo khối để giảm chi phí, nguồn lực con người, thời gian, chứ việc gì cũng họp lẻ tẻ sẽ gây tốn kém nhiều thứ”, ông Trung nói thêm.

Giảm ngay 30% số cuộc họp Tháng 8.2016, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong ban hành kế hoạch, trong đó yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện tại TP phải giảm 30% các cuộc họp, dành thời gian đi thực tế nắm bắt thông tin, kiến nghị của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ. Ông Phong yêu cầu mỗi lãnh đạo, cán bộ phải xây dựng cho mình tác phong sâu sát, nói ít làm nhiều; giảm bớt hội họp để dành thời gian cho cơ sở, cùng cơ sở tìm giải pháp giải quyết các khó khăn, vướng mắc.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cũng cho biết: "Để nâng cao chất lượng giải quyết công việc, TP yêu cầu khi cần thiết tổ chức họp phải chuẩn bị kỹ nội dung, đúng thành phần, họp nhanh gọn, không được kéo dài lê thê. Họp rồi thì phải xáp vô làm ngay. TP cũng đã có chỉ đạo xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi không hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch đề ra".

Họp ngày không đủ, tranh thủ họp đêm

Với dân số xấp xỉ 115.000 người, dân nhập cư nhiều, cộng với tốc độ đô thị hóa cao, Bình Hưng Hòa A (Q.Bình Tân) là một trong những phường ở TP.HCM có khối lượng công việc phải giải quyết nhiều nhất.

Ông Dương Thanh Hậu, Phó chủ tịch UBND P.Bình Hưng Hòa A, cho hay: “Phó chủ tịch phụ trách kinh tế như tôi, trung bình 1 tuần dự 5 cuộc họp ở quận, rồi về họp ở phường, ở khu phố, họp tiếp công dân… Nhiều khi không đủ thời gian họp, phải họp tiếp xúc cử tri vào buổi tối. Có những nội dung chỉ cần triển khai qua văn bản, gửi email nhưng cũng phải họp. Có những nội dung giống nhau, chỉ cần gom họp một lần nhưng ban tổ chức cứ tách thành cuộc họp riêng làm lãng phí thời gian của anh em. Không họp thì không được mà họp nhiều quá, cán bộ cơ sở rất kẹt vì không đủ thời gian giải quyết công việc ở địa phương”.

Mỗi ngày P.Bình Hưng Hòa A bố trí 1 lãnh đạo UBND thường trực ở trụ sở chỉ để ký tên, đóng dấu hồ sơ giấy tờ nhưng nhiều khi làm không xuể. Ông Dương Thanh Hậu kể thêm, thứ sáu hằng tuần, UBND phường nhận được lịch họp của UBND quận để sắp xếp lịch họp, nhưng có khi đến thứ hai phải sắp xếp lại một lần nữa cho phù hợp vì lịch UBND quận thay đổi, có thêm cuộc họp mới!

Khi được hỏi thực trạng họp hằng ngày, Chủ tịch UBND một phường ở Q.1 than: “Họp nhiều lắm”. Theo vị chủ tịch phường này, UBND phường có 3 lãnh đạo, bình quân mỗi lãnh đạo họp 2 cuộc/ngày, có ngày cả 3 lãnh đạo đều cùng đi họp ở quận. “Nhận giấy mời họp của cấp trên thì không thể không đi, nhưng đi hết thì ở phường không còn lãnh đạo trực, giải quyết công việc. Nhiều khi người dân đến sao y, chứng thực… phải hẹn lại, năn nỉ người dân thông cảm. Nếu cử chuyên viên đi họp thay thì sợ quận phê bình”, vị này nói.

Một cuộc họp giải quyết công việc tại Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM

Khi thực hiện bài viết này, PV Thanh Niên điện thoại hẹn lãnh đạo một số sở ngành, quận, huyện trong giờ hành chính, phần lớn đều nhận được trả lời: “Tôi đang bận họp!”.

Theo khảo sát của PV, thực trạng chung trong giờ hành chính tại các sở ngành, quận huyện là họp triền miên. Chánh văn phòng UBND một quận cho biết, UBND quận có 1 chủ tịch, 3 phó chủ tịch.

Bình quân mỗi ngày có 6 - 10 cuộc họp ở TP và các sở ngành, ít nhất 10 cuộc họp tại nội bộ cơ quan giữa các phòng, ban, mặc dù đã có chủ động chỉ đạo bằng văn bản, bút phê vào công văn đến...

“Tùy mức độ quan trọng của cuộc họp sẽ phân công thành phần tham dự. Nếu lãnh đạo TP.HCM chủ trì mời họp thì bắt buộc lãnh đạo quận phải đi. Khi lãnh đạo quận bận đi họp, thì phân công trưởng, phó phòng đi họp tại các sở ngành. Việc họp quá áp lực, nhiều anh em nói đùa là có người được phân công đi họp miết thành… nghề luôn”, vị này nói.

Họp 1 cuộc, mất cả ngày đi lại Dù đã chuyển qua làm Trưởng phòng LĐ-TB-XH H.Củ Chi từ giữa tháng 2017 nhưng bà Lê Thị Ánh Tuyết vẫn còn ám ảnh việc họp khi còn làm Chủ tịch UBND xã Tân Thông Hội. Khi đó, trung bình 1 tuần bà phải lên TT.Củ Chi họp 3 - 4 lần, rồi còn phải dự hay “chủ xị” nhiều cuộc họp khác ở xã, mà địa bàn H.Củ Chi rất rộng, dự họp cuộc to hay nhỏ cũng phải mất cả ngày nên không có thời gian đi cơ sở. Họp hành mất nhiều thời gian, đi lại xa xôi nên các lãnh đạo xã kiến nghị UBND H.Củ Chi tiến hành họp trực tuyến mỗi tháng, nhiều vấn đề liên quan nhau được gom vào họp một lần chứ không xé lẻ như trước.

Bà Nguyễn Thị Thu Hường, Phó chủ tịch UBND kiêm người phát ngôn UBND Q.1, cho biết: "Quận ủy, UBND quận đang nâng cấp, hoàn thiện trang thiết bị kết nối qua mạng internet để phục vụ yêu cầu họp trực tuyến với 10 phường trên địa bàn để giảm đi lại, tiết kiệm chi phí. Hệ thống này cũng có thể liên thông với TP, khi liên thông thì nội dung các cuộc họp của TP có thể truyền đến UBND quận và các phường. Quận cũng chủ động chuẩn bị kỹ nội dung để rút ngắn thời gian họp, họp đúng thành phần để dành thời gian cho lãnh đạo, cán bộ đi cơ sở, kịp thời giải quyết công việc hằng ngày cho người dân".

(http://thanhnien.vn/thoi-su/hop-lien-mien-khong-con-thoi-gian-lam-viec-869977.html)

Theo Trung Hiếu - Đình Phú/Báo Thanh niên