Hồng nhan đa truân (Kỳ 52)

Việc Nhật Chiêu đặt máy nghe trộm trong ôtô, thậm chí cả trong phòng ngủ, bàn làm việc, Diệu Linh không hề biết. Cô chỉ cảm thấy kỳ lạ không hiểu vì sao việc gì Nhật Chiêu cũng biết.

hong nhan da truan ky 52 Hồng nhan đa truân (Kỳ 51)

Cho đến bây giờ, mặc dù đã mấy năm trôi qua nhưng Diệu Linh vẫn luôn nghĩ về Nhật Chiêu và tìm cách lý giải ...

hong nhan da truan ky 52 Hồng nhan đa truân (Kỳ 50)

Chiều hôm sau, Diệu Linh đang ở nhà, thì Mộc Miên đưa Chu đến. Đó là một thanh niên khoảng 30 tuổi, trông rất chững ...

Ông Quốc thẳng thừng:

- Hôm trước, đồng chí Phó bí thư Thành ủy đã xuống nói chuyện. Các anh ấy muốn điều tôi lên thành phố. Đảng điều đi đâu thì phải đi đấy. Tôi không có thói quen xin xỏ, chạy trọt. Cậu đến chúc mừng tôi sinh nhật, lẽ ra không nên nói nhưng chẳng mấy khi hai anh em mình ngồi nói chuyện được với nhau, tôi sẽ nói luôn. Cậu phải hết sức cẩn thận trong việc quan hệ với các doanh nghiệp. Đồng chí Giám đốc Công an thành phố có nói với tôi rằng, có một số doanh nghiệp nói để họ có được các dự án ở quận mình là phải chi khá nhiều tiền. Chuyện doanh nghiệp chi tiền thì tôi không quan tâm bằng việc có những doanh nghiệp ca thán là mất nhiều tiền mà chẳng được gì. Cậu phải xem lại.

Nhật Chiêu thốt lên:

- Trời ạ, tại sao lại có dư luận về em như thế. Em thề với anh, nói em không ăn của doanh nghiệp thì không phải. Thực sự là em có ăn. Nhưng nói “ăn” là như thế nào? Em giúp họ đúng việc công, phép nước em làm, đúng quy định, chính sách của Nhà nước, của thành phố về quản lý đất đai, về đầu tư. Em giúp họ một cách vô tư, khi họ được việc, được giấy phép đầu tư thì họ cảm ơn em. Tiền cảm ơn đấy thì nói thật là em có nhận. Nhưng nếu nói là em lợi dụng chức Phó chủ tịch của em để bóp nặn doanh nghiệp như các quận, huyện khác thì em thề với anh là em không làm việc đấy.

Ông Quốc nói dửng dưng:

- Hiểu mình thì không ai bằng mình. Có dư luận như thế, nhất là lại là lời của đồng chí Giám đốc Công an Thành phố thì phải hết sức cẩn thận. Nên rà soát lại xem ra sao. Bây giờ, cậu là ứng cử viên nặng ký vị trí Chủ tịch quận. Đến lúc đấy mà nó tống cho dăm ba cái đơn, rồi thanh tra, kiểm tra Đảng nhảy vào là rách việc đấy. Cứ cho là cậu không có gì, nhưng đến lúc họ xác minh xong thì có khi mất cơ hội rồi. Trong lúc đang bị thanh tra, kiểm tra thì ai dám đề bạt cậu nữa. Giống như người ta chờ ở ga để lên tàu đi tiếp. Tàu đến rồi, mình lại không lên được tàu thì phải chờ chuyến sau. Biết bao giờ mới có chuyến sau.

Chiêu thở dài:

- Em cũng nghĩ là có những đứa xấu mồm, muốn cản con đường tiến của em. Nhưng mà anh cứ yên tâm, anh cứ ủng hộ em là được rồi. Những việc gì em làm sai thì em chịu.

Ông Quốc rót một ly rượu, đưa lên rồi nói:

- Tất nhiên là ai sai thì người ấy phải chịu.

Chiêu nhìn quanh nhà:

- Ôi sao nhà cửa anh tuyềnh toàng thế?

Ông Quốc nói:

- Có thế thôi. Biết làm thế nào?

Chiêu nói:

- Anh ạ, em nghĩ thế này. Anh là Bí thư quận ủy. Về tính liêm khiết, trong sáng của anh thì không ai lạ gì. Em còn nghe nói là ông già anh bắt anh phải báo cáo chi tiêu. Ôi giời ơi. Các cụ đúng là thế hệ vàng của đất nước này. Em nghe kể rằng bác ngày xưa là Bộ trưởng, nhưng đi công tác ở địa phương, người ta cho mấy cân gạo mà bác còn không nhận. Không ngờ bây giờ bác vẫn chặt chẽ như vậy. Nhưng thời buổi bây giờ thay đổi rồi anh ạ. Thời buổi này là thời buổi kim tiền. Không có tiền là chết. Ông anh ở thế này thì không được. Em sẽ giúp anh.

hong nhan da truan ky 52

Ông Quốc hỏi:

- Cậu giúp tôi bằng cách nào?

Chiêu nói:

- Việc này anh cứ để em lo. Em có cách. Tất nhiên, em sẽ không để phiền lụy đến anh. Em chỉ ví dụ đơn giản thế này thôi. Một loạt doanh nghiệp đang lấy đất ở quận mình để xây dựng khu chung cư. Em bảo nó để một lô đất giá đối ngoại cho mình. Mình lại giao cho chúng nó bán đi. Tất nhiên, trong sổ sách, giấy tờ không bao giờ có tên anh. Anh không phải ngại việc ấy.

Ông Quốc hiểu ra:

- Cái võ ấy tớ biết, cũng có người nói với tớ rồi. Thôi, cảm ơn cậu. Tớ học lời các cụ “tri túc, tri chỉ” - biết đủ là dừng lại, “tri túc tâm thường lạc” - biết đủ là vui. Tớ thấy thế này là đủ lắm rồi. Vợ tớ là người làm kinh tế cũng khá. Cô ấy làm doanh nghiệp chế tác vàng. Lương mỗi tháng cũng hơn hai chục triệu. Nhà cửa thì sẵn đây rồi. Ở nhà quê lại còn có đất nữa. Tớ giao cho thằng con ông chú canh tác trên khoảnh vườn ông bà để lại cho. Mỗi tháng tớ cho nó thêm 500.000 đồng, mình bỏ vốn cho nó nữa, nó trồng rau, nuôi gà. Có phải ít đâu, gần 3.000m2 đấy. Nó nuôi gà, đào ao thả cá rồi cung cấp cho mình. Việc chi tiêu, với đồng lương Nhà nước trả cho tôi cùng với lương của vợ như vậy đã là thoải mái rồi. Còn con cái thì đứa lớn đang học đại học, đứa bé học lớp 9. Nhờ giời, chúng nó học rất giỏi, chẳng phải lo học thêm, học nếm gì. Có lẽ khoản học thêm lớn nhất là học đàn. Tuần hai buổi cô giáo đến đây dạy đàn bầu. Có thế thôi.

Hai người nói chuyện đến đây thì Diệu Linh từ trên tầng xuống.

Ông Quốc hỏi Diệu Linh:

- Thế cô Linh thấy cháu chơi đàn có được không?

Diệu Linh nói:

- Cháu chơi khá lắm anh ạ. Tiếng đàn rất có cá tính, chỉ có kỹ thuật là cần phải bổ túc thêm nhiều.

Liên - con gái ông Quốc từ trên tầng chạy xuống:

- Bố ơi, cô Linh đánh đàn hay lắm. Bố để cô Linh dạy thêm cho con nhé.

Ông Quốc nhìn con gái:

- Con ơi, cô làm gì có thời gian để đến đây dạy con. Nếu cô Linh đồng ý thì thỉnh thoảng, lúc nào cô rỗi thì con mang đàn đến nhà cô, rồi cô chỉ bảo cho.

Diệu Linh nói:

- Không. Em cũng không bận gì đâu. Nếu cháu có thời gian thì mỗi tuần em qua giúp cháu một buổi. Đàn bầu thì chỉ cần hướng dẫn vài tháng là ổn thôi mà. Em bỏ đàn lâu rồi, kỹ thuật cũng kém, nhưng vẫn còn có thể giúp được cháu. Bây giờ phải dạy cho cháu bật hẳn lên về kỹ thuật. Chứ cứ nhàng nhàng thế này thì chỉ đến thế thôi, tiếng đàn không bao giờ khá được.

Ông Quốc nói:

- Thôi được rồi, việc ấy thì hai cô cháu bàn với nhau.

Ông Quốc quay sang nói với Nhật Chiêu và Diệu Linh:

- Rất cảm ơn hai bạn đã đến mừng sinh nhật tôi. Bây giờ cháu nhà tôi lại muốn Diệu Linh dạy đàn thêm. Nếu cô thu xếp được thì cô giúp, góp ý cho cháu.

Đúng lúc ấy, vợ ông Quốc đi đâu về.

Thấy Diệu Linh và Nhật Chiêu, bà vui vẻ:

- Chào Phó chủ tịch quận, chào cô hoa hậu. Nghe danh mãi mà bây giờ mới được gặp.

Diệu Linh lễ phép:

- Dạ, em chào chị ạ.

Bà Thương - vợ ông Quốc nói:

- Sao hôm nay hai bạn lại đến chơi với nhà tôi mà không báo trước?

Nhật Chiêu nói:

- Dạ, chúng em biết là mai là sinh nhật anh. Chúng em sợ mai đến thì đông khách, nên hôm nay chúng em đến chúc mừng sinh nhật anh trước. Chúng em ngồi chơi cũng đã lâu, em xin phép chị chúng em về để cho anh còn làm việc.

Bà Thương nhìn chồng ngạc nhiên:

- Thế sao mình nói không bao giờ mình tổ chức sinh nhật và mình cấm chuyện ấy cơ mà? Tại sao năm nay lại làm sinh nhật thế?

Ông Quốc:

- Anh có biết cô chú ấy đến đâu. Thôi, chuyện ấy có gì đâu. À, con Liên nhà mình rất thích cô Linh kèm đàn cho ấy. Hóa ra cô Linh rất giỏi đàn bầu. Cô ấy là con nhà nòi về âm nhạc. Con bé nhà mình mà được cô Linh kèm đàn thêm cho ít buổi thì tốt quá.

Bà Thương vui vẻ cầm tay Diệu Linh:

- Em giúp chị nhé. Chị thấy con bé đánh đàn thì cũng có người khen, nhưng cũng nhiều người nói tiếng đàn của nó chưa mượt. Dính đến nghệ thuật thì phải giỏi hẳn, không thì thôi. Chỉ biết lỗ mỗ một tý thì người ta cười cho.

Diệu Linh vui vẻ:

- Dạ, chị cứ yên tâm ạ. Biết đến đâu thì em sẽ giúp cháu đến đấy. Chúng em xin phép anh chị, chúng em về ạ.

Ông Quốc và bà Thương tiễn hai vợ chồng ra tận cửa.

Trên ôtô về nhà, Diệu Linh để ý thấy mặt chồng nặng như chì nhưng không hiểu lý do vì sao.

Đến lúc về đến nhà, Diệu Linh mới hỏi:

- Anh có điều gì suy nghĩ thế?

Nhật Chiêu hậm hực:

- Hôm nay em có để ý thấy nhà ông ấy thế nào không?

Diệu Linh nói:

- Em thấy nhà cửa cũng giản dị, chẳng có gì cả.

Chiêu cười khẩy:

- Em không biết thôi, ông ấy là người rất giỏi che đậy. Lúc nào cũng tỏ ra liêm khiết, giản dị. Sinh nhật, sinh pháp là ông ấy cấm tiệt, không cho ai đến. Nhưng ngày mai em sẽ thấy, xếp hàng đến nhà ông ấy như đi xem văn nghệ. Ông ấy rất giàu nhưng rất giỏi giả vờ. Nhà cửa thì có vẻ có ra gì đâu. Bố ông Quốc ngày trước là Bộ trưởng. Ông cụ đích thực là con cháu Bác Hồ, liêm khiết vô cùng. Đến bây giờ ông cụ đã gần 90 tuổi rồi, nhưng ông cụ vẫn bắt ông Quốc phải báo cáo với cụ về chuyện tiền bạc. Ông nói rằng, ông chỉ cần nghe thấy con trai ăn của đút lót dù chỉ một đồng là ông cụ tự tử ngay. Ông cụ không chịu được sự nhục nhã ấy. Ông Quốc khôn lắm nên vẫn giấu được ông cụ. Rồi em xem, ông cụ mà mất đi thì ông Quốc phải xây vài cái biệt thự.

Diệu Linh nói:

- Chắc là người ta đồn thổi thôi. Em nhìn thấy cách cư xử của anh ấy cũng là con người giản dị, tuyềnh toàng.

Nhật Chiêu cười khẩy:

- Em làm sao hiểu ông ấy bằng anh được. Nhiều điều tiếng lắm. Tới đây thành phố phải điều chuyển ông ấy lên cấp thành phố đấy, họ không muốn để ở quận cũng là vì chuyện này, chuyện khác. Nghe nói ở quận có mấy cô mê ông ấy lắm. Trông ông ấy thế thôi chứ khoản gái gú cũng ra trò.

Nói đến đấy, tự dưng sắc mặt Chiêu thay đổi:

- Mà tại sao em lại dễ thế nhỉ? Có thế mà đã nhận lời dạy học cho con ông ấy.

Diệu Linh nói:

- Có sao đâu. Thỉnh thoảng em đến bảo cháu một tý.

Nhật Chiêu nói với vẻ khó chịu:

- Anh thấy tốt nhất là không nên. Em đến đấy rồi người ta lại bảo là vợ Phó chủ tịch quận lo nịnh Bí thư quận ủy bằng cách đến dạy học cho con bí thư. Không được đâu. Anh nói để em biết, em phải rất cẩn thận. Sau này thể nào bà ấy cũng sẽ rủ em đi chơi. Em phải giữ mồm giữ miệng. Ông ấy cũng không muốn anh lên Chủ tịch quận đâu. Lúc nãy ông ấy đã nói bóng nói gió rằng anh có tin đồn này khác. Anh biết thừa là thực ra chẳng có tin đồn gì cả. Chẳng qua là ông ấy rung anh như thế, bắt anh phải thể hiện.

Diệu Linh hỏi:

- Anh bảo thể hiện cái gì?

Nhật Chiêu nói:

- Thể hiện có nghĩa là mình cũng phải có lời, kèm theo lời là có quà. Anh cũng nói là anh sẵn sàng lo cho anh ấy một lô đất độ khoảng dăm trăm mét vuông, nhưng ông ấy còn đang ỡm ờ.

***

Việc Nhật Chiêu đặt máy nghe trộm trong ôtô, thậm chí cả trong phòng ngủ, bàn làm việc, Diệu Linh không hề biết. Cô chỉ cảm thấy kỳ lạ không hiểu vì sao việc gì Nhật Chiêu cũng biết. Ban ngày Diệu Linh gọi điện thoại đi đâu, làm gì là đến tối Nhật Chiêu lại hỏi. Cách hỏi của anh ta rất tế nhị và thường làm Diệu Linh có cảm giác anh ta có rất nhiều người quen ở khắp mọi nơi, nhất cử nhất động của cô đều được mọi người nói cho Chiêu biết.

Sống với nhau được vài tháng, Diệu Linh càng thấy rõ mình là một con chim bị nhốt trong lồng. Cô có cảm giác cái lồng ấy đang dần nhỏ lại. Diệu Linh không hiểu tại sao Nhật Chiêu lại có thể ghen tuông một cách bệnh hoạn như vậy.

Người em họ của Nhật Chiêu lái xe cho Diệu Linh được vài hôm thì Nhật Chiêu lại đổi một người lái xe khác. Lần này là một ông già chừng ngoài 60 tuổi. Ông là một người lái xe taxi.

Một lần, Nhật Chiêu nói với Diệu Linh:

- Chú Tuấn xin nghỉ để làm việc khác. Anh sẽ chọn cho em lái xe khác. Ông già này lái cẩn thận lắm.

Diệu Linh nói:

- Trời. Sao anh lại chọn người già lái xe cho em? Em chủ yếu là đến chùa chiền lễ bái, thế mà lại bắt một ông già hơn cả tuổi bố mình lái xe cho mình thì em thấy không nên.

Chiêu cười:

- Người già lái mới an toàn. Thằng Tuấn còn phải đi làm việc khác. Dù mình trả lương nó có rộng rãi nhưng cũng không ăn thua đâu.

Ngày hôm sau, đúng là có một ông lái xe khác đến.

Ông nói với Diệu Linh:

- Từ nay, bác sẽ lái xe cho cháu. Số điện thoại của bác đây, cháu đi đâu thì gọi. Chỉ mười phút là bác có mặt.

Diệu Linh nhìn ông lái xe thấy phát chán và không muốn nói gì nữa:

- Vâng. Bác cứ về. Nếu có việc thì cháu sẽ gọi.

Từ cơ quan, Nhật Chiêu gọi về cho vợ:

- Anh biết em có vẻ không thích bác tài mới. Nhưng cứ chịu khó đi vài hôm là quen. Bác ấy già, cũng dễ tính và là người lái xe rất cẩn thận. Thanh niên thì nhiều khi cứ bốc máu lên, nhỡ sơ sảy gì thì khổ. Em thấy đấy, anh chuẩn bị vào bầu bán. Nếu xảy ra bất cứ chuyện gì, để báo chí réo là mệt lắm.

Diệu Linh thở dài:

- Tốt nhất em đi đâu thì em tự gọi taxi.

Tiếng Nhật Chiêu:

- Không được, không được. Em không được đi taxi. Anh cấm. Đi đâu thì đi xe của nhà.

Nói xong, Chiêu cúp máy.

Diệu Linh ra ngoài sân gọi điện thoại cho Tuấn:

- Chú đang làm gì thế?

Tuấn trả lời:

- Em đang ở nhà.

Diệu Linh hỏi:

- Chú đi làm ở đâu? Sao mấy hôm đi cùng tôi mà chẳng nói gì cả?

Tuấn:

- Không phải thế đâu. Chuyện khác lắm. Lúc nào chị em mình gặp nhau, em sẽ kể cho chị nghe.

Diệu Linh:

- Bây giờ chú đến đây kể cho tôi nghe xem chuyện ra sao.

Một lát sau, Tuấn phóng xe máy đến.

Tuấn nói với Diệu Linh:

- Hôm nay em cũng phải nói thật với chị. Từ hôm lái xe cho chị, em ăn không ngon, ngủ không yên vì ông anh họ em. Ngày nào ông ấy cũng gọi điện tra hỏi em rằng em lái xe đưa chị đi thì là chở đi đâu, gặp ai, có ai hỏi chuyện chị không, thái độ của chị thế nào. Đến lúc em giao xe thì em mới biết rằng trong xe anh ấy có đặt máy nghe trộm.

Diệu Linh sững sờ:

- Máy nghe trộm là thế nào?

- Anh ấy đặt một cái máy nghe trộm rất hiện đại. Ôtô bắt đầu nổ máy là hoạt động. Bộ nhớ của nó rất khủng khiếp, có thể ghi âm liên tục được mấy ngày liền. Đầu tiên, em không hiểu tại sao hôm nào mà hai chị em đi đâu về, anh ấy cũng đến xem ôtô. Anh ấy bảo em đưa khóa, rồi chui vào xe là để gỡ máy ấy ra, đặt máy khác vào. Anh ấy còn tra hỏi em về chị. Thậm chí, có lần chị nói chuyện với ai đấy, anh ấy còn hỏi em là khi chị nói thì thái độ chị thế nào? Chị biết đấy, em lái xe thì phải để ý nhìn đường chứ làm sao mà còn để ý đến người ngồi trong xe được.

Diệu Linh sững sờ:

- Ra thế.

Tuấn nói giọng bực tức:

- Đâu có phải chỉ như thế. Anh ấy còn ghen với cả em. Một lần anh ấy hỏi em là em có thấy chị đẹp không? Em bảo là chị đẹp quá, lấy vợ mà được vợ đẹp như thế thì ai chẳng muốn. Thế là anh ấy chửi em luôn. Mấy hôm sau, anh ấy bảo em là đi tìm việc chỗ khác mà làm. Chị có thấy có người nào lạ như thế không? Nhưng có lẽ lúc nào đấy chị nên tìm gặp vợ cũ của anh ấy để hỏi chuyện đi. Sống với anh ấy không nổi đâu.

Diệu Linh thở dài:

- Ừ. Chị cũng cảm thấy thế.

***

Tuấn về rồi, Diệu Linh ngồi thừ ra.

Sau khi có những thông tin ấy, Diệu Linh đã chán Nhật Chiêu đến tận cổ. Diệu Linh cũng muốn ra đi ngay tức khắc khỏi căn nhà ấy, nhưng lại cố nín nhịn. Bởi lẽ, cô rất sợ báo chí lôi ra bêu riếu một lần nữa. Mẹ cô đã vì cô mà mất sớm, một lần nữa như thế này thì không hiểu bố cô sẽ ra sao? Ông ngày nào cũng hai lần uống thuốc. Rồi lại còn em trai cô nữa. Diệu Linh biết, nếu cô có bỏ Nhật Chiêu bây giờ thì cả thiên hạ sẽ nghĩ cô là đứa con gái chẳng ra gì. Không ai có thể tin Diệu Linh. Lẽ thường, làm vợ của một ông Phó chủ tịch quận là niềm mơ ước của rất nhiều cô gái. Chẳng lẽ, bây giờ Diệu Linh lại nói với mọi người rằng mình bỏ chồng vì anh ta keo kiệt, vì anh ta coi đồng tiền trọng hơn người và vì căn bệnh ghen tuông của anh ta. Sẽ chẳng ai tin Diệu Linh cả. Nghĩ như vậy mà Diệu Linh đành ngấm ngầm chịu đựng.

***

Thành để ý thấy ông Cường dạo này có nhiều biểu hiện rất lạ. Ông thoắt vui, thoắt buồn. Có những lúc ông ngồi lặng lẽ một mình, giở lại những hình ảnh của đoàn làm phim ra xem rồi mỉm cười một mình; thỉnh thoảng ông lại thở dài. Với một người chưa từng yêu bao giờ, Thành không hiểu nên anh chỉ nghĩ rằng ông Cường đang có điều gì đó lo lắng cho đoàn làm phim. Có những lúc, anh lại cho rằng hình như bố đang nghĩ về mẹ đang sống lang bạt, thất cơ lỡ vận ở bên Đức.

Một hôm, Bình và Thiệu về.

Thành nói với Bình:

- Chị ạ, em thấy bố dạo này lạ lắm.

Bình hỏi:

- Lạ làm sao?

Thành:

- Em cứ thấy bố ngồi xem cuốn album của đoàn làm phim rồi cười một mình. Có những hôm nửa đêm bố lại tỉnh giấc, rồi lại ngồi viết lách gì ấy.

Thiệu nói:

- Nghề của ông là viết. Bây giờ tuổi già rồi, không ngủ được thì dậy viết. Có gì lạ đâu.

Bình gạt đi:

- Anh cứ để cậu ấy nói tiếp xem nào.

Thành nói:

- Mà nhiều lúc bố cứ buồn vui lạ lạ thế nào ấy. Ngày xưa bố không thế.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong / Năng Lượng Mới