Chất hào hiệp ngấm vào người khiến nhiều người vốn là xe ôm, công nhân, thợ xây, sinh viên... sẵn sàng lao ra đường gánh chịu rủi ro để chống tội phạm. Họ được nhân dân gọi là "hiệp sĩ" đường phố "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng".
“Hiệp sĩ” Sài Gòn Phạm Minh Hiếu.
Những giây phút đối mặt cái chết của “hiệp sĩ” Sài Gòn
Theo Công an TPHCM, ngay sau khi xảy ra vụ nhóm trộm cắp sát hại 2 "hiệp sĩ" ở đường Cách Mạng Tháng 8 (phường 10, quận 3), Thiếu tướng Phan Anh Minh đã chỉ đạo công an nhiều quận, huyện tập trung lực lượng phá án nhanh.
Chiều 14.5, Công an TPHCM triệu tập nghi can Nguyễn Hoàng Châu Phú (24 tuổi, ngụ Hóc Môn), nhưng Phú nhất quyết không khai, đồng thời cung cấp chứng cứ ngoại phạm. Tuy nhiên, qua đấu tranh, Phú đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội.
Sau đó, khuya 14.5, hàng chục cán bộ chiến sĩ Công an TPHCM đã vây một căn nhà tại phường 9, quận Gò Vấp và bắt nghi can còn lại là Nguyễn Tấn Tài (24 tuổi, còn gọi Tài "Mụn", ngụ quận 12, TPHCM).
Đến sáng 15.5, cả hai thừa nhận hành vi của mình trong vụ trộm xe SH và đâm chết 2 "hiệp sĩ", làm bị thương 3 "hiệp sĩ" khác vào đêm 13.5.
Đây là vụ việc gây chấn động dư luận thời gian qua. Sự ra đi của 2 “hiệp sĩ” là mất mát lớn của gia đình. Nhiều người không phải ruột thịt cũng đến nhà 2 “hiệp sĩ” đặt vòng hoa và đóng góp vật chất để gia đình các anh lo hậu sự và trang trải cuộc sống.
Trên mạng xã hội Facebook, nhiều người cũng quyên góp thông qua nhóm “hiệp sĩ” SOS. Các mạnh thường quân cũng cùng chia sẻ nỗi đau này. Trước nỗi buồn về cái chết của hai đồng đội của chồng cũng như chồng đang nằm viện vì đấu tranh với nhóm trộm cắp, bà Trương Thị Xí (52 tuổi, vợ “hiệp sĩ” Trần Văn Hoàng) khẳng định vẫn “ủng hộ chồng hết lòng trong việc bắt cướp, bảo vệ bình yên cho mọi người”.
Bà Xí chia sẻ, ban đầu khi thấy chồng đi thâu đêm suốt sáng bắt cướp, bà rất bất an. Nhiều lần khuyên chồng từ bỏ công việc “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” nhưng ông không chịu. Thấy niềm đam mê của ông quá lớn, bà ngăn chẳng được, đành “sống chung với lũ”, quay sang ủng hộ.
Mấy chục năm rồi, ông Hoàng chẳng bao giờ từ bỏ máu nghĩa hiệp. Dù đang chở đồ trên đường mà nghe cướp là ông vứt đồ đuổi theo bắt cướp cho bằng được.
Bà Xí nói, chồng bà tham gia bắt cướp cách đây 20 năm. Việc bắt cướp bị trầy xước, ngã xe, nhập viện là chuyện “như cơm bữa”. Cũng vì tuyên chiến với đối tượng cướp giật, có lần ông Hoàng suýt mất mạng bởi có một nhóm côn đồ xách dao, kiếm, mã tấu vào chém xối xả, nhưng may, ông có nghề, tránh được.
Anh Trần Vũ (con trai ông Hoàng) cũng là thành viên nhóm “hiệp sĩ” Tân Bình kể, việc gặp tai nạn nghề nghiệp là chuyện thường. Trong nhóm của anh từng có “hiệp sĩ” do truy đuổi 2 tên cướp nhiễm HIV đã bị chúng đâm kim tiêm dính máu, phải trải qua nhiều tháng điều trị phơi nhiễm.
Còn có hiệp sĩ bị nhóm đối tượng trộm cắp đâm nhiều nhát, nhập viện ngay trong đêm. Theo anh Vũ, những trường hợp như thế nếu không linh hoạt, xử lý khôn khéo có thể bị nguy hiểm tới tính mạng.
"Những lần truy bắt mình phải tông thẳng vào xe nó. Chẳng may xe hư hỏng phải bỏ tiền túi hoặc kêu vợ đưa tiền để sửa chữa. Chưa kể tiền thuốc men nếu bị chấn thương nặng", anh Vũ nói.
Có thâm niên làm nghề chạy xe ôm trên địa bàn quận 12, "hiệp sĩ" Sài Gòn Phạm Minh Hiếu (SN 1973, ngụ Khu phố 4, phường Tân Chánh Hiệp) nhiều lần tham gia truy bắt tội phạm và từng bị chúng đâm trọng thương.
Cách đây không lâu, tại chợ Hiệp Thành (phường Hiệp Thành, quận 12, TPHCM), khi đang chờ khách, anh Hiếu vô tình phát hiện 2 thanh niên dùng gậy sắt đánh một phụ nữ lớn tuổi trên đường. Bức xúc, anh Hiếu lao vào can ngăn, liền bị 2 đối tượng này đánh đập, dùng dao đâm sau lưng khiến anh ngã quỵ xuống đường.
Gây án xong, 2 đối tượng trên bỏ chạy, anh được người dân đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân 115. Do vết thương nặng, đâm trúng thận nên các bác sĩ phải phẫu thuật cắt bớt một quả thận.
Anh Hiếu chia sẻ, do gia cảnh nghèo nên khi phẫu thuật xong, được vài hôm, anh phải về nhà điều trị, tiết kiệm chi phí. “May mắn tôi không mất mạng. Được lãnh đạo quận, phường chia sẻ, động viên và khen thưởng nên tôi rất vui. Tuy sức khỏe giảm sút, không làm được việc nặng như trước nhưng nếu có chuyện bất bình, phát hiện tội phạm, tôi vẫn sẽ đấu tranh”, anh Hiếu cho biết.
Hơn 10 năm tham gia nhóm "hiệp sĩ" Tân Bình, anh Nguyễn Trọng Nghĩa đã hàng chục lần đối mặt với tử thần. Có lần, đang truy đuổi đối tượng cướp giật ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh) thì bị 2 tên cướp cố tình dẫn dụ vào nơi vắng để tấn công ngược lại. Nhận thấy nguy hiểm, anh quay đầu xe, tri hô nhờ người dân can thiệp.
Hay như đợt truy đuổi 2 đối tượng vừa giật túi xách của một nữ du khách nước ngoài trên đường Cách Mạng Tháng 8. Anh Nghĩa vô tình bị bọn chúng dẫn về một hẻm cụt trong khu Bắc Hải (quận 10) và bị các tên cướp tấn công. Kết quả, lúc tỉnh dậy, anh thấy mình nằm trong bệnh viện, một chân bị bó bột, cánh tay đau nhức do lãnh nhiều vết chém.
“Hiện nay, các đối tượng rất manh động, sẵn sàng tấn công lại khi ai có ý định đuổi bắt. Chúng trang bị cả súng, dao bấm, bình xịt hơi cay để gây án. Trong khi anh, em "hiệp sĩ" không được phép dùng các công cụ hỗ trợ nói trên, chỉ có thể dùng tay không "đấu" lại nên gặp nhiều nguy hiểm”, anh Nghĩa nói, đồng thời cho hay, để có thể bắt được đối tượng trộm cướp mỗi lần ra đường ít nhất từ 5 - 7 anh em tham gia hỗ trợ nhau.
“Không chỉ sau khi vụ việc vừa rồi xảy ra mà từ trước đây, anh em “hiệp sĩ” đều mong muốn cơ quan chức năng hỗ trợ cho anh em công cụ bảo vệ để khi đối tượng manh động, mọi người có phương tiện chống đỡ”, trưởng nhóm “hiệp sĩ” Tân Bình nói.
"Còn sức là còn bắt cướp"
Khi tôi hỏi, sau sự việc này, liệu các thành viên trong nhóm “hiệp sĩ” Tân Bình còn đủ niềm tin, dũng khí theo đuổi công việc “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, vừa vất vả vừa nguy hiểm, anh Hoàng Kiên (quê Hà Nội), một thành viên nhóm “hiệp sĩ” Tân Bình cho hay, nhiều năm tham gia bắt cướp, từng bị thương khá nặng nhưng không bao giờ suy nghĩ tới chuyện bỏ cuộc.
Kiên cho rằng, việc làm này rất thiết thực cho xã hội hiện nay. Hoàn cảnh anh em trong đội và gia đình cũng khó khăn, song quyết tâm vượt qua, động viên anh em để hoạt động của đội được duy trì. Chúng tôi càng phải quyết tâm hơn nữa để loại bỏ những tội phạm cướp giật, hung ác. Thậm chí là phải xả thân vì cộng đồng”, Kiên nói.
“Hiệp sĩ” Văn Tuyên (nhóm “hiệp sĩ” Tân Bình) chia sẻ, chứng kiến cảnh nạn nhân đau đớn, khóc lóc giữa đường chỉ vì bọn tội phạm cướp giật vừa ra tay cướp đi của cải quý giá nhất của họ, anh không cầm lòng được. Vì vậy, anh quyết tâm làm một việc gì đó, thậm chí là phải xả thân vì cộng đồng, xem như một phần giúp đỡ nhỏ của mình, mong sẽ làm giảm nhẹ một phần thiệt hại và đau đớn cho họ. Sau sự việc này, anh không nao núng, và khẳng định “còn sức là còn bắt cướp”.
Còn bà Trương Thị Xí quả quyết: "Nếu sau này lành lặn ổng tiếp tục đi bắt cướp tui cũng ủng hộ để những hy sinh của các anh em nằm xuống không vô nghĩa".
Trước ý kiến cho rằng, tội phạm cướp giật ở TPHCM đang ngày càng gia tăng gây hoang mang dư luận, thiếu tướng Phan Anh Minh cho rằng, thống kê của Công an TPHCM, số vụ cướp giật thời gian gần đây biến động, khi tăng khi giảm, song xu hướng đang dần giảm. Tuy nhiên, giảm về số vụ, không giảm tính chất. Có những vụ, tội phạm rất manh động, ra tay man rợ như vụ chặt tay ở cầu Phú Mỹ, sẵn sàng giết người cướp của ở đường Cộng Hòa (quận Tân Bình)...
Thiếu tướng Phan Anh Minh cũng thừa nhận, vấn đề an ninh trật tự, an toàn xã hội ở TPHCM còn nhiều việc phải giải quyết. TP cần có giải pháp căn cơ cắt đứt “mầm phát sinh” thêm tội phạm. Còn việc trấn áp chỉ giải quyết ở phần ngọn, không ổn.
Theo ông Minh, một trong những nguyên nhân phát sinh tội phạm từ những người nghiện ma túy. Theo thống kê, có tới 30 - 50%, thậm chí cao hơn những người nghiện ma túy là tội phạm cướp giật, trong khi chính sách pháp luật với người nghiện ma túy chưa tốt.
Trước đây, TP có những điểm cai nghiện hoạt động hiệu quả. Có trung tâm cai nghiện có tới 30.000 người cai nghiện. Nhưng hiện nay, những trung tâm này, người đến cai nghiện rất ít, trong khi đó số lượng người nghiện ma túy không giảm, nhất là khi các tụ điểm vui chơi như quán bar, sàn nhảy mọc lên như “nấm sau mưa”.
Ngoài ra, người nhập cư đông cũng là nguyên nhân phát sinh tội phạm. Những người nhập cư không được chăm sóc giáo dục đúng mức dễ dẫn đến những hành vi trái pháp luật.
Hậu quả từ vụ 2 "hiệp sĩ" bị đâm chết, được thiếu tướng Phan Anh Minh nhìn nhận đây là bài học cho ngành công an. Do đó thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh quy chế cho mô hình hiệp sĩ. Nếu lực lượng này được công nhận, công an sẽ cố gắng vun đắp, bảo vệ để phát triển, hạn chế tối đa thiệt hại.
"Hiệp sĩ" đường phố: Tinh thần trượng nghĩa thời nào cũng cần!
Giữa vòng xoáy của cuộc sống khắc nghiệt, con người đang phải vật lộn từng giờ để kiếm sống, hành động xả thân không vì ... |
Bản án nào cho kẻ trộm xe SH khiến 5 "hiệp sĩ" đường phố thương vong?
Tài vừa dắt chiếc xe SH trộm được xuống đường thì bị các "hiệp sĩ" đường phố phát hiện. Bị vây bắt, Tài chống trả ... |
TP.HCM nêu gương \'hiệp sĩ\' đường phố anh dũng truy bắt tội phạm
Sở GD&ĐT TP.HCM vừa ra văn bản gửi các trường giáo dục học sinh, sinh viên về lòng dũng cảm truy bắt tội phạm của ... |
Hé lộ gia cảnh ít biết của kẻ đâm 5 "hiệp sĩ đường phố" Sài Gòn thương vong
Tài “mụn” - kẻ đâm chết 2 "hiệp sĩ" Sài Gòn từng có một tiền án về tội “trộm cắp tài sản” và một tiền ... |
Các câu lạc bộ \'hiệp sỹ\' Bình Dương được pháp luật công nhận
Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết Các câu lạc bộ Phòng chống tội phạm trên địa bàn tỉnh Bình Dương hoạt động ... |