Việc khai thác cát và bán được giá sẽ không là gì nếu so với cái giá mà môi trường phải trả
Hình ảnh những con đường, ngôi làng yên bình nằm dọc sông Praek Tuek Chhu ở tỉnh Kampot, miền Nam Campuchia, khiến người ta có cảm giác khung cảnh nhộn nhịp xuất phát từ sự phát triển kinh tế nhanh chóng tại những địa phương khác ở Đông Nam Á khó có thể xuất hiện tại nơi này.
Tuy nhiên, sự yên tĩnh đó đã bị phá vỡ từ 7 năm trước khi Kampot đón nhận hàng loạt dự án phát triển hạ tầng, trong đó có việc khôi phục tuyến đường sắt kết nối với thủ đô Phnom Penh.
Sự phát triển nhanh chóng theo sau đó đòi hỏi một lượng lớn vật liệu thô, đặc biệt là cát, để làm xi măng và bê tông. Và ở Kampot, hình ảnh sà lan nạo vét cát từ cửa sông Praek Tuek Chhu trở nên quen thuộc.
Khai thác cát tại thủ đô Colombo - Sri Lanka Ảnh: REUTERS
Khi quá trình phát triển lan rộng, việc khai thác nguồn tài nguyên dường như vô tận này ngày càng mang lại nhiều lợi nhuận. Trong suốt thời gian này, Campuchia cũng xuất khẩu cát sang Singapore - quốc đảo có nhu cầu sử dụng cát cao để mở rộng lãnh thổ thông qua các đảo nhân tạo.
Trong lúc các giao dịch vẫn diễn ra, phần lớn trên thị trường chợ đen, chính phủ Campuchia đã phớt lờ những cảnh báo của các nhà hoạt động về ảnh hưởng tiêu cực của hoạt động khai thác cát đối với môi trường và xã hội.
Theo một cuộc điều tra năm 2016, Singapore được cho là đã nhập khẩu lượng cát trị giá 752 triệu USD từ Campuchia. Tuy nhiên, Phnom Penh cho biết chỉ xuất khẩu lượng cát trị giá 5,5 triệu USD sang đảo quốc sư tử. Sự chênh lệch này buộc giới chức Campuchia ngưng mọi hoạt động xuất khẩu cát vào tháng 7-2017 sau khi bị người dân phản đối.
Những quốc gia khác ở châu Á, chẳng hạn Indonesia và Ấn Độ, cũng ban hành lệnh cấm hoặc hạn chế xuất khẩu cát vì môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Động thái này diễn ra vào thời điểm kinh tế châu Á tăng trưởng nhanh chóng với không ít kế hoạch mở rộng cơ sở hạ tầng khổng lồ đang được xúc tiến. Nhiều dự án trong số này, trong đó có tuyến đường sắt cao tốc kết nối Lào và Thái Lan, Kuala Lumpur - Malaysia và Singapore được đẩy nhanh tiến độ sau khi Trung Quốc vào năm 2017 điều chỉnh sáng kiến Vành đai và Con đường, một kế hoạch nhằm thúc đẩy thương mại và ngoại giao với hơn 60 quốc gia ở châu Á, châu Phi và Trung Đông.
Trong năm nay, vấn đề sẽ trở nên tồi tệ hơn khi nhu cầu cát tiếp tục gia tăng, đặc biệt là ở châu Á, trong bối cảnh nguồn tài nguyên này không còn dồi dào và sẵn có như trước. Theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc năm 2014, cát và sỏi đã qua mặt nhiên liệu hóa thạch và sinh khối để trở thành những tài nguyên bị khai thác nhiều nhất thế giới. Đáng lo hơn, chúng đang bị khai thác nhanh hơn tốc độ hồi phục.
Các quốc gia châu Á góp phần không nhỏ vào tình trạng khan hiếm cát hiện nay. Chẳng hạn, dân số thủ đô New Delhi - Ấn Độ tăng gấp 3 lần trong 25 năm qua. Trong khi đó, diện tích lãnh thổ của Singapore tăng 25% trong vòng 200 năm qua nhờ cải tạo đất. Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Freedonia Group (Mỹ), châu Á sử dụng hơn 70% lượng cát được khai thác để xây dựng trên toàn thế giới trong năm 2014. Trong số này, Trung Quốc là quốc gia sử dụng nhiều cát nhất.
Xu hướng này nhiều khả năng sẽ tiếp tục trong những năm tới. Châu Á được dự báo chiếm gần 60% chi tiêu cho cơ sở hạ tầng toàn cầu vào năm 2025, chủ yếu được thúc đẩy bởi xuất phát từ quá trình phát triển của Trung Quốc. Tính riêng năm 2019, châu Á sẽ cần gần 11 triệu tấn cát và chỉ Trung Quốc thôi sẽ sử dụng gần 8 triệu tấn trong số này, theo Freedonia Group.
Trong bối cảnh nhu cầu đang tăng và nguồn cung hạn chế, giá cát được dự đoán là sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, nhất là tại các nước đang phát triển. Tác động của vấn đề này đối với các dự án hạ tầng của mỗi quốc gia phụ thuộc vào ngân sách của họ. Là quốc gia nhập khẩu cát lớn nhất thế giới, Singapore có lẽ sẽ phải chi nhiều tiền hơn để tiếp tục mở rộng quy mô lãnh thổ. Ngoài ra, vấn đề thiếu cát có thể đe dọa đến một số dự án phát triển lớn nằm trong sáng kiến Vành đai và Con đường.
Sự thiếu hụt cũng làm gia tăng tình trạng khai thác cát trái phép tại châu Á. Điều này có thể ảnh hưởng xấu đến chất lượng vật liệu xây dựng và sự ổn định của các công trình được xây bởi những vật liệu này. Ngoài ra, mức giá cao hơn của cát sẽ không là gì nếu so với cái giá môi trường phải trả.
Nhiều nước ở khu vực này bắt đầu nhìn thấy tác động. Ở Indonesia, nhiều hòn đảo gần thủ đô Jakarta đã biến mất vì hoạt động khai thác cát trái phép. Ở Trung Quốc, hành vi này khiến mực nước hồ Bá Dương - hồ nước ngọt lớn nhất đại lục - sụt giảm nhanh chóng. Trong khi đó, hoạt động khai thác cát ở tỉnh Koh Kong - Campuchia đã gây ra nhiều tác động môi trường dài hạn đối với những khu vực ven sông và biển.
Làm du lịch nhưng lại tàn phá tài nguyên du lịch
Sự việc Cty Thẩm Gia tự ý hút cát ở bãi nuôi trồng thủy sản của người dân để làm dự án du lịch, khiến ... |
17 người bị tạm giữ khi hút cát trái phép trên biển Cần Giờ
Ngày 29/11, Bộ đội Biên phòng TP HCM bắt quả tang ba sà lan đang bơm hút cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ. |
Bắt sà lan gắn vòi rồng hút cát trái phép tại biển Cồn Ngựa
Theo lực lượng chức năng, đây là sà lan thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thường xuyên bơm hút cát trái phép trên địa ... |