Hành xử với thương hiệu

Sự việc ông chủ thương hiệu KhaiSilk thừa nhận dùng lụa Trung Quốc giả lụa Việt Nam để bán với giá đắt vừa qua khiến dư luận xã hội rất bức xúc. Một phần người ta bức xúc với việc phải bỏ vài trăm nghìn, thậm chí cả triệu đồng để mua tấm lụa Trung Quốc chỉ có giá vài chục nghìn đồng, song lớn hơn là sự bất bình bởi thái độ làm ăn thiếu đứng đắn, thiếu tôn trọng khách hàng, “treo đầu dê, bán thịt chó” của nhãn hàng này.

Người sáng lập KhaiSilk đang phải đối mặt là một thương hiệu nổi tiếng đã bị chính ông chủ của nó ném vào sọt rác.

Nói đến thương hiệu KhaiSilk thì những người sành sỏi, chịu chơi mấy ai không biết. Điều này có nghĩa là nhãn hàng đã xây dựng được một thương hiệu mạnh, từng được vinh danh hàng Việt Nam chất lượng cao, tạo được chỗ đứng ở thị trường lụa trong nước. Chẳng thế mà rất nhiều người Việt chọn mua khăn lụa KhaiSilk để làm quà mỗi khi có dịp ra nước ngoài, hay tiếp đãi bạn bè, người thân ở ngoại quốc như một kỷ vật biểu trưng cho sự cao sang, quyền quý. Từ doanh nhân, du khách nước ngoài, cho tới các chính trị gia đều tỏ ra yêu thích khăn lụa KhaiSilk.

Về mặt lý thuyết, một doanh nghiệp muốn xây dựng được thương hiệu mạnh không chỉ phải mất rất nhiều thời gian, tâm sức, tiền bạc, quan trọng hơn cả là uy tín với khách hàng. Và KhaiSilk cũng không là ngoại lệ. Để chiếm được cảm tình của người tiêu dùng, xây dựng được một thương hiệu nổi tiếng như ngày hôm nay, chắc chắn ông chủ của nhãn hàng KhaiSilk cũng đã phải bỏ ra không biết bao nhiêu tâm huyết. “Xây” thì lâu mà nhọc nhằn đến vậy, ấy thế mà thương hiệu KhaiSilk từng “nổi đình, nổi đám” đó lại tan tành như bong bóng xà phòng trong phút chốc chỉ vì cái lợi trước mắt.

Dù ông chủ của nhãn hàng KhaiSilk đã rất “lễ phép” theo kiểu của người Nhật là cúi đầu xin lỗi, đồng thời giải thích việc “bất đắc dĩ” phải nhập lụa Trung Quốc bán lẫn với hàng Việt Nam là do nguồn cung trong nước không đủ, rằng đã kiểm duyệt kỹ mẫu mã, chất lượng trước khi nhập lụa Trung Quốc... cũng không làm nguôi đi cơn giận của cộng đồng xã hội. Thà ông chủ của KhaiSilk chỉ cúi đầu xin lỗi và hứa sẽ bồi thường cho khách hàng, chứ đừng lý giải này nọ, có khi lại nhận được sự cảm thông, chia sẻ của mọi người. Càng giải thích thì chỉ càng khiến dư luận xã hội thêm giận dữ.

Người ta tức giận cũng là tâm lý dễ hiểu, khi cho rằng ông chủ của nhãn mác KhaiSilk đang cố ngụy biện cho hành vi gian dối trong kinh doanh của mình. Và lẽ tất nhiên là cách nghĩ đó dẫu có hơi “quá tả” nhưng cũng hoàn toàn có lý. Trong kinh doanh, khi anh đã “trưng” ra sản phẩm thế nào thì phải đảm bảo tuyệt đối chất lượng, mẫu mã sản phẩm đó đúng với những gì đã cam kết. Theo lẽ đó, anh phải tự cân đối nguồn cung, nguồn cầu để vừa đảm bảo việc kinh doanh của mình, song cũng vừa phải đảm bảo chất lượng sản phẩm. Đó là lý do người ta không thể chấp nhận lời giải thích của người sáng lập nhãn mác KhaiSilk về nguồn hàng trong nước không đủ cung cấp.

Lẽ tất nhiên là việc nhãn hàng KhaiSilk “treo đầu dê, bán thịt chó” sẽ phải chịu sự chế tài của pháp luật về hành vi gian lận thương mại, giả nguồn gốc, xuất xứ... Và tất nhiên KhaiSilk cũng sẽ phải bồi thường cho khách hàng khoản tiền không nhỏ từ hành vi gian dối đó. Song, cái quan trọng hơn, cái mất nhiều hơn mà người sáng lập KhaiSilk đang phải đối mặt là một thương hiệu nổi tiếng đã bị chính ông chủ của nó ném vào sọt rác chỉ trong tích tắc.

Còn mất mát nào lớn hơn đối với một nhãn mác hàng hóa, một doanh nghiệp, hay lớn hơn là một thương hiệu, khi mà người tiêu dùng quay lưng lại với sản phẩm của họ? Sự tẩy chay của người tiêu dùng không chỉ dừng lại ở lòng tự tôn của ông chủ thương hiệu bị tổn hại, mà còn khiến bất cứ ông chủ nào “trường vốn” nhất cũng phải tiêu tan, phá sản. Kinh doanh là phải có sự quay vòng vốn, phải giải phóng kho thì mới có thể tái đầu tư, còn nếu sản xuất bao nhiêu cũng chỉ chất kho để ngắm thì việc phá sản doanh nghiệp là điều có thể nhìn thấy trước được.

Hệ lụy xấu là vậy, song có vẻ như không phải doanh nhân nào cũng biết và ý thức được điều này. Trên thực tế, KhaiSilk không phải là trường hợp đầu tiên, cũng không phải là doanh nghiệp duy nhất có kiểu làm ăn gian dối, chộp giật. Chẳng thế mà sản phẩm của nhiều doanh nghiệp Việt Nam rất khó vươn xa ra ngoài khu vực và thế giới. Từng có dịp tiếp xúc với một số tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài, đa số họ đều kêu trời vì không ít doanh nghiệp Việt Nam đánh mất thị trường chỉ sau một thời gian rất ngắn. Phải rất vất vả mới thâm nhập được vào thị trường nước bạn, vậy mà chỉ đảm bảo được vài chuyến hàng đầu tiên, sau đó các doanh nghiệp bắt đầu trà trộn hàng kém chất lượng gây mất uy tín để rồi bị “cấm cửa”.

Người ta nói, xây thì lâu chứ phá thì mấy, để xây dựng được một thương hiệu đã khó, giữ được thương hiệu càng khó hơn. Trong trường hợp cụ thể của KhaiSilk thì có thể chắc chắn một điều rằng, thương hiệu này khó có cơ may ngóc đầu dậy được sau vố scandal vô cùng nghiêm trọng này. Một thương hiệu nổi tiếng như vậy mà còn làm ăn gian dối đã gióng lên hồi chuông báo động về đạo đức kinh doanh của không ít ông chủ doanh nghiệp Việt hiện nay. Đừng vì tham cái lợi trước mắt mà đánh mất bản sắc, uy tín của doanh nghiệp, phá hỏng thương hiệu phải dầy công gây dựng. Chẳng phải các cụ vẫn thường nói “ăn ít no lâu” đấy sao? Đừng chọn giải pháp “ăn nhiều” để rồi phải “lo lâu”. Thương hiệu cũng cần một lối hành xử đúng đắn.

Ai tiếp tay cho Khaisilk?

Có thể lòng tham lam đã đẩy Khaisilk vào sự gian dối kéo dài dẫn tới vụ bê bối chấn động ngày nay. Nếu chỉ ...

Bộ trưởng Công Thương: Vụ việc Khaisilk gây \'tổn hại giá trị thương hiệu Việt\'

Hành vi bán hàng Việt nhưng nguồn gốc "made in China" của Khaisilk sẽ được xem xét, xử lý nghiêm sau khi có kết luận ...

http://daidoanket.vn/tin-tuc/goc-nhin-dai-doan-ket/hanh-xu-voi-thuong-hieu-383997

/ Lê Anh Đức/daidoanket.vn