"Làm được đồng nào, ngoài gửi về giúp mẹ trả nợ, tôi dồn hết cho việc học ngoại ngữ và đào tạo chuyên môn sâu", chị Lan viết.
Bài viết dưới đây là chia sẻ của chị Phương Lan, 32 tuổi, đang sống tại quận 9, TP HCM về thành quả tài chính thu được nhờ sự đầu tư vào giáo dục cho bản thân và cách chi tiêu hợp lý.
Tôi 32 tuổi, đang làm việc tại một công ty nước ngoài với mức lương gần 20 triệu một tháng. Tôi cũng sắp bán một mảnh đất giá 1,1 tỷ đồng.
Tôi quê Bạc Liêu, lớn lên trong gia đình có của ăn của để nên tính cách khá tiểu thư, từ bé tới hết cấp 3 hầu như không phải lo nghĩ gì.
Năm 20 tuổi, sau khi tốt nghiệp cao đẳng ngành kinh tế tại Sài Gòn, tôi bắt đầu đi làm tại một công ty tư nhân, đồng thời tiếp tục học liên thông hai năm lên đại học. Đây là hai năm cơ cực nhất vì lương tôi còn thấp, ba mới mất, gia đình nợ nần do việc làm ăn trước đây của ba đổ bể. Tôi đi làm chăm chỉ, ở nhờ nhà một chị hàng xóm thân thiết ở quê đang lập nghiệp tại Sài Gòn, được đồng nào đều gửi về quê phụ mẹ. Sau khi ba tôi mất, gặp cú sốc quá lớn nên mẹ lao đao, đau ốm suốt.
Tốt nghiệp đại học, tôi chuyển qua một công ty khác, lương cao hơn một chút. Tuy nhiên, tôi làm ra bao nhiêu hết bấy nhiêu vì đầu tư vào việc học tiếng Anh trong hơn một nămdo muốn có đủ trình độ làm cho công ty nước ngoài.
Trong thời gian làm việc 2 năm ở đây, ngoài tiền học, tôi còn gửi tiền về phụ gia đình, thuê nhà vì chị hàng xóm đã đi lấy chồng, không thể ở nhờ nữa. Thời điểm này, thấy công ty cổ phần mình đang làm phát hành cổ phiếu, tôi mua 1.200 cổ phiếu để lấy cổ tức từ khoản chia lãi hằng năm, coi như có tiền tiêu Tết.
Khi vốn tiếng Anh đủ dùng, tôi nhảy việc sang một công ty nước ngoài, lương cao gần gấp đôi chỗ cũ. Thời điểm này, tôi lại bỏ tiền đi học chương trình quản trị chuỗi cung ứng dù học phí rất cao, gần 5.000 USD (gần 114 triệu đồng) trong vòng 18 tháng. Vì thế, tôi không để dành được đồng nào và phải làm thêm giờ khá nhiều mới có tiền gửi về quê hỗ trợ cho gia đình.
Ảnh minh họa: Book Riot. |
Sáu năm kể từ khi bắt đầu đi làm, sau khi nhận chứng chỉ khóa học quản trị chuỗi cung ứng, tôi mới bắt đầu có tích lũy. Lúc này, năm 2013, thu nhập của tôi là 13 triệu đồng/tháng. Tôi để ra 6 triệu cho các chi phí cố định như tiền nhà, điện nước, ăn uống, xăng xe, đi lại, sinh hoạt, một triệu làm chi phí dự phòng, còn lại gửi tiết kiệm hết. Tôi được công ty đóng bảo hiểm nên không phải lo việc khám, chữa bệnh.
Cứ như vậy, đến cuối năm 2015 thì tôi có 150 triệu trong tài khoản tiết kiệm. Nói thêm là, năm 2014, công ty cũ phát hành thêm cổ phiếu, tôi được mua theo quyền cổ đông nên đã tích góp được 3.000 cổ phiếu, hưởng cổ tức hằng năm 9 triệu và dùng khoản này để biếu Tết mẹ.
Giữa 2015 công ty cũ lên sàn, cổ phiếu được định giá cao nên tôi đã bán hết, thu về 200 triệu đồng.
Cuối năm 2015, cộng với khoản tiết kiệm, tôi có hơn 350 triệu và bắt đầu nghĩ đến chuyện mua đất.
Sau một tháng chạy xem đất ở nhiều nơi, tôi quan tâm tới một mảnh ở quận 9, gần công ty mình.
Lúc này giá đất ở đây chưa sốt cao nhưng tôi thấy giao thông khu vực này đang được đầu tư mạnh nên đặt nhiều hy vọng. Tôi cũng có một số
đồng nghiệp sống ở vùng đó nên tiện hỏi thăm.
Mảnh đất của tôi nằm ở một con đường đất là đường nhánh của trục đường nhựa chính. Trước đây, nó là một khu ruộng nên cư dân thưa thớt. Tuy nhiên, tôi thấy cách đó khoảng 2 km ngoài đường trục chính thì dân cư khá đông đúc, có chợ, bệnh viện, trường học. Tôi cũng nghe nói đường đất năm sau sẽ được đổ nhựa.
Tìm hiểu kỹ hơn, biết chủ đầu tư dự án mình định mua là một công ty bất động sản nhỏ nhưng uy tín, tôi quyết định mua mảnh đất trị giá 600 triệu.
Như vậy, tôi còn thiếu 250 triệu. Mượn của người thân 50 triệu không phải gánh lãi, phần còn lại, tôi nhờ mẹ thế chấp nhà ở quê để vay ngân hàng và đặt mục tiêu sẽ trả hết trong 2 năm.
Lúc này, tôi đạt thu nhập khá hơn trước nhờ có kiến thức và chứng chỉ về quản trị chuỗi cung ứng nên tự tin nắm bắt cơ hội, được thăng chức. Thực sự, tôi thấy đầu tư cho việc học tốn kém nhưng không hề lỗ.
Dù vậy, việc tiết kiệm trả nợ vẫn khá gian nan.
Vì thời gian này mẹ và em trai xây dựng một trang trại nhỏ ở quê, cần tiền đầu tư lớn nên tôi cũng phải hỗ trợ gửi về mỗi năm vài chục triệu.
Thu nhập lúc đó là 19 triệu/tháng, cứ lĩnhlương xong là tôi gửi tài khoản online 10 triệu để trả nợ rồi chuyển khoản cho mẹ 2 hoặc 3 triệu. Tôi gói gọn chi tiêu ở mức 5-6 triệu/tháng, bao gồm cả tiền thuê nhà.
Trong hai năm 2014-2015, do dư dả một chút nên tôi thuê trọ một mình, hết 2-2,5 triệu/tháng. Khi bắt đầu phải trả nợ, tôi về ở ghép với bạn, hết 1,5 triệu, còn lại 3,5 - 4,5 triệu cho ăn uống, xăng xe, sinh hoạt.
Tôi thường mua quần áo, giày dép đủ dùng, không mua sắm tràn lan, không chạy theo đồ công nghệ, xe đẹp. Hiện tôi vẫn chạy chiếcxe Yamaha mua từ hồi 2007. Điện thoại tôi không bao giờ mua đắt hơn 5 triệu và chỉ hỏng mới mua mới. Nguyên tắc của tôi là chi tiêu hợp lý, không phung phí tiền vào những thứ không cần thiết như ipad, đồ hiệu, nước hoa. Chỉ riêng với ăn uống thì tôi không tiếc tiền vì thích đồ ngon và muốn đảm bảo sức khỏe nhưng sẽ tự nấu cho tiết kiệm.
Tôi có một con heo đất, mỗi quý có tiền trợ cấp lặt vặt được khoảng hơn một triệu thì đều nhét vào đó hoặc đến kỳ lĩnh lương tháng này mà tháng trước dư ra vài trăm tôi cũng đút heo.
Ngoài ra, trước giờ tôi vẫn có một tài khoản chơi chứng khoán chỉ 20 triệu đồng, cứ mua đi bán lại thì cuối năm cũng dư ra được 3-4 triệu tiền lãi, đem gửi ngân hàng. Tất cả số này dồn lại đủ cho mỗi năm tôiđi du lịch 2 lần để làm mới bản thân và tái tạo năng lượng.
Đúng hai ngày trước, tôi vừa trả khoản vay cuối cùng, vượt mục tiêu, trả hết nợ trong vòng 22 tháng.
Mảnh đất của tôi hiện có người đặt cọc mua với giá 1,1 tỷ đồng. Tôi bán đi vì thấy khu vực này bắt đầu bão hòa, giá còn tăng nhưng không được nhiều như trước. Thật nhẹ nhõm khi vừa hết nợ lại thu được một khoản to. Tôi đang lùng mua tiếp mảnh đất khác ở ngoại ô để đầu tư.
Tôi cũng thích có một căn nhà nhưng giờ độc thân thấy mua nhà rồi ở một mình rất phí mà cho thuê thì phức tạp chuyện quản lý. Vì thế, tôi sẽ vẫn ở thuê, tiền để đầu tư vào đất đai.
Nếu sau này lập gia đình thì xây nhà trên đất đó hoặc có thể bán đi, mua chỗ khác.
Tôi đang học thêm ngoại ngữ thứ 3 và muốn sau 40 tuổi sẽ chuyển sang làm công việc có giờ giấc linh hoạt, không phải gò bó thời gian ở văn phòng nữa. Khi đó, với sự ổn định về tài chính, tôi có thể ra ngoại ô ở, sống cuộc đời mình thích, trong căn nhà nhỏ xinh với mảnh vườn trồng rau, trồng hoa, nuôi vài chú cún, có thời gian cho gia đình, cùng nhau đi du lịch.
Nhiều người thân, bạn bè bảo tôi thay vì lo làm kinh tế, hãy lấy chồng. Thực lòng, tôi không muốn sống độc thân cả đời, thích có gia đình, con cái, chỉ là không thể nhắm mắt lấy đại một người cho xong việc. Tôi muốn lấy một người mình yêu và người đó cũng phải yêu thương mình, nếu không thì sẽ ở vậy. Tôi nghĩ rằng mình có độc lập, tạo dựng được tài sản thì sau này lấy chồng cũng đỡ vất vả hơn.
Bí kíp du lịch bụi, tiết kiệm tiền ở Nhật Bản
Nhật Bản là điểm đến khá đắt đỏ, nhưng nếu biết cách, bạn sẽ có một chuyến du lịch đáng nhớ mà không tốn quá ... |
Giá như tôi có thể chăn lợn như em
Dù người đời có nói hươu nói vượn về kinh nghiệm sống và sự chủ động trong công việc cũng không làm suy suyển sự ... |
Lương IT nghìn USD nếu thành thạo Cloud, Big Data, AI
Nhiều nhà tuyển dụng đang sẵn sàng chi mức lương nghìn USD cho ứng viên nhiều kinh nghiệm về các công nghệ "nóng" thời 4.0 ... |
https://giadinh.vnexpress.net/tin-tuc/tieu-dung/hanh-trinh-co-tien-ty-cua-co-gai-6-nam-dau-di-lam-khong-du-dong-nao-3658127.html