Chuyên gia xây dựng cùng chủ đầu tư cho rằng việc hầm Hải Vân có hàng trăm vết nứt không bất thường mà phần lớn là nứt lớp sơn phủ epoxy, thậm chí nhiều vết nứt có từ khi mới xây xong hầm.
Các vết nứt trong hầm Hải Vân. |
Trao đổi với báo Lao Động PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, hiện tượng nứt trên bê tông như ở hầm Hải Vân là không bất thường do ảnh hưởng của hiện tượng co ngót - phản ứng tự nhiên của bê tông hoặc do tác động nhiệt. Các vết nứt này có thể “chấp nhận được trong phạm vi giới hạn” và không ảnh hưởng tới kết cấu công trình.
Còn theo ông Lê Quỳnh Mai, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cho biết, việc nổ mìn mở rộng hầm Hải Vân 2 chắc chắn có ảnh hưởng tới hầm 1 nhưng từ lúc bắt đầu thi công tháng 12.2016 tới nay, nhà thầu đã thực hiện 400 lượt nổ mìn và đều được giám sát chặt chẽ nên không gây nguy hiểm tới kết cấu hầm. Các vụ nổ không vượt quá rung chấn 36m/s và được chủ đầu tư giám sát chặt chẽ.
Theo ông Mai, đơn vị này đã thuê chuyên gia Đức quét lazer và đánh dấu 300 vết nứt ở hầm Hải Vân. Trong số 300 vết nứt được phát hiện, có 8 vết nứt có thể gây nguy hiểm đã được sửa chữa và nghiệm thu. Với vết dập vỏ trứng, đơn vị quản lý đã gia cố bằng ốp tấm thép còn các vết nứt nhỏ hơn bị đánh giá có thể gây nguy hiểm được xử lý bằng lưới sợi thuỷ tính dán lên.
Phần lớn các vết nứt được nhận định là do bong lớp sơn epoxy - lớp sơn tạo độ tương phản cho hầm. Loại sơn này đã được dùng 12 năm trong khi tuổi thọ chỉ 5 năm nên việc bị nứt được cho là tất yếu và nhiều vết nứt “trông có vẻ lớn nhưng thực ra là nhỏ vì vết bong sơn có thể rộng 10cm nhưng vết nứt thực của bê tông rất nhỏ”.
Nhiều vết nứt được cho là có từ năm 2005 chứ không phải mới xuất hiện và đơn vị quản lý tiếp tục theo dõi, tìm nguyên nhân để khắc phục.
Hầm đèo Hải Vân được xây dựng từ năm 1999 đến 2005 bằng vốn vay ODA Nhật Bản với 1 đường hầm. Từ tháng 1.2016, việc quản lý hầm Hải Vân được giao cho Công ty CP Đầu tư Đèo Cả.
Đến tháng 5.2016, Công ty CPĐT Đèo Cả thực hiện khảo sát toàn bộ các vết nứt trong hầm bằng thiết bị quét tự động và phát hiện trong hầm có một số vết nứt, trong đó 8 vết nứt ở trạng thái bất lợi, cần sửa chữa để tránh rủi ro về an toàn kết cấu.
Tới tháng 12.2016, việc sửa chữa 8 vết nứt đã hoàn thành, được Bộ GTVT và Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước nghiệm thu.
Hiện công ty Đèo Cả đang mở rộng đường hầm thứ 2 vốn là hầm thoát hiểm với quy mô 4 làn xe theo hình thức BOT cùng tổng mức đầu tư khoảng 7.293 tỉ đồng.
Hầm Hải Vân chằng chịt vết nứt
Cách cửa phía Nam của hầm đường bộ Hải Vân chừng 200m đang có hàng loạt vết nứt trải dài. Nhiều vết nứt đan xen ... |
Hầm Hải Vân bị nứt có đáng lo ngại?
Sau gần 12 năm đưa vào khai thác, hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á - Hải Vân - xuất hiện hàng loạt vết ... |
https://laodong.vn/kinh-te/hang-tram-vet-nut-ham-hai-van-khong-bat-thuong-572110.ldo