Không chỉ hàng hóa Thái Lan ồ ạt vào Việt Nam, thời gian qua các tỷ phú Thái Lan cũng đồng loạt thâu tóm ngành bán lẻ trong nước của chúng ta.
Việt Nam nhập siêu lớn từ Thái Lan
Sáng ngày 15/9, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã chủ trì cuộc họp với Lãnh đạo một số đơn vị liên quan trong Bộ để tìm nguyên nhân nhập siêu từ Thái Lan trong thời gian qua và bàn các giải pháp nâng cao sự cạnh tranh của hàng Việt, thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Thái Lan, hướng tới mục tiêu cân bằng hơn cán cân thương mại giữa hai nước.
Theo báo cáo của Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, trong 8 tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt khoảng 9,64 tỷ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang Thái Lan đạt khoảng 3,07 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan đạt 6,57 tỷ USD.
Việt Nam nhập siêu từ Thái Lan 3,5 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2016. Năm nhóm mặt hàng nhập khẩu lớn nhất từ Thái Lan trong 8 tháng đầu năm 2017, góp phần lớn vào giá trị nhập siêu từ Thái Lan là hàng điện gia dụng và linh kiện (646 triệu USD), rau quả (618 triệu USD), ô tô nguyên chiếc (432 triệu USD), xăng dầu các loại (406 triệu USD), chất dẻo nguyên liệu (403 triệu USD), linh kiện phụ tùng ô tô (340 triệu USD).
Báo cáo cũng chỉ ra nhiều mặt hàng trong nước đã sản xuất được tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn nhập khẩu từ Thái Lan như các mặt hàng điện, điện tử gia dụng và linh kiện, rau quả, máy vi tính, sản phẩm nhựa, sắt thép, các sản phẩm gia dụng như chất tẩy rửa, mỹ phẩm, đồ dùng nhà bếp, sản phẩm nội thất…
Trong năm 2016, riêng tổng kim ngạch của 4 nhóm mặt hàng nhập khẩu lớn nhất từ Thái Lan là hàng điện gia dụng và linh kiện, linh kiện phụ tùng ô tô, ô tô nguyên chiếc, rau quả đã chiếm tới 30% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan.
Hàng hóa Thái Lan tràn ngập Việt Nam |
Đối với rau quả, năm 2016, Việt Nam nhập khẩu 410 triệu USD (chiếm 44,3% tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả của Việt Nam từ thế giới, gấp 10 lần kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Thái Lan trong năm 2016).
Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Thái Lan các loại rau quả gồm: các loại đậu hạt, nấm, sầu riêng, dâu tây, chôm chôm, bòng bong, nhãn, măng cụt, mít, me, mận, mơ, xoài, bơ, ổi, chà là, bưởi, cam, dừa, hạt điều... Trong khi đó, Thái Lan chỉ mới cấp phép cho thanh long, vải và nhãn của Việt Nam được chính thức nhập khẩu vào thị trường Thái Lan. 8 tháng đầu năm 2017, nhập khẩu rau quả từ Thái Lan đã lên tới 618 triệu USD. Ngoài ra, Việt Nam thực hiện lộ trình giảm thuế theo cam kết trong ATIGA: Nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Thái Lan đã được hưởng thuế suất thuế ưu đãi theo lộ trình cam kết trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Cho đến nay, Việt Nam đã xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với xấp xỉ 90% tổng số dòng thuế và sẽ xóa bỏ thuế đối với 98% số dòng thuế vào năm 2018. Hơn nữa, người tiêu dùng Việt Nam vẫn có tâm lý ưa chuộng hàng Thái Lan, cả về giá cả, mẫu mã và chất lượng, đặc biệt là các mặt hàng điện, điện tử, sản phẩm gia dụng, hoa quả và hàng tiêu dùng khác. Đặc biệt, do có tiềm lực về tài chính, Chính phủ Thái Lan dành ngân sách khá lớn cho việc triển khai với quy mô lớn và có hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường Việt Nam trong thời gian qua.
Nỗi lo kép
Không chỉ đối mặt với nỗi lo hàng Thái Lan ồ ạt vào Việt Nam, thời gian vừa qua, các tỷ phú Thái Lan đều đồng loạt “thâu tóm” ngành bán lẻ và hàng tiêu dùng Việt Nam.
Xuất hiện tại thị trường Việt Nam từ năm 2012, Công ty Berli Jucker (BJC) thuộc Tập đoàn ThaiBev của ông Charoen Sirivadhanabhakdi, người giàu thứ ba Thái Lan với tổng tài sản 11,3 tỷ USD theo xếp hạng của Forbes 2014 đã chọn cách nắm cổ phần chi phối tại Công ty Thái An - nhà phân phối, xuất nhập khẩu các sản phẩm tiêu dùng tại miền Nam, rồi đến hãng giấy Cellox, Công ty sản xuất đậu phụ Ichiban và hợp tác với hệ thống bán lẻ Family Mart (sau đó đổi tên thành B’mart - thương hiệu lâu đời của BJC).
Central Group của Thái Lan hoàn tất thâu tóm Big C |
Không dừng lại ở những hệ thống trên, giữa 2014, công ty này đã tạo bất ngờ khi công bố chi gần 880 triệu USD mua lại toàn bộ chuỗi bán lẻ Metro Cash & Carry Việt Nam. Đây được xem là vụ mua bán - sáp nhập (M&A) quy mô lớn nhất trong ngành bán lẻ Việt Nam từ trước đến nay, khi Metro đang có 19 trung tâm trên cả nước, doanh thu năm 2012 - 2013 đạt hơn 690 triệu USD.
Theo đó, BJC sẽ tiếp quản toàn bộ hoạt động kinh doanh của Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam (MCC Việt Nam) bao gồm 19 trung tâm phân phối và danh mục bất động sản có liên quan, tổng giá trị 655 triệu euro (tương đương 879 triệu USD).
Mới đây, trong cuộc đua sở hữu Big C Việt Nam của nhiều cái tên đại gia bán lẻ như Berli Jucker (Thái Lan), Lotte Group (Hàn Quốc), Saigon Co.op (Việt Nam)..., Central Group - một tập đoàn của Thái Lan đã hoàn tất thương vụ mua Big C Việt Nam với giá 1,14 tỷ USD.
Ngoài việc mở các thương hiệu Robinson ở Việt Nam, Central Group cũng đã mua lại 49% cổ phần của hệ thống điện máy Nguyễn Kim thông qua Power Buy, hệ thống điện máy lớn nhất Thái Lan.
Việc hàng hóa Thái Lan xâm nhập ngày càng nhiều vào Việt Nam cùng với toan tính thâu tóm thị trường bán lẻ tại nước ta của các đại gia người Thái đang trở thành nguy cơ kép và khó có thể khắc phục trong một thời gian ngắn.
(http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/hang-thai-lan-o-at-vao-viet-nam-noi-lo-lon-hon-3343194/)
Nguồn cung xăng dầu cho người tiêu dùng Việt năm 2018 ra sao?
Từng là nước phụ thuộc hoàn toàn vào xăng dầu nhập khẩu, Việt Nam đã dần dần đáp ứng nhu cầu xăng dầu nội địa ... |
Doanh nghiệp nhập khẩu máy in tiền: Bài học tiền xu
Nhiều chuyên gia tiếp tục phản đối xã hội hóa lĩnh vực in, đúc tiền nhưng cũng có ý kiến cho rằng nên ủng hộ |
Thủ tướng yêu cầu thanh tra việc cấp phép nhập khẩu, lưu hành thuốc của Cty VN Pharma
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thanh ... |
Việt Nam chi hơn 1 tỷ USD nhập rau quả trong 8 tháng
Giá trị rau quả Việt Nam nhập về trong 8 tháng qua tăng gần 94% so với cùng kỳ 2016. |