Hãng phim quốc gia, số phận chờ kế hay!

Chiều 11/10, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch - ông Nguyễn Ngọc Thiện cùng Thứ trưởng thường trực Huỳnh Vĩnh Ái đã có buổi làm việc với các lãnh đạo Hội Điện ảnh và một số nghệ sỹ của Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) về câu chuyện cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam xôn xao dư luận suốt thời gian vừa qua.

Những câu hỏi lớn

Cuộc gặp gỡ diễn ra với tinh thần cởi mở, tránh không nhắc đến những chuyện ồn ào đáng buồn đã diễn ra liên quan đến việc cổ phần hóa VFS.

Lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng đại diện các nghệ sỹ đều đang chờ đợi kết quả thanh tra hãng phim.

Mặc dù vậy vẫn còn tồn tại một số câu hỏi về quá trình cổ phần hóa VFS mà các nghệ sỹ cần được giải đáp vẫn chưa có được câu trả lời thỏa đáng.

hang phim quoc gia so phan cho ke hay

Hãng phim truyện Việt Nam. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Thứ nhất, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái trả lời trước báo chí rằng việc cổ phần hóa VFS mãi đến tháng 6/2018 mới xong, trong khi Bộ chưa ra quyết định công nhận và bàn giao Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Hãng phim truyện Việt Nam cho Tổng Công ty Vận tải thủy Vivaso.

Như vậy, Vivasco chưa chính thức tiếp quản toàn bộ VFS nhưng đã nắm quyền lãnh đạo, được mặc nhiên công nhận như những “ông chủ mới” của VFS.

Chính điều đó đã khiến mâu thuẫn nảy sinh giữa hai bên và gây ra những chuyện ồn ào đáng buồn suốt thời gian qua.

Trước thắc mắc này, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái trả lời trong giai đoạn chuyển giao thì VFS vẫn cần có đơn vị lãnh đạo.

Nhưng rõ ràng trên nguyên tắc, khi VFS chưa được bàn giao và chính thức công nhận thuộc về Vivasco thì Hãng phim truyện Việt Nam vẫn phải do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quản lý.

Thứ hai, Vivasco chi ra 32,5 tỷ chiếm 65% cổ phần VFS nhưng số tiền này vẫn nằm trong tài khoản còn niêm phong chưa thể sử dụng.

Như vậy, số vốn Vivasco bỏ ra còn nguyên vẹn chưa mất đồng nào.

Trong khi như đã nói ở trên, quyết định bàn giao và công nhận chính thức việc “đổi chủ” còn chưa có.

Vậy căn cứ vào cái gì mà Vivaso đã đi làm được con dấu mang tên "Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Phim truyện Việt Nam" rồi đóng dấu, giới thiệu chữ ký gửi đi tất cả các cơ quan đoàn thể để khẳng định mình là ông chủ mới của hãng phim số 4 Thụy Khuê?

Lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chưa có được câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi này!

Chờ hiến kế

Cũng trong cuộc gặp gỡ này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết muốn nghe lời "hiến kế" từ nhiều bên của về việc cơ chế nào thích hợp nhất để giữ gìn và phát triển VFS.

Hội điện ảnh, với đại diện là Phó chủ tịch - Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Thị Hồng Ngát đã đưa ra ý kiến của mình. Đạo diễn - Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Thanh Vân cũng đề xuất một số phương án.

Theo hai nghệ sỹ, nếu Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch kết nối các đơn vị như Hãng phim Truyện Việt Nam, Trung tâm Chiếu phim quốc gia, Trung tâm Kỹ thuật và Trường quay Cổ Loa thành một đơn vị, tạo thành một mô hình liên hoàn cho điện ảnh Việt Nam từ khâu sản xuất đến khâu quảng bá, phát hành thì đây sẽ là một hướng phát triển đầy tiềm năng cho VFS.

Khoan chưa bàn đến tính khả thi của phương án này, bởi đây là việc lớn, cần rất nhiều phân tích, nhận định và đánh giá... của các chuyên gia, các nhà quản lý giàu kinh nghiệm... mới có thể tìm ra một mô hình mới, cơ chế mới thích hợp cho Hãng phim truyện Việt Nam;

Nhưng điều ai cũng nhận thấy là tâm huyết của các nghệ sỹ dành cho hãng phim vẫn như ngọn lửa ngùn ngụt cháy bất chấp sự nghiệt ngã của nền kinh tế thị trường.

Chính ngọn lửa ấy đem đến niềm tin VFS sẽ có những chuyển biến tích cực.

Dĩ nhiên đây là điều khó khăn hơn nhiều so với những ý kiến bỏ rơi hay xóa sổ Hãng phim truyện Việt Nam.

Các nghệ sỹ vốn lãng mạn, bay bổng, nhiều mơ ước mà chẳng ai đi đánh thuế ước mơ. Tất cả đều có quyền hy vọng một tương lai tươi sáng hơn cho VFS.

Chuyện “cơm áo không đùa với khách thơ” là khó khăn mà bất cứ đơn vị nghệ thuật nào cũng đang gặp phải nhưng có lẽ điều mà các nghệ sỹ cần hơn cả “cơm áo” là một môi trường sáng tạo, nơi họ được làm nghề thực sự và cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật nhân văn, ý nghĩa.

Và muốn có được điều đó, không có cách nào là phải xắn tay vào làm. Biết mơ ước có nghĩa biết làm những việc hướng đến ước mơ ấy, để dần dần biến nó thành hiện thực.

Hơn lúc nào hết, VFS đang cần sự tập trung trí tuệ ở mức cao nhất.

Không chỉ của các nghệ sỹ gắn bó với Hãng phim truyện Việt Nam, không chỉ của những người tâm huyết với điện ảnh nước nhà… việc “bàn kế” để cứu VFS giờ là câu chuyện của toàn xã hội.

hang phim quoc gia so phan cho ke hay Bộ Văn hóa chấn chỉnh việc ông Thủy Nguyên gọi Quốc Tuấn là Chí Phèo

Theo ông Nguyễn Thái Bình, Chánh văn phòng Bộ VH-TT&DL, những lời nói của ông Nguyễn Thủy Nguyên về nghệ sĩ hãng phim là không ...

hang phim quoc gia so phan cho ke hay Ngày 13/10/2017 sẽ chính thức thanh tra cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam

Ngày 10/10/2017, trả lời phóng viên Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đề thanh tra cổ phần hóa Hãng phim truyện ...

http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Hang-phim-quoc-gia-so-phan-cho-ke-hay-post180393.gd

/ Hoàng Giang/Báo Giáo dục Việt Nam