Hai ngày qua, biển báo trên nhiều tuyến phố Hà Nội bất ngờ bị che kín bằng giấy, bạt kẻ, nilon. Hầu hết những biến báo trên là biển cấm các xe hợp đồng hoạt động trong giờ cao điểm. Nhưng, hôm nay (19.1), túi nylon, bạt kẻ đã được gỡ bỏ.
Mấy ngày nay, người đi đường thắc mắc khi một số biển báo giao thông được dùng giấy, nylon che kín.
Các tuyến phố như Kim Mã, Cát Linh, Nguyễn Chí Thanh... vừa dựng biển cấm xe hợp đồng đi vào các khung giờ cao điểm từ 6h-9h, từ 16h30-19h30. Tuy nhiên, dựng biển cấm chưa được bao lâu, những tấm biển này đã được dán kín bằng giấy, túi nylon.
Trung tá Lê Tú - Đội trưởng Đội CSGT số 3 (Phòng CSGT Công an TP.Hà Nội) cho biết, việc dán biển báo là do Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thực hiện.
“Vì đang trong thời gian tuyên truyền, chưa thực hiện xử lý các xe hợp đồng dưới 9 chỗ như taxi nên dán vào. Trên các tuyến phố khác, chúng tôi chưa thấy anh em phản ánh”, trung tá Tú cho biết.
Tuy nhiên, hôm nay (19.1), ghi nhận của Lao Động, những túi nilong, giấy che biển cấm các xe hợp đồng hoạt động trong giờ cao điểm bất ngờ được gỡ xuống. Những ký hiệu trên biển cấm cũng đã được tháo bỏ, chỉ còn trơ lại khung sắt. Nhiều người thắc mắc, tại sao những biển cấm này vừa được dùng giấy, nylon che kín, nay đã gỡ xuống?
Liên quan việc này, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, các biển cấm phân luồng thi công nhà ga S9 tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội bị bịt lại vì nhà ga này chưa chính thức thi công.
Ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định, việc dán kín một số biển báo giao thông do Sở yêu cầu thực hiện. Đây là những biển báo phân luồng giao thông thi công ga S9 của tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội.
“Sở đã cho cắm biển phân luồng giao thông ở các tuyến phố này phục vụ ga S9. Nhưng nhà ga này chưa thi công nên phải dán lại hoặc tháo ra để các phương tiện lưu thông bình thường”, ông Viện nói.
Giám đốc Sở cho biết, đơn vị thi công nhà tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội đã có văn bản đề nghị có biện pháp cấm đường, song, Sở chưa đồng ý.
Ông Viện cho biết, ngày mai (20.1) Hà Nội chính thức xử phạt xe hợp đồng dưới 9 chỗ đi vào 13 tuyến phố cấm.
Lực lượng cảnh sát giao thông đã tuyên truyền đến các tài xế 10 ngày. Sở cũng gửi văn bản đến các hãng kinh doanh xe hợp đồng. Từ ngày mai quy định cấm xe hợp đồng chính thức có hiệu lực và được thí điểm trong 1 tháng.
Vì sao Hà Nội dùng nylon dán biển báo giao thông?
Lãnh đạo Sở GTVT cho biết các biển báo phân luồng giao thông phục vụ thi công nhà ga S9 tuyến metro Nhổn - Ga ... |
Tổng cục Đường bộ nói gì về biển "cấm dừng quá 5 phút" sẽ cắm ở các trạm BOT?
Trao đổi với Báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ khẳng định việc cắm biển báo cấm ... |