Hải quân Mỹ 'đua' với Nga - Trung

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cho rằng tàu sân bay nên được triển khai nhanh hơn và không theo kế hoạch định sẵn

Giữa lúc căng thẳng với Nga đang tăng, quân đội Mỹ vừa có những động thái nhằm tăng cường hiện diện tại Đại Tây Dương: tái lập Hạm đội 2 và lập Bộ Chỉ huy Đại Tây Dương của NATO - cùng đóng tại TP Norfolk, bang Virginia.

An ninh xuyên Đại Tây Dương

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Johnny Michael hôm 4-5 cho biết sự trở lại của cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn và một nước Nga đang trỗi dậy đòi hỏi NATO phải tái tập trung vào Đại Tây Dương. Vì thế, bộ chỉ huy hải quân mới lập sẽ là trụ cột của an ninh xuyên Đại Tây Dương. Tờ Guardian nhận định bước đi này phản ánh nỗi lo ngày càng tăng ở châu Âu và trong nội bộ NATO về hiện diện quân sự và hoạt động của Nga trên đại dương này.

Những nội dung chính của kế hoạch lập Bộ Chỉ huy Đại Tây Dương đã được thông qua tại cuộc họp của các bộ trưởng Quốc phòng NATO hồi tháng 2. Đây cũng là một phần nỗ lực nhằm bảo đảm an ninh các tuyến đường biển và kênh thông tin liên lạc giữa châu Âu và Bắc Mỹ. Cũng tại cuộc họp trên, NATO còn công bố kế hoạch xây dựng một bộ tư lệnh hậu cần mới, dự kiến đặt tại Đức.

Việc tái lập Hạm đội 2 cũng là một động thái đáng chú ý khác của quân đội Mỹ sau khi chứng kiến Hải quân Nga gia tăng hoạt động ở Bắc Cực và Bắc Đại Tây Dương trong vài năm qua. Đơn vị này đã được sáp nhập vào Bộ Tư lệnh các lực lượng hạm đội của Hải quân Mỹ hồi năm 2011 nhằm cắt giảm chi phí.

hai quan my dua voi nga trung

Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Harry S.Truman tại Đại Tây Dương Ảnh: HẢI QUÂN MỸ

Một khi chính thức được hồi sinh vào ngày 1-7 tới, Bộ Tư lệnh Hạm đội 2 chịu trách nhiệm giám sát tàu thuyền, máy bay và các lực lượng đổ bộ ở bờ Đông nước Mỹ và Bắc Đại Tây Dương, phụ trách huấn luyện và tiến hành chiến dịch hàng hải ở khu vực.

Đô đốc John Richardson, Tư lệnh Các chiến dịch hàng hải Mỹ, nói đây là bước đi cần thiết bởi chiến lược quốc phòng công bố hồi đầu năm nay nói rõ Mỹ "đang trở lại thời kỳ cạnh tranh giữa các nước lớn trong bối cảnh môi trường an ninh ngày càng thách thức và phức tạp".

Chuyển hướng tập trung

Trang Business Insider nhận định bước đi nêu bật sự chuyển hướng của hải quân Mỹ từ tập trung chống khủng bố sang đối phó 2 đối thủ cạnh tranh hàng đầu là Nga và Trung Quốc. Không dừng lại ở đó, lực lượng này đang có ý định trang bị loại tên lửa tiên tiến cho tàu chiến mới nhất của mình.

Tạp chí Newsweek tiết lộ ứng viên hàng đầu là tên lửa hành trình chống hạm Naval Strike Missile (NSM), do Tập đoàn Kongsberg Defence Systems (Na Uy) và nhà thầu quốc phòng Raytheon (Mỹ) hợp tác sản xuất. Ông Thomas Kennedy, Giám đốc điều hành Raytheon, tin rằng loại tên lửa tương lai này sẽ được Hải quân Mỹ chọn trang bị cho tàu chiến ven biển (LCS). Website của Raytheon cho biết phiên bản NSM thế hệ thứ 5 sắp trình làng, có thể đánh trúng mục tiêu cách xa 100 hải lý.

hai quan my dua voi nga trung

Tên lửa NSM được phóng thử từ tàu chiến đấu ven biển USS Coronado Ảnh: HẢI QUÂN MỸ

Chưa hết, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis gần đây còn đề cập kế hoạch thay đổi cách thức hải quân triển khai tàu sân bay. Phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ vào tháng rồi, ông Mattis cho rằng phương thức triển khai theo lộ trình được lên kế hoạch từ trước như hiện nay khiến tàu sân bay mất đi lợi thế chiến lược và tính bất ngờ trước những đối thủ tiềm tàng.

Vì thế, giải pháp của ông chủ Lầu Năm Góc là tàu sân bay cần được triển khai nhanh hơn và không theo kế hoạch định sẵn.

Nỗ lực đối đầu Nga và Trung Quốc của quân đội Mỹ nhận được cú hích từ dự luật chính sách quốc phòng thường niên trị giá 717 tỉ USD do các hạ nghị sĩ công bố hôm 4-5.

Theo Reuters, nội dung dự luật có tên gọi Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) cho tài khóa 2019 này gồm những điều khoản áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào ngành công nghiệp vũ khí Nga để đáp trả việc Moscow "vi phạm các hiệp ước", cấm hợp tác quân sự song phương và tăng chi tiêu cho chiến tranh mạng.

Liên quan đến Trung Quốc, các điều khoản của dự luật cấm toàn bộ cơ quan chính phủ Mỹ sử dụng những công nghệ "rủi ro" được sản xuất bởi Huawei và ZTE - 2 công ty bị nghi có liên quan đến tình báo tại Bắc Kinh.

hai quan my dua voi nga trung 10 đặc nhiệm SEAL Mỹ bị loại ngũ vì sử dụng ma túy

Các binh sĩ đặc nhiệm hải quân Mỹ chịu án kỷ luật nặng nhất sau khi dương tính với cocain và methamphetamin trong cuộc kiểm tra ...

hai quan my dua voi nga trung Chiến đấu cơ Nga bị tố cáo áp sát máy bay hải quân Mỹ

Tiêm kích Nga bị tố cáo tiếp cận "không chuyên nghiệp" một máy bay tuần tra Mỹ khi nó đang hoạt động trong không phận ...

hai quan my dua voi nga trung Mỹ có thể tăng niên hạn tàu sân bay để duy trì hạm đội 12 chiếc

Hải quân Mỹ nhiều khả năng phải kéo dài tuổi thọ các hàng không mẫu hạm sắp loại biên để đảm bảo năng lực tác ...

HOÀNG PHƯƠNG

/ http://nld.com.vn