Hai đặc phái viên định đoạt thành bại của thượng đỉnh Trump - Kim

Việc để hai cái tên mới nhận vai trò dẫn dắt các cuộc thảo luận về hội nghị thượng đỉnh cho thấy quyết tâm thay đổi của lãnh đạo Mỹ - Triều.

hai dac phai vien dinh doat thanh bai cua thuong dinh trump kim

Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun (trái) và đặc phái viên Triều Tiên về Mỹ Kim Hyok-chol. Ảnh: Hankyoreh.

Đặc phái viên Triều Tiên về Mỹ Kim Hyok-chol hôm qua lên máy bay tới Hà Nội sau chặng dừng chân ở Bắc Kinh, hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap đưa tin. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng xác nhận đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun đã bắt đầu chuyến công tác tới Hà Nội.

Hai quan chức cấp cao Mỹ, Triều này sẽ gặp nhau tại Hà Nội để thảo luận các chi tiết liên quan đến hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, dự kiến diễn ra ngày 27-28/2. Theo nhật báo Hankyoreh của Hàn Quốc, đây là hai cái tên góp phần không nhỏ định đoạt thành bại của hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim sắp tới bởi họ giữ vai trò dẫn dắt các cuộc đàm phán tiền sự kiện giữa đôi bên.

Kim Hyok-chol mới tiếp nhận vai trò đặc phái viên về Mỹ từ Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui hồi đầu tháng. Ông từng là đại sứ Triều Tiên tại Tây Ban Nha, Ethiopia, Sudan cùng một số quốc gia khác.

Các nguồn tin chính phủ Hàn Quốc cho biết Kim Hyok-chol hiện là thành viên Ủy ban các Vấn đề Nhà nước Triều Tiên và lâu nay vẫn được coi là một nhà ngoại giao lão luyện.

Kim trước đây công tác tại Cục 9, nơi chịu trách nhiệm giám sát việc phát triển chiến lược ngoại giao của Triền Tiên. Ông nhanh chóng thăng tiến nhờ chiếm được sự tin tưởng của Ngoại trưởng Ri Yong-ho.

Hồi tháng một, Kim Hyok-chol tháp tùng Kim Yong-chol, cựu trùm tình báo Triều Tiên, "cánh tay phải" của lãnh đạo Kim Jong-un, trong chuyến thăm Mỹ. Đích thân Kim Yong-chol đã giới thiệu với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo rằng Kim Hyok-chol sẽ là người đàm phán chính với đặc phái viên Mỹ Stephen Biegun.

Kim Hyok-chol cũng từng là tiếng nói chủ chốt tham gia tích cực vào các phiên đàm phán 6 bên với Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Mỹ về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vào thập niên 2000.

"Kim am hiểu các vấn đề hạt nhân, giàu kinh nghiệm và làm việc rất chăm chỉ", một nguồn tin ngoại giao từng làm việc với Kim Hyok-chok trong thời gian ông giữ chức đại sứ tại Tây Ban Nha nhận xét.

"Ông ấy sử dụng trôi chảy tiếng Anh và thành thạo tất cả các thuật ngữ liên quan đến vấn đề hạt nhân Triều Tiên, đồng thời không chút do dự khi nói về tầm bắn của những tên lửa chính trong kho vũ khí Triều Tiên, bao gồm cả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM)", nguồn tin cho hay. "Nếu ai đó bảo rằng \'Triều Tiên nên ngừng gây hấn và hãy trở thành một quốc gia bình thường\', Kim sẽ lập tức đáp trả, nêu rõ lý do Triều Tiên phát triển chương trình hạt nhân".

Về phía Mỹ, Stephen Biegun được Tổng thống Trump bổ nhiệm trở thành đặc phái viên đàm phán với Triều Tiên từ tháng 8 năm ngoái. Trước đó, ông giữ chức phó chủ tịch phụ trách các vấn đề chính phủ quốc tế tại Ford Motor, giám sát tất cả các khía cạnh trong mối quan hệ giữa công ty với chính phủ các nước, bao gồm chiến lược thương mại và đánh giá rủi ro chính trị.

Từ năm 2001 đến 2003, ông làm việc tại Nhà Trắng với tư cách thư ký điều hành của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ. Ông cũng từng là thành viên cấp cao trong đội ngũ của Cố vấn An ninh Quốc gia Condoleezza Rice.

Biegun được nhận xét là một nhà đàm phán giàu kinh nghiệm chính trị khi có 14 năm làm cố vấn chính sách đối ngoại cho cả hạ viện và thượng viện Mỹ.

Năm 1999-2000, Biegun giữ chức chánh văn phòng Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Thượng viện. Năm 1994-1998, ông đảm nhận vai trò cố vấn cho Ủy ban các vấn đề liên quan đến châu Âu.

Ngoài ra, Biegun còn có 6 năm công tác tại Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Hạ viện, phụ trách về ngân sách hỗ trợ nước ngoài, chính sách thương mại và các vấn đề châu Âu.

Cả Kim và Biegun đều chưa từng đảm nhận trọng trách dẫn dắt các cuộc đàm phán Mỹ - Triều. Việc lựa chọn hai người tham gia thảo luận về công tác tổ chức hội nghị thượng đỉnh dường như là cách để lãnh đạo hai nước thể hiện mong muốn thay đổi, phá vỡ thế đối đầu đã kéo dài dai dẳng suốt 7 thập kỷ qua, cây bút Lee Je-hun từ Hankyoreh bình luận.

Mặt khác, cả Kim Hyok-chol và Biegun đều đã gặp mặt lãnh đạo của nước kia và khẳng định cam kết cũng như tầm nhìn của mình. Điều này sẽ giúp họ tránh được những nghi kỵ và hiểu nhầm lẫn nhau trong quá trình đàm phán, chuyên gia đánh giá.

Kim Hyok-chol từng gặp Tổng thống Trump vào ngày 18/1, trong khi Biegun có mặt trong cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Pompeo và lãnh đạo Kim Jong-un trong chuyến thăm Triều Tiên hồi tháng 10 năm ngoái.

hai dac phai vien dinh doat thanh bai cua thuong dinh trump kim Fox News dự đoán hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim sẽ thành công

Fox News, kênh truyền thông thiên hữu của Mỹ, đưa ra quan điểm ủng hộ về hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới ...

hai dac phai vien dinh doat thanh bai cua thuong dinh trump kim Hành trình thượng đỉnh Trump - Kim từ Singapore đến Hà Nội

Mỹ - Triều không đạt được nhiều đột phá sau cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên, thắp lên kỳ vọng lớn từ hội nghị tại ...