Gordon Banks và chiếc xe buýt đổi đời người thợ xây

Từng vô địch World Cup 1966, nhưng cựu thủ thành vừa qua đời người Anh được nhớ đến nhiều nhất bởi một pha cứu thua diễn ra bốn năm sau đó.

gordon banks va chiec xe buyt doi doi nguoi tho xay

Banks (áo vàng) là thủ môn vô địch World Cup 1966 trên sân nhà.

"Rất nhiều người thậm chí còn không biết tôi từng dự World Cup 1966. Nhưng họ chỉ muốn nói về pha cứu thua ấy mà thôi," Gordon Banks, người qua đời ở tuổi 81 hôm 12/2 vừa qua, nhớ lại tình huống phản xạ tuyệt vời mà sau này được thế giới bóng đá khi đó xưng tụng là "Pha cứu thua của thế kỷ".

Hôm ấy là ngày 7/6/1970, tuyển Anh - nhà ĐKVĐ World Cup - đấu với Brazil tại Guadalajara, Mexico tại vòng bảng World Cup. Ở đó, thủ môn xuất thân từ vùng Yorkshire khẳng định vị thế của người gác đền số một thế giới với pha cứu thua xuất thần.

Trong pha bóng đó, Jarzinho dốc bóng xuống từ cánh phải. Theo nguyên tắc, Banks lao ra để khép góc gần. Nhưng Jarzinho lại tạt quả bóng về phía góc xa. Hơi lố đà, Banks quay đầu lại và nhìn thấy một chiếc áo vàng bật lên. "Pele chứ ai", Banks nhớ lại. "Ông ấy bật lên nhanh kinh khủng". Cầu thủ hay nhất hành tinh đã có một cú đánh đầu gần như hoàn hảo, bóng bật đất đổi hướng và Pele thậm chí đã la lên "Gol".

Nhưng từ phía bên kia khung thành, Banks vẫn kịp bay sang bên này và chạm tay, khiến bóng bay hết đường biên ngang. Sau đó Pele tiến tới, mỉm cười, vỗ vào lưng Banks và nói: "Tớ cứ ngỡ đấy là một bàn thắng". Banks đáp lại: "Tớ cũng nghĩ thế". Rồi Sir Bobby Moore, thủ quân của đội tuyển Anh, chen vào cuộc nói chuyện của cả hai và nói: "Cậu già mất rồi Banksy, nếu không pha vừa rồi cậu phải chụp dính mới phải".

gordon banks va chiec xe buyt doi doi nguoi tho xay

Pha cứu thua thế kỷ của Gordon Banks.

Kết thúc giải đấu ấy, Brazil thay Anh trở thành nhà vô địch. Đấy là một kết quả khá bất ngờ, vì Anh của năm 1970 được đánh giá còn mạnh hơn đội hình đã vô địch năm 1966. Nhưng họ đã lỡ hẹn với trận chung kết - tái đấu chính Brazil, vì trót thua Tây Đức ở tứ kết. Gordon Banks không thể dự trận tứ kết đó vì bị ngộ độc thức ăn. Người bắt thay cho ông, Peter Bonetti, phạm hai sai lầm, khiến Đức từ chỗ bị dẫn 0-2 đã thắng ngược 3-2.

Banks xem trận đấu ấy từ trên giường bệnh, không hề biết đường truyền chậm mất đi gần cả tiếng. Vì thế, trong lúc Anh đang dẫn 2-0 và ngỡ sẽ hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn Tây Đức, Bobby Moore và các đồng đội tiến vào phòng, thông báo Anh đã thất trận 2-3. Ngỡ là các bạn trêu mình, Banks cười giỡn hơn hớn cho đến khi đích thân HLV Alf Ramsey bước vào và xác nhận điều đó. Banks nói: "Gương mặt của ông ấy đã nói lên tất cả. Ông im lặng bước đến chỗ tôi và hỏi: Cậu cảm thấy sao rồi?"

Tại khách sạn của tuyển Anh, trong khi các cầu thủ đều cố xua nỗi buồn tại hồ bơi, ký giả Ken Jones tìm thấy HLV Ramsey đang ngồi uống rượu một mình. Thấy Ken Jones, ông nói: "Muốn cả đội thua, sao chỉ nhằm vào Gordon Banks?". Thời ấy, người ta rộ lên tin đồn Banks bị hạ độc, dù chính Banks kịch liệt phản đối thuyết âm mưu ấy.

Nhưng nhiều năm sau, chính Banks cũng thay đổi suy nghĩ. Ông nói: "Tôi thỉnh thoảng vẫn tự hỏi: tại sao chỉ một mình tôi bị trúng thực nặng trong khi tôi ngồi cùng bàn và ăn cùng thức ăn với các đồng đội?".

gordon banks va chiec xe buyt doi doi nguoi tho xay

Mất Banks vì trúng độc, tuyển Anh thua ngược Đức 2-3 và bị phế ngôi tại World Cup 1970.

Gordon Banks chào đời tại Abbeydale, Sheffield năm 1937, là con út trong gia đình gồm bốn anh em. Bố ông làm việc trong xưởng đúc kim loại, trong khi mẹ ông vừa làm nội trợ, vừa làm dọn dẹp, nấu ăn bán thời gian cho một ông trùm ngành thép.

Cả gia đình phải chờ đến đêm thứ Sáu mới được tắm nước nóng trong chiếc bồn thiếc. Là con út trong nhà, Gordon Banks luôn phải chờ tắm sau cùng, khi nước gần như đã chuyển thành màu đen. Quanh nhà cậu bé Gordon, 13 chiếc ống khói cỡ bự của các nhà máy thép đưa bụi lên trời. Gordon nhớ lại: "Khi gió thổi ngược về nhà, chúng tôi chẳng thấy gì ở cuối đường, và mẹ tôi phải lật đật gom đồ phơi vào để không phải đi giặt lại".

Trong khu phố của cậu bé Gordon, chỉ một đứa trẻ có bóng. Tất nhiên nó nhanh chóng trở thành "trùm khu phố". Những khi không thể rủ nó ra ngoài đá bóng, đám trẻ trong xóm đành phải đá với một quả bóng tennis. Từ nhỏ, Gordon đã mơ ước trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp. Nhưng ước mơ ấy ngỡ kết thúc ở tuổi 15, khi cậu phải rời ghế nhà trường, vào làm cho mỏ than ở tuổi 15, mưu sinh để kiếm 3 bảng mỗi tuần phụ gia đình. Sau đó, Banks được tuyển lên vị trí thợ xây.

Dẫu vào đời sớm, Banks vẫn giữ tình yêu với bóng đá. Ông cổ vũ cho cả hai đội Sheffield (United và Wednesday) mỗi cuối tuần. Định mệnh đã mỉm cười với Banks trong một lần ông lỡ chuyến xe buýt đến sân để cổ vũ. Ở lại nhà, Banks bèn mua vé xem đội Millspaugh Steelworks thi đấu. Khi ngồi trên hàng rào, một người bạn cũ nhận ra Banks và đề nghị vào sân chơi thay người thủ môn không đến được. Banks nhận lời ngay.

Niềm đam mê thi đấu của Banks được thổi bùng trở lại. Từ ấy, ông lang thang qua nhiều đội trẻ của địa phương, cho đến khi được một tuyển trạch viên của Chesterfield (một đội bóng ở giải hạng Ba) phát hiện. Được chơi bóng mà vẫn có thể kiếm tiền, Banks ký hợp đồng bán thời gian với họ vào năm 1953.

gordon banks va chiec xe buyt doi doi nguoi tho xay

Gia cảnh khó khăn từng suýt khiến Banks lỡ duyên với bóng đá.

Sự nghiệp đang ổn định thì Banks phải đi quân sự tại Đức. Ở đó, ông gặp người sẽ trở thành vợ mình, Ursula. Sau này, người vợ Đức ấy luôn mặc một chiếc áo đấu của tuyển Anh mỗi khi Banks thi đấu cho đội tuyển quốc gia. Họ có với nhau ba người con: Robert, sinh năm 1958, điều hành bán hàng cho một công ty gỗ; Wendy, sinh năm 1963, trưởng chi nhánh cho một công ty bán giày và Julia, sinh năm 1969, làm luật sư.

Hết thời hạn nghĩa vụ quân sự, Banks trở lại Chesterfield, nhưng sớm được chuyển nhượng sang Leicester City với giá 7.000 bảng Anh. Tháng 9/1959, ông chơi trận đầu tiên cho đội bóng mới và sớm khẳng định vị trí số một.

Tại chung kết Cup FA 1961, Leicester đấu Tottenham, đội hùng mạnh đang cố thâu tóm cú đúp. Một mình Banks không đủ giúp Leicester thoát khỏi thất bại 0-2. Năm 1963, ông có màn trình diễn hay nhất trong màu áo Leicester khi cùng CLB đả bại Liverpool 1-0 ở bán kết Cup FA tại Hillsborough. Hôm ấy Liverpool có 34 tình huống dứt điểm, Banks cản phá tất cả. Nhưng đến chung kết, ông chơi không tốt và Leicester vuột Cup vào tay Man Utd.

Cũng trong năm ấy, tân HLV đội tuyển Anh, Alf Ramsey cho Banks khoác áo tuyển Anh lần đầu tiên trong trận gặp Scotland tại Wembley. Gordon Banks sẽ kết thúc sự nghiệp với 73 lần bảo vệ cầu môn "Tam sư", chỉ để thua vỏn vẹn chín trận. Những chuyên gia về thủ môn đều ca ngợi những phẩm chất tuyệt vời của Banks: quyết đoán, chọn vị trí tuyệt vời và phán đoán chuẩn xác vị trí dứt điểm của tiền đạo đối phương. Uy quyền và sự tin cậy đã giúp ông được báo chí đặt biệt danh "Bank of England" (Ngân hàng nước Anh).

Là một người khó tính, thậm chí hơi lập dị, Alf Ramsey luôn giữ chân của học trò trên mặt đất bất chấp Banks đang được truyền thông xưng tụng ngất trời. Có một lần, sau khi trở về nước từ một trận ở nước ngoài, Banks chào tạm biệt thầy: "Hẹn gặp lại chuyến đi sau". Ramsey đáp lại: "Nếu tôi còn gọi anh".

gordon banks va chiec xe buyt doi doi nguoi tho xay

Banks góp công lớn giúp tuyển Anh vô địch World Cup 1966.

Trong hành trình vô địch World Cup 1966 của Anh, Banks chỉ để lọt lưới vỏn vẹn một bàn trước trận chung kết. Đấy là bàn thua từ chấm 11 mét trong trận bán kết với Bồ Đào Nha, do Eusebio ghi. Trước trận đấu ấy, có một sự cố xảy ra. Số là Banks có một thói quen mê tín: trước khi vào sân bao giờ cũng nhai kẹo cao su, rồi lấy bã kẹo cao su ấy chà xát vào tay mình để vào sân chụp cho... dính. Thế nhưng trước trận đấu với Bồ Đào Nha, Banks... hết kẹo.

Ông làm loạn lên vì sợ hết kẹo sẽ xui. Jack Charlton sau này nhớ lại tình huống ấy: ở cuối đường gần Wembley có một quầy bán báo, HLV Ramsey đã yêu cầu người trợ lý Harold Shepherdson phải làm mọi cách mua được kẹo cao su về cho Gordon. Ông hét lên: "Gordon nhất định phải có kẹo. Đi mau!"

Shepherdson phi qua bãi giữ xe của Wembley, chạy như VĐV điền kinh thứ thiệt và mua kẹo về kịp lúc. Vừa trao kẹo cho chàng thủ môn mê tín, ông gục xuống vì kiệt sức. Anh thắng trận đấu ấy 2-1. Sau này Banks nói với mọi người: nếu được ăn kẹo sớm hơn thì ông đã chụp dính quả phạt đền của Eusebio. Vào chung kết, Anh thắng Đức 4-2. Sau này, nhớ về cảm xúc lúc ấy, Gordon viết: "Tôi nghĩ nếu có mặt tại Wembley hôm ấy, Christopher Columbus có lẽ phải thừa nhận là ông ta chưa từng giong buồm đến tận cùng của thế giới".

Thực tế phũ phàng kéo Banks trở lại không lâu sau đó. Tháng 4/1967, Leicester City bảo ông đã hết thời và bán cho Stoke City với giá 50.000 bảng. Bốn năm sau đó, Gordon tiếp tục chơi rất hay và đến World Cup 1970, ông chính thức đạt đến đỉnh cao phong độ. "Chưa năm nào tôi chơi hay đến thế trong sự nghiệp", Gordon nhớ lại. "Tôi đã giúp cho các hậu vệ chơi trước mặt mình tự tin hơn".

gordon banks va chiec xe buyt doi doi nguoi tho xay

Banks không thật sự thành công ở cấp CLB. Danh hiệu lớn nhất mà ông có được là hai Cup Liên đoàn vào các năm 1964 và 1972 (trong ảnh).

Nhưng một cơn trúng thực đã khiến Banks phải tức tưởi rời World Cup 1970 như đã kể trên. Hai năm sau đó, Gordon đón nhận một bi kịch khác. Tháng 10/1972, trên đường lái xe về nhà, mải suy nghĩ về màn cãi nhau với trọng tài trong trận thua Liverpool hôm trước, Banks lạc tay lái, đấu đầu với xe tải. Trên xe còn có cả vợ con. Khi hoàn hồn, ông còn nghe rõ tiếng khóc của cô con gái và cứ sợ mình đã gây án mạng.

Gordon phải trải qua hai giờ phẫu thuật vì mảnh vỡ của kính chắn gió ghim vào mắt phải của ông. Thị lực sa sút, cuối cùng Gordon phải ngưng thi đấu đỉnh cao. Stoke thuê ông vào Ban huấn luyện. Đến năm 1977, vì nhớ bóng đá quá, ông chuyển sang... Mỹ để thi đấu cho CLB Fort Lauderdale Strikers. Đây là một nỗ lực của nước Mỹ hòng giúp bóng đá có địa vị ngang với bóng chày và bóng rổ. Trong một trận đấu, Banks và đồng đội khiêng một chiếc... quan tài vào sân. Rồi từ trong quan tài, HLV của đội bật dậy, trong trang phục... Dracula, ý nói đội bóng của mình dù đang thi đấu bết bát vẫn sẽ từ cõi chết trở về.

Giã từ sự nghiệp, Banks được kỳ vọng sẽ truyền cảm hứng cho những thế hệ thủ môn tiếp theo. Nhưng ở CLB Telford United ở hạng dưới, ông bị CLB sa thải, và còn bị ép đi bán vé số của CLB để đền bù hợp đồng. Cảm thấy bị xúc phạm, Banks thề không tham gia gì vào bóng đá nữa.

Ông mở công ty giải trí, nhưng thất bại tan nát. Một con người hiền lành, dễ chịu, xuề xòa, Banks đơn giản là không có máu kinh doanh. Cả đời ông chưa từng kiếm nhiều tiền từ bóng đá. Vô địch World Cup, ông được thưởng 1.000 bảng Anh. Lương cao nhất ông từng nhận trong đời là 180 bảng mỗi tuần. Năm 2001, ông bán cả chiếc huy chương vô địch World Cup vì "nó suốt ngày ở trong rương, tôi cũng chẳng mấy khi lôi ra nhìn. Bán cho mọi người nhìn vậy".

gordon banks va chiec xe buyt doi doi nguoi tho xay

Bất chấp giai đoạn cuối đời không sung túc, Banks vẫn hài lòng khi nhìn lại sự nghiệp thi đấu của ông, một sự nghiệp mà ông mô tả là chơi bóng đá vì niềm vui.

Huy chương ấy giúp ông kiếm về 124.750 bảng, nhưng lo cho sinh hoạt phí và con cái hết cả. Tháng 12/2015, Gordon cho biết đang bị ung thư thận, và đã mất một quả từ tận 10 năm trước. Ông bảo mình chưa từng ghen tỵ với những cầu thủ triệu phú ngày nay, vì ông chỉ chơi bóng đơn giản vì niềm vui. Việc sinh kế của gia đình luôn chật vật cũng không làm ông đánh mất niềm vui sống.

"Nếu không lỡ chuyến xe buýt hôm ấy, tôi có thể vẫn chỉ là một anh thợ xây," Gordon mỉm cười.

Đấy cũng là một trong những câu nói cuối cùng của ông trước khi rời cõi tạm.

Hoài Thương tổng hợp

gordon banks va chiec xe buyt doi doi nguoi tho xay HLV Thái Lan so sánh Đặng Văn Lâm với thủ môn Oliver Kahn

ASIAN CUP 2019: Ông Pairoj Borwonwatanadilok thích tư chất thủ lĩnh và khả năng không chiến của Đặng Văn Lâm sau màn thể hiện của ...

gordon banks va chiec xe buyt doi doi nguoi tho xay Anh thợ điện giống thủ môn Lâm Tây như đúc khiến dân mạng xôn xao

Từ dáng vóc đến gương mặt của người thợ điện đều hao hao giống thủ môn Đặng Văn Lâm.