Câu chuyện tưởng đùa nhưng là thật khi ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch của Thế Giới Di Động – trong cuộc họp thông báo kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2018 mới đây chia sẻ, ông cảm thấy lo ngại từ trường hợp chiếc ghế cho khách ngồi đợi trong quán trà sữa.
Câu chuyện tưởng đùa nhưng là thật khi ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch của Thế Giới Di Động – trong cuộc họp thông báo kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2018 mới đây chia sẻ, ông cảm thấy lo ngại từ trường hợp chiếc ghế cho khách ngồi đợi trong quán trà sữa.
Đó là một quán trà sữa tại Quận 1 (TP.HCM) mà ông Tài dẫn con mình vào mua. Thay vì quán phải có những chiếc ghế tươm tất cho khách ngồi chờ, thì quán ông vào chỉ có một chiếc ghế khá nhỏ, lại xiên xéo không thuận tiện để ngồi. Thế nhưng, con của ông cho rằng việc đó chẳng sao cả. Còn bọn trẻ thì thậm chí chẳng thiết đến ghế ngồi chờ để làm gì. Thế mà, quán trà sữa vẫn đông…
Điều ông Tài kể nó dường như trái ngược hoàn toàn với triết lí và phương châm kinh doanh tại Thế Giới Di Động: Chăm sóc, tư vấn chu đáo, tận tình theo mô hình 1 khách - 1 nhân viên và thậm chí 1 khách được 2-3 nhân viên chăm sóc.
Từ trường hợp chiếc ghế đó, hóa ra thứ triết lí và phương châm kinh doanh kiểu Thế Giới Di Động thành ra thừa thãi đối với một tầng lớp khách hàng rất lớn trong xã hội hiện nay. Đó là lớp khách hàng tuổi từ 12-17, 18 hiện nay và chúng sẽ lần lượt vào đại học và ra trường đi làm trong vài năm nữa, chính là những khách hàng tiêu dùng đầy tiềm năng.
Lớp khách hàng này có thể bỏ qua những giá trị chăm sóc, mà tập trung vào những thứ tiêu dùng theo xu hướng, sở thích...
Đó là lí do, một thời “trà chanh chém gió” ngồi tràn lan vỉa hè với ghế đẩu mà khách teen nườm nượp. Đó là lí do, một thời bò bía nước mía đơn giản vậy mà người bán có thể lãi cả triệu mỗi buổi chiều tối dù bán vỉa hè. Còn bao nhiêu thứ xu hướng tiêu dùng của giới trẻ, mà một triệu phú đôla với tài sản tính theo tiền Việt lên đến vài ngàn tỉ đồng như ông Tài, cảm thấy lo ngại…
Sự lo ngại đó không phải vì lứa tuổi teen kia, mà lo ngại những chuỗi bán lẻ với triết lí và phương châm bán hàng rất “truyền thống” như Thế Giới Di Động sẽ bỏ lỡ, không đáp ứng kịp, mất đi cơ hội tăng doanh thu và nguy cơ tụt hậu.
Trung tuần tháng 10 vừa qua, chuỗi bán lẻ biểu tượng một thời của nước Mỹ - SEARS – đã nộp đơn xin phá sản ở tuổi thọ 132. “Cái chết” của SEARS khiến nhân viên Amazon lo sốt vó mới hỏi CEO của họ “liệu chúng ta có bị phá sản?”. Và Jeff Bezos đã trả lời rằng: “Có. Nhưng nếu một ngày phải phá sản, thì chúng ta sẽ cố gắng đến mức có thể cho nó đến chậm nhất”.
Câu hỏi dạng đó cũng được các nhà môi giới đầu tư đặt ra cho ông Nguyễn Đức Tài. Và ông Tài đã kể ra nỗi lo ngại của mình.
SEARS thời đỉnh cao doanh thu một năm đạt 53 tỉ USD, nhưng do không bắt kịp xu hướng và xem nhẹ việc đánh giá hành vi tiêu dùng mà năm trước khi đệ đơn xin phá sản doanh thu chỉ còn 17 triệu USD.