Việc bà Nguyễn Thị Minh Hương - giáo viên Trường tiểu học An Đồng, huyện An Dương, TP.Hải Phòng - ép buộc học sinh uống nước vắt từ giẻ lau bảng khiến chúng ta bàng hoàng và trăn trở về nguồn gốc cái ác, bạo lực học đường.
Bà Ninh Thị Hồng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam lên tiếng về vụ việc. Ảnh: Zing
Nhiều giáo viên (GV) chua chát: “Bà Hương đã làm một việc mà tất cả chúng tôi không ai dám nghĩ”. Quả thật, hành vi của bà Hương, không có cách định danh nào khác, ngoài “cái ác”.
Không hiểu nổi, nhà trường sư phạm, các GV hướng dẫn thực tập, kiến tập và ban giám hiệu Trường tiểu học An Đồng đã đào tạo, giáo dục, hướng dẫn bà Hương như thế nào, mà chỉ mới chân ướt chân ráo vào ngành, đã xảy ra việc buộc học sinh uống nước từ giẻ lau bảng.
Từ sự việc của bà Hương, cũng như vụ cô giáo phạt học sinh bằng hình thức quỳ gối, GV bạo hành học sinh…, các trường sư phạm cần rà soát, tăng cường giáo dục đạo đức cho giáo sinh. Cần thiết phải có quy trình thử thách, sát hạch, để phát hiện và loại bỏ những người “có vấn đề” về nhân cách, ứng xử, không cho “ra lò” những “sản phẩm lỗi”. Đồng thời, khâu tuyển sinh cũng cần phỏng vấn để lựa chọn những người có kỹ năng, phẩm chất phù hợp.
Đặc thù của nghề giáo là phải có sự đam mê và đặc biệt là có tình yêu thương trẻ em. Đây là phẩm chất nền tảng và động lực để GV vượt qua khó khăn. Do đó, cần lựa chọn được những người thực sự có phẩm chất nhân ái, kỹ năng thuyết phục vào ngành sư phạm; chứ đây không phải là nghề “kiếm cơm” thông thường.
Một chi tiết đáng lưu ý, bà Nguyễn Thị Minh Hương là con Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện An Dương. Sau khi tốt nghiệp một trường đại học kinh tế, bà Hương học thêm văn bằng của trường sư phạm và về Trường Tiểu học An Đồng dạy học. Như vậy, bà Hương vốn không lựa chọn sư phạm ngay từ đầu mà đây chỉ là giải pháp tình thế. Bà Hương cũng không được tuyển dụng đúng quy trình mà được đưa vào dạy hợp đồng do mẹ là lãnh đạo Phòng GD-ĐT.
Đối với con cái quan chức, nhiều đơn vị thường có sự vị nể, ưu ái, do đó thiếu sự kèm cặp, nghiêm khắc. Đây có thể là một nguyên nhân dẫn tới sai phạm của bà Hương.
Từ vụ việc này, cần quy định cụ thể cho việc sát hạch, tuyển dụng giáo viên. Kể cả sinh viên có bằng đỏ, cũng cần sát hạch hết sức chặt chẽ khi tuyển dụng. Trong quá trình công tác, cần loại bỏ ngay những người vi phạm nghiêm trọng. Mục đích là học sinh được những người xứng đáng dạy dỗ và không để xảy ra những vụ việc gây tổn thương cho ngành giáo dục.
Cô giáo phạt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng: Đưa học sinh đi kiểm tra sức khỏe
Học sinh lớp 3 bị cô giáo phạt uống nước giặt giẻ lau bảng vừa được đưa đến bệnh viện kiểm tra toàn diện sức ... |
Cô giáo phạt học sinh uống nước giẻ lau bảng: Có thể xử lý hình sự cô giáo
Luật sư cho rằng, có thể truy cứu cô giáo về tội "Hành hạ người khác" theo Điều 140 Bộ luật hình sự năm 2015 ... |
Cô giáo phạt học sinh uống nước giẻ lau bảng là con Phó phòng Giáo dục huyện
Cô Minh Hương, người bắt học sinh uống nước từ giẻ lau bảng, là con gái của bà Tạ Thị Ng. - Phó Trưởng phòng ... |