Giảm 50%, bỏ quy định điểm sàn

Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2018 với nhiều đổi mới dự kiến sẽ hạn chế nghịch lý điểm cộng và tình trạng “trượt oan” của các thí sinh.

giam 50 bo quy dinh diem san

Chia sẻ

Đông đảo học sinh các trường phổ thông đã tham dự ngày hội. Ảnh: ĐT

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia tham gia tư vấn tại “Ngày hội tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp năm 2018” diễn ra vào ngày 11.3, dự đoán cơ hội việc làm đối với nhiều ngành kinh tế, xã hội cũng sẽ mở rộng hơn.

Xoá dần nghịch lý điểm ưu tiên

Mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017, nghịch lý điểm ưu tiên trở nên nóng hơn bao giờ hết. Vì điểm ưu tiên, mà lần đầu tiên trong lịch sử tuyển sinh ĐH, CĐ có chuyện điểm chuẩn “vượt trần” lên tới ngoài 30 điểm/3 môn và thí sinh được 29-30 điểm/3 môn vẫn cay đắng trượt nguyện vọng 1…

Nắm bắt được thực tế, khi còn chênh lệch về điều kiện học tập giữa thành phố, nông thôn, đặc biệt là miền núi, chính sách ưu tiên là cần thiết, nhưng phải có điều chỉnh để bảo đảm công bằng. Mùa tuyển sinh năm nay, Bộ GDĐT đã có những điều chỉnh mới đảm bảo phù hợp và công bằng hơn.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - cho biết: Năm 2018, điểm ưu tiên khu vực sẽ được quy định giảm đi 50% so với năm 2017 trở về trước. Ví dụ ở khu vực 1 điểm ưu tiên sẽ là 0,75, ở khu vực 2 là 0,5 và khu vực 2 nông thôn là 0,25. Điều này phù hợp với lịch sử của quá trình ưu tiên từ trước đến nay. Sau một số năm, độ chênh lệch vùng miền không còn quá cao nữa để mức điểm này hạ xuống để phù hợp với sự phát triển của các vùng khó khăn.

Bên cạnh đó, điểm mới trong quy chế tuyển sinh 2018 nữa là việc Bộ GDĐT sẽ không quy định điểm sàn hay ngưỡng đảm bảo chất lượng, trừ với ngành đào tạo giáo viên. Quyền này sẽ được trao về cho các trường để tự chủ tiến hành cho phù hợp với chính sách tuyển sinh của từng trường.

Mặt khác, điểm xét tuyển năm 2018 sẽ được làm tròn đến hai chữ số thập phân. Vì thế, các thí sinh sẽ phải chắt chiu từng % điểm một để cạnh tranh trong quá trình thi và tuyển sinh. Một điểm mới nữa là năm nay bộ yêu cầu các trường bắt buộc phải công bố tỉ lệ sinh viên có việc làm sau một năm tốt nghiệp của hai năm trước. Các thí sinh có thể tham khảo để biết rằng trường nào thì có các ngành có chất lượng. Tuy nhiên, các em có thể kiểm chứng lại thông tin của các trường này để đảm bảo độ tin cậy cho các thông tin tham khảo của mình.

Về đăng ký tuyển sinh và xét tuyển năm 2018 cũng không có thay đổi nhiều so với năm 2017. Bên cạnh đó, bà Phụng cho hay: Từ năm 2017, các thí sinh đã được đăng ký nguyện vọng không giới hạn, mỗi em có những định hướng, lựa chọn khác nhau. Tuy nhiên, điều quan trọng không phải đăng ký bao nhiêu nguyện vọng, mà là các em có hiểu được về ngành học và khả năng của mình có phù hợp hay không.

“Nếu các em đã có đủ thông tin để lựa chọn, tôi cho rằng các em chỉ nên chọn trong khoảng từ 3-5 nguyện vọng. Có những nguyện vọng thấp hơn một chút so với năng lực tự đánh giá của các em để đề phòng rủi ro và ngược lại.

Do đó, khi chọn số nguyện vọng như vậy thì khả năng trúng tuyển của thí sinh sẽ ở mức độ cao. Bởi trong năm qua, tỉ lệ thí sinh trúng tuyển khi đăng ký từ 3-5 nguyện vọng rơi ở khoảng gần 70%” - bà Phụng chia sẻ.

Trước băn khoăn của nhiều thí sinh: Gần đây có một số thông tin trên báo chí nói rằng phải đạt 5 điểm/môn thành phần mới đỗ tốt nghiệp, bà Phụng khẳng định: “Không có quy định 5 điểm/môn thành phần mới đỗ tốt nghiệp. Quy định này vẫn được giữ nguyên. Tức là, điểm để được xét tốt nghiệp (điểm đỗ tốt nghiệp) vẫn là 5,0 điểm - đó là điểm trung bình của các môn thi THPT quốc gia cộng với điểm trung bình năm học lớp 12, sau đó chia cho 2, rồi cộng với điểm ưu tiên. Công thức năm nay cũng giống như các năm trước, không có gì khác. Điểm này chỉ sửa về mặt kỹ thuật, nên các em không phải lo lắng về nội dung này”.

Cơ hội việc làm ngành xã hội – kinh tế đều tăng lên

Được xếp chung với đại diện các trường khối Kinh tế, Công an, Quân đội vốn được dự báo là rất thu hút sự quan tâm của các bạn học sinh, nhưng ngành xã hội, nhân văn năm nay cũng không hề “lép vế”.

Theo PGS-TS Hoàng Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) - số lượng thí sinh quan tâm và hỏi về các ngành nghề trong lĩnh vực Khoa học xã hội và Nhân văn vẫn rất lớn. Trong đó, báo chí - truyền thông, tâm lý học, đông phương học.. là những ngành được nhiều học sinh quan tâm nhất. Cả những ngành vốn ít sức hút như Tôn giáo cũng vẫn có những học sinh quan tâm và hỏi kỹ lưỡng. Đây cũng là tín hiệu mừng khi trong một thời gian khá dài lĩnh vực Khoa học xã hội Nhân văn được xem là “ế ẩm”.

Cùng với đó, TS Nguyễn Đào Tùng - Trưởng ban Đào tạo Học viện Tài chính - cũng chia sẻ cơ hội việc làm mở rộng hơn đối với nhóm ngành Kinh tế. Theo TS Tùng, vấn đề dư thừa lao động ngành Kinh tế chỉ rơi vào 3 năm suy thoái kinh tế. Hiện tượng này không chỉ Việt Nam mà là tình hình chung thế giới. Nhưng sau 4 năm nữa, cơ hội có thể sẽ lại mở ra. Vì thế ngay bây giờ các em học ngành Kinh tế thì sau 4 năm nữa, cơ hội việc làm có thể sẽ tốt.

Từ 1-20.4, thí sinh sẽ đăng ký dự thi và xét tuyển ở nơi theo học; Thời gian điều chỉnh nguyện vọng dự kiến từ 19-26.7; Các trường phải công bố kết quả thi trước 6.8.
giam 50 bo quy dinh diem san Dự kiến bỏ điểm sàn đại học, giảm 50% điểm ưu tiên khu vực

Thông tin từ Bộ GD&ĐT cho biết dự kiến, quy chế tuyển sinh đại học năm 2018 có một số thay đổi, bao gồm việc ...

giam 50 bo quy dinh diem san Năm 2018 nới rộng xét tuyển đại học

Bộ GD&ĐT khẳng định từ kỳ tuyển sinh năm 2018 sẽ không còn điểm sàn. Vì vậy, nhiều trường đại học vừa công bố đề ...

/ https://laodong.vn