Với mục tiêu xây dựng đô thị văn minh xanh - sạch - đẹp, chất thải rắn được phân loại, tận thu tối đa, TP Hà Nội cho biết việc áp dụng công nghệ hiện đại là một trong những ưu tiên hàng đầu của Thủ đô. Theo đó, việc xây dựng trạm trung chuyển tạm thời, đặt thiết bị nghiền, tái chế chất thải rắn xây dựng được xem giải pháp thân thiện môi trường, góp phần tận dụng tối đa khối lượng phế thải xây dựng để tái chế thành vật liệu xây dựng quay trở lại tái sử dụng.
Chất thải rắn xây dựng có xu hướng tăng
Theo thống kê, lượng chất thải rắn xây dựng thải ra hàng ngày trên địa bàn thành phố Hà Nội khoảng 5.000 tấn, chưa tính đến khối lượng phát sinh đột biến từ các dự án xây dựng, giao thông trên địa bàn thành phố. Có thể kể đến như dự án mở đường Vành đai 3 Mai Dịch - Cầu Giấy, tuyến đường vành đai 2 kết hợp mở rộng theo quy hoạch đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng khối lượng chất thải xây dựng rắn khoảng 150.000 m3, dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội, dự án xây dựng đường vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục. Ngoài ra, thời gian tới sẽ phá dỡ xây dựng cải tạo khoảng 28 khu chung cư tập trung.
Có thể thấy, lượng chất thải rắn xây dựng thải ra hàng ngày sẽ có xu hướng tăng lên và không ổn định theo tốc độ đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố. Trong khi đó, thành phần chất thải rắn xây dựng chủ yếu là gạch và bê tông, đây là nguồn đầu vào khả thi để thực hiện xử lý, tái chế. Hiện tại thành phố chỉ có 4 bãi đổ chất thải rắn xây dựng và đến nay cơ bản các bãi tập kết, xử lý chất thải rắn xây dựng đã đầy, hạn chế khả năng tiếp nhận lượng chất thải xây dựng phát sinh trên địa bàn thành phố.
Để đáp ứng nhu cầu, UBND thành phố Hà Nội đã giao Sở Xây dựng chủ trì đôn đốc UBND các quận, huyện thực hiện triển khai ngay các vị trí trạm trung chuyển tạm thời, đặt thiết bị nghiền, tái chế chất thải rắn xây dựng, các vị trí gồm ô đất ngoài đê cầu Thanh Trì, bãi đổ tại xã Yên Sở (Hoàng Mai), bãi xử lý phế thải xây dựng Vĩnh Quỳnh (Thanh Trì)... Và triển khai dự án Khu xử lý, tái chế chất thải xây dựng theo hình thức xã hội hóa tại xã Dục Tú (huyện Đông Anh) và xã Phú Thị (huyện Gia Lâm) bằng công nghệ xử lý hiện đại, nghiền và tái chế chất thải rắn xây dựng, bùn thải thoát nước.
Sử dụng công nghệ hiện đại
Theo các chuyên gia, tồn tại lớn nhất của công tác quản lý, xử lý chất thải rắn xây dựng ở nước ta là chưa áp dụng được phương thức tổng hợp, chưa chú trọng đến các giải pháp phân loại chất thải rắn tại nguồn, tái sử dụng và tái chế chất thải nhằm hướng tới giảm khối lượng chất thải rắn phải chôn lấp. Bên cạnh đó, đầu tư cho công nghệ xử lý chất thải rắn hiện đại chưa tương xứng; nhiều công trình xử lý chất thải rắn đã được xây dựng và vận hành nhưng cơ sở vật chất, năng lực và hiệu suất xử lý không đạt yêu cầu.
Với mục tiêu xây dựng đô thị văn minh xanh - sạch - đẹp, chất thải rắn được phân loại, tận thu tối đa, TP Hà Nội cho biết việc áp dụng công nghệ hiện đại là một trong những ưu tiên hàng đầu của Thủ đô. Theo đó, vị trí trạm trung chuyển tạm thời, đặt thiết bị nghiền, tái chế chất thải rắn xây dựng tại xã Yên Sở (Hoàng Mai) đã được xây dựng và dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trong quý III/2018. Phạm vi phục vụ của trạm trung dự kiến là khoảng 50% lượng chất thải rắn xây dựng phát sinh hàng ngày tính toán theo quy hoạch trên địa bàn nội đô, dự kiến khoảng từ 100-150 tấn/ngày; hoặc xử lý, tái chế chất thải rắn xây dựng từ dịch vụ phá dỡ, vận chuyển cho các dự án và các công trình dân dụng theo nhu cầu thực tế trên địa bàn quận Hoàng Mai và các địa bàn lân cận, dự kiến khoảng từ 600-1200 tấn/ngày đêm.
Với hệ thống máy nghiền RM 70GO và Máy nghiền RM 100GO, Công ty Cổ phần dịch vụ sản suất Toàn Cầu cho biết, Trạm trung chuyển với công nghệ nghiền thiết bị sử dụng trong dây chuyền tái chế chất thải rắn xây dựng thành vật liệu xây dựng công nghệ cao là các máy móc thiết bị đảm bảo các tiêu chuẩn chống ồn, chống bụi của Việt Nam. Với tính ứng dụng cao, RM 70GO và RM 100GO có thể sẵn sàng sử dụng được trong vòng vài phút và xử lý tất cả các loại nguyên liệu khoáng sản như đá hộc, bê tông, nhựa đường, thủy tinh, than, và các loại đá tự nhiên khác. Đây là giải pháp thân thiện môi trường, góp phần tận dụng tối đa khối lượng phế thải xây dựng để tái chế thành vật liệu xây dựng quay trở lại tái sử dụng.
PV
Nữ sinh lớp 11 giành huy chương bạc làm phim về môi trường
Nguyễn Mai Anh vừa đạt thứ hạng cao trong cuộc thi dành cho học sinh trung học trên toàn thế giới về chủ đề môi ... |
Việt Nam trước nguy cơ thành ‘bãi rác’: Bộ Tài nguyên và Môi trường lên tiếng
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho rằng, Việt Nam đang thiếu cơ chế phòng ngừa và kiểm soát việc nhập khẩu ... |
Khám phá nhà máy lọc dầu “sạch” nhất Việt Nam
Là nhà máy lọc dầu hiện đại, ngoài mục tiêu vận hành thương mại an toàn tuyệt đối, Nhà máy lọc dầu Dung Quất luôn ... |