Một nội dung quan trọng tác động đến hàng triệu công chức, viên chức sẽ được Hội nghị T.Ư 7 khóa XII bàn bạc thảo luận sắp tới là đề án: “Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp”.
Cán bộ công chức mong muốn việc cải cách tiền lương phải có tác dụng kích thích tăng năng suất lao động, làm cho CBCC thực sự sống được bằng lương. Ảnh: HẢI NGUYỄN
Mục đích cao nhất của đề án là tạo ra động lực mới, đặc biệt là đối với những người có năng lực, trình độ cao chuyên tâm làm việc góp phần tăng năng suất.
Tự chủ sẽ tăng thu nhập
Chị Phan Hòa đang làm công tác giảng dạy ở một trường đại học tại Hà Nội được nhà nước đảm bảo các khoản chi thường xuyên. Thế nhưng gần 10 năm làm việc, mức lương của chị chỉ hơn 3 triệu đồng và một khoản phụ cấp thì tổng thu nhập của chị chỉ gần 5 triệu đồng. Sống giữa Thủ đô, chị Hòa khẳng định mức lương công chức không đáp ứng được cuộc sống thường nhật.
Tương tự hoàn cảnh chị Hòa là rất nhiều bác sĩ ở các bệnh viện công lập mà khi trưng bảng lương không ít người ngỡ ngàng: Tổng mức lương, thu nhập, tiền trực của một bác sĩ có chục năm kinh nghiệm chỉ… 8 triệu đồng. Tuy nhiên nếu nhìn sang các trường, bệnh viện dân lập hoặc những đơn vị mạnh dạn có được cơ chế tự chủ về tài chính, tiền lương thì tình hình khác hẳn, thu nhập người lao động tăng lên.
Mặc dù tiền lương cơ bản vẫn tăng theo quy định của Nhà nước, nhưng thu nhập từ các khoản phụ cấp đã tăng lên, thưởng tết, nghỉ hè, đặc biệt là các chính sách về nghiên cứu khoa học đã cải thiện rõ mức sống của công chức, viên chức. Đây chính là động lực để họ chuyên tâm công tác nghiên cứu, giảng dạy và đầu tư chuyên môn.
Tại đề án, ban soạn thảo do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công - cũng đưa ra với khu vực công: “Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được sử dụng quỹ tiền lương và kinh phí chi thường xuyên được giao hằng năm để thuê chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt.
Mở rộng thí điểm cơ chế áp dụng đối với một số tỉnh, thành phố ở vùng động lực được chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,8 lần” và “Thực hiện khoán quỹ lương cho các cơ quan, đơn vị. Bãi bỏ hệ số tiền lương tăng thêm đối với cán bộ, công chức thuộc các cơ quan đang thực hiện cơ chế tài chính đặc thù khi thực hiện bảng lương mới.
Bên cạnh đó đối với khu vực doanh nghiệp, đề án đưa ra nội dung: “Doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) được tự chủ quyết định chính sách tiền lương (trong đó có thang, bảng lương, định mức lao động) và trả lương phù hợp với tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, khả năng của doanh nghiệp.
Tách bạch tiền lương của người đại diện vốn nhà nước với tiền lương của Ban điều hành; thực hiện nguyên tắc ai thuê, bổ nhiệm thì người đó đánh giá và trả lương. Từng bước tiến tới thuê Hội đồng thành viên độc lập và trả lương cho Hội đồng thành viên, kiểm soát viên từ lợi nhuận sau thuế”.
Đây là những vấn đề rất mới sẽ được thảo luận kỹ nhưng về cơ bản khi đơn vị công được tự chủ về tài chính thì sẽ tạo ra được những chính sách đặc thù để thu hút người tài, nâng cao năng suất và trách nhiệm của chính những người lao động.
Đột phá: Xây dựng thang bảng lương mới
Khi làm việc với Ban soạn thảo đề án, lãnh đạo Tổng LĐLĐVN cũng đã đặt vấn đề: mặc dù từ năm 2004 đến 2017, tốc độ tăng lương cơ sở đã lên gấp 4,5 lần, nhưng so với thị trường lao động thì còn thấp. So với lương tối thiểu vùng được Chính phủ công bố áp dụng năm 2018 thì mức tiền lương cơ sở của CB, CC, VC mới chỉ đáp ứng 40% nhu cầu cuộc sống tối thiểu.
Nếu so với thang lương, bảng lương áp dụng cho CB, CC, VC giai đoạn 1986-1993 thì cách xây dựng thang lương, bảng lương giai đoạn từ năm 2004 trở lại đây không khác nhiều về bản chất, đó là tiền lương được xác lập trước và cố định. Cụ thể: Thang lương vẫn được xây dựng theo nguyên tắc tối thiểu-trung bình-tối đa, theo hệ thống ngạch, bậc cố định, được điều chỉnh tăng, giảm khoảng cách qua từng thời kỳ.
Tồn tại mức lương trả cho cán bộ, công chức, viên chức được xác lập theo khung cố định mang tính chủ quan, chưa gắn với số lượng, chất lượng công việc, chưa gắn với thực tế giá trị sức lao động và tốc độ tăng giá của hàng hóa trên thị trường là yếu tố cản trở sự phát triển, kìm hãm nỗ lực phấn đấu của người lao động.
Bởi vậy, xây dựng thang, bậc lương mới được cho là đột phá trong đề án này. Trả lời báo chí cuối năm 2017, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường đã khẳng định: “Chính sách tiền lương là chính sách rất quan trọng và nhạy cảm, là cơ sở để bảo đảm cuộc sống hằng ngày và các chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức người lao động, gia đình họ, gắn liền và tạo động lực góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Việc cải cách chính sách tiền lương phải có sự quyết tâm chính trị cao mới thực hiện được. Đồng thời, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cũng thay mặt Tổng LĐLĐVN đề nghị Đảng, Chính phủ quan tâm 5 liên quan đến chính sách tiền lương.
Một trong số đó, theo lãnh đạo Tổng LĐLĐVN: “Chính phủ tham mưu cho Đảng ban hành nghị quyết chuyên đề về cải cách chính sách tiền lương, với những quan điểm, mục tiêu, giải pháp khoa học, toàn diện và khả thi để chính sách tiền lương phải bảo đảm giá trị thực của tiền lương và từng bước cải thiện theo sự phát triển của kinh tế - xã hội; bảo đảm cuộc sống của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và có tích lũy; trả lương theo vị trí việc làm gắn với số lượng, chất lượng, năng suất thực hiện công vụ, công việc được giao; coi việc trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đủ, đúng cả về số lượng, chất lượng thực hiện nhiệm vụ là thực hiện đầu tư cho phát triển, mức tiền lương được hưởng phải tương xứng với giá trị sức lao động được thị trường thanh toán”.
Trong Hội nghị Trung ương 7 sắp tới sẽ thảo luận về thang, bậc lương mới với cơ cấu tiền lương và tiền thưởng mới gồm: Mức lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương); Các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương); Tiền thưởng (bằng khoảng 10% tổng quỹ lương).
Đồng thời, Hội Nghị cũng bàn sâu việc ban hành hệ thống bảng lương mới (quy định bằng số tiền tuyệt đối thay cho việc quy định hệ số lương nhân với mức lương cơ sở) theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo trên cơ sở điều chỉnh tăng mức lương thấp nhất và mở rộng quan hệ tiền lương tiệm cận với khu vực thị trường, gồm: Một bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã; 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo; 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang, gồm: 1 bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm/cấp hàm), 1 bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an và 1 bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an.
Với những cải cách mang tính cách mạng, đề án “Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong DN gắn liền với tinh giản biên chế, sắp xếp tinh gọn bộ máy khu vực công sẽ tạo ra bước ngoặt, tác động sâu và rộng để tạo ra làn gió mới trong lao động, sản xuất góp phần xây dựng đất nước.
Hơn 100 giáo viên Quảng Bình bị giảm tiền lương hưu
Hơn 100 giáo viên mầm non ở tỉnh Quảng Bình bất bình khi đột nhiên nhận thông báo hạ tiền lương hưu. |
Công khai thu nhập sếp doanh nghiệp nhà nước
Vinataba, MobiFone, Vinaphone... công bố mức tiền lương, thưởng dành cho lãnh đạo năm 2017, trong đó trung bình mỗi lãnh đạo nhận mức lương ... |
Tăng giá dịch vụ y tế: Còn nhiều vướng mắc
Theo báo cáo tại cuộc họp xin ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch ... |