“Tôi chỉ mong mỗi khi trở về với các bản, được thấy cuộc sống bà con khấm khá hơn, được nghe tiếng trẻ ríu ran đến trường, được xem các thiếu nữ nắm tay xòe hoa trong mỗi đêm hội và hơn hết là dưới những nếp nhà đơn sơ sẽ không còn tiếng ru buồn của những thiếu phụ...”. Câu nói của người thầy giáo vùng cao nặng lòng về nạn tảo hôn ấy bị bỏ ngỏ khi anh quay mặt đi với hai tròng mắt đỏ hoe.
Anh là Tao Văn Khoa - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nậm Manh (xã Nậm Manh - huyện Nậm Nhùn).
Ở Nậm Manh, bà con đặt cho anh những biệt danh đáng yêu, nào là “cán bộ dân số không chuyên”, nào là “chiến sĩ ở mặt trận hoa hồng”, nào là “ông tơ ba phẩy”... bởi nhờ anh, mấy năm trở lại đây, những cuộc hôn nhân gượng ép, không đúng, đủ tuổi - tảo hôn trên địa bàn xã đã giảm đáng kể.
Người dẫn đường đưa chúng tôi ngược những con dốc đứng đến với Nậm Danh, kể cho chúng tôi nghe những mẩu chuyện được bà con dân bản kể về thầy giáo Khoa. Cái giọng kể đậm chất thổ âm nghe như thì thào, thủ thỉ khiến nhân vật trong câu chuyện như thể bước ra từ cổ tích.
Sinh năm 1984, Tao Văn Khoa là người dân tộc Thái ở xã Mường So (huyện Phong Thổ). Học xong chuyên nghiệp, anh về công tác tại Phòng Giáo dục huyện Nậm Nhùn rồi năm 2014 được phân công lên công tác tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nậm Manh.
Là xã mới thành lập, với hai dân tộc chính là Mông và Khơ Mú, đời sống nói chung của đồng bào nơi đây còn rất nhiều khó khăn, cái vòng luẩn quẩn: Đói nghèo - tảo hôn - thất học cứ luân hồi như sợi dây trói chặt tương lai của muôn đời người dân nơi đây khiến họ cứ mãi bị bủa vây bởi trùng điệp đói nghèo, lạc hậu và tụt hậu... Mỗi lần về bản vận động học sinh ra lớp, những mệt nhọc của cả ngày đường đi bộ không làm thầy Khoa bận tâm, trăn trở bằng những tiếng ru buồn của những “bà mẹ trẻ” mà cái tuổi chỉ đáng học sinh của thầy. Nhìn căn nhà tuềnh toàng, bữa cơm thiếu thốn đến cả cái mâm, cái bát rồi những đứa trẻ lít nhít, áo quần lem luốc, chân trần trong giá rét với ánh mắt lấm lét nép sau váy mẹ, hay những bé sơ sinh ngủ ngon trước ngực mẹ mà mũi vẫn “thò lò”, rồi đến những giọt nước mắt đắng đót của các cô gái tan vỡ hạnh phúc gia đình khi tuổi chưa đến 20... khiến chàng thanh niên nhạy cảm ấy không thể cầm lòng. Mỗi chuyến đi dù có vận động được học sinh ra lớp nhưng tâm tư anh luôn trĩu nặng.
“Chuyện buồn thì có nhiều nhưng từ ngày lên đây tôi không thể nào quên được những em học sinh của mình hôm trước vẫn đang lên lớp, vẫn tập văn nghệ, hôm sau đã về nhà người ta làm vợ. Có em làm mẹ khi chiếc nhãn vở mới dán còn chưa kịp viết tên, có em lấy chồng rồi chia tay mà tuổi vẫn chưa qua 16. Có em mới chỉ lấy chồng môt thời gian ngắn, khi gặp lại tôi gần như không nhận ra. Những cái tên như Hạng Thị Máy (lấy chồng năm 14 tuổi và chồng là học sinh trong trường), Giàng Thị Bầu (lấy chồng khi 14 tuổi) và Sùng Thị Mái... là những em học sinh mà tôi không bao giờ quên được” - thầy Khoa chia sẻ trong sự nghẹn ngào.
Trăn trở, thầy Khoa quyết tâm thay đổi bằng được tình trạng này. Anh gặp gỡ trưởng bản, cha mẹ học sinh, liên hệ với lãnh đạo xã để cùng tuyên truyền, giáo dục các em. Tuy khi gặp những “nhân vật chính” luôn hứa hẹn, đồng ý quyết tâm đi học trở lại nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó có khi chính người đã hứa hẹn lại chính là người thúc giục, đồng tình hoặc làm ngơ cho các em lấy vợ, lấy chồng. Thấy rằng tuyên truyền theo lối mòn không hiệu quả, không khiến bà con hiểu được tác hại của việc tảo hôn, thầy Khoa chuyển hình thức tuyên truyền từ trực tiếp sang lợi dụng công nghệ, mạng xã hội. Mỗi lần đi bản vận động học sinh thầy Khoa đều mang thêm máy ảnh, máy quay phim để ghi lại những hình ảnh minh chứng cho cuộc sống kham khổ, những bất hạnh của những cặp tảo hôn. Thầy còn khéo léo gợi chuyện để chính những em học sinh bỏ học, tảo hôn “trải lòng” về cuộc sống của mình để những thước phim, hình ảnh thêm thuyết phục. Ngoài ra, để gần gũi hơn với các em thầy Khoa tự học tiếng dân tộc Mông để tiện trao đổi, thuyết phục và dùng đó làm ngôn ngữ tuyên truyền. Sau khi có “nguyên liệu” thầy tự mày mò học hỏi, tìm cách dựng các đoạn phim ngắn về người thật việc thật trong bản, trong xã, trong đó nội dung chính là thực trạng tình trạng tảo hôn và hậu quả của tảo hôn, hôn nhân cận huyết với lời chia sẻ của chính người trong cuộc bằng chính ngôn ngữ của đồng bào nơi đây. Trong clip thầy cũng phân tích tác hại, biện pháp phòng ngừa đồng thời đưa ra những tấm gương phát triển kinh tế xã hội ở địa phương để các em học sinh nói riêng và thanh, thiếu niên khi tiếp cận với các đoạn phim của thầy có được mục tiêu, mục đích, thấy được cuộc sống tươi sáng khi có học, từ đó các em xây dựng được ước mơ cho mình… Khi clip xây dựng thành công, được sự cho phép của cấp trên, thầy Khoa đăng tải trên mạng xã hội, Internet... chia sẻ trực tiếp cho các em học sinh trong trường, các em xem và rất thích thú đồng thời cũng nâng cao được nhận thức, hạn chế được tình trạng bỏ học.
“Không phải lần đầu dựng phim, lần đầu chia sẻ phim mọi chuyện đều suôn sẻ. Kỹ thuật dựng phim còn hạn chế, phương thức tiếp cận còn mới mẻ nên không ít lần nhiều người bảo tôi là rỗi hơi khi mang tiền nhà đi “vác tù và hàng tổng”. Nhưng những lời khinh khi đó không làm tôi nhụt chí mà còn là động lực để hoàn thiện các sản phẩm của mình nên đến nay, không chỉ thanh niên trong xã mà thanh niên ngoài huyện, tỉnh khác cũng chia sẻ clip của tôi dựng và có những phản hồi tốt”.
Với tư cách là lãnh đạo quản lý nhà trường, thầy Khoa cũng hiểu rằng nếu chỉ đơn thuần vận động các em học sinh ra lớp mà không giữ chân được các em thì công đi bản vận động đều đổ sông đổ bể. Do đó, dù còn nhiều khó khăn nhưng thầy vẫn luôn vận động cán bộ, viên chức, người lao động Nhà trường dành những điều tốt nhất cho các em từ miếng ăn, giấc ngủ đến các trò chơi. Thầy Khoa giải thích: “Phải làm cho các em vui, thích, thấy ý nghĩa thì các em mới ham học, thích đến trường. Ở đây các cô giáo dạy các em nữ cách sống, cách sinh hoạt, những biến đổi tâm, sinh lý, các thầy giáo dạy các em chơi thể thao, làm vườn, cô giáo chủ nhiệm dạy các em lau nhà, gấp chăn...H buổi tối các em có thể đến phòng các thầy cô hỏi bài, học bài. Ngoài ra chúng tôi còn xây dựng các hạt nhân để các em học sinh tự vận động nhau trong học tập và nhất là nắm bắt tâm tư bạn cùng trang lứa, khuyên bảo bạn không bỏ học lấy vợ, lấy chồng”.
Thầy Nguyễn Mạnh Hùng - Phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Nhùn - đánh giá: “Thầy Khoa là người tâm huyết, sáng tạo trong việc vận động học sinh ra lớp nói riêng và vận động bài trừ nạn tảo hôn nói chung. Những clip của thầy Khoa làm có tác dụng không chỉ với học sinh, thanh niên trong xã mà còn là tài liệu tuyên truyền được nhiều địa phương khác sử dụng để tuyên truyền”.
Năm 2017, tuy Nậm Manh vẫn còn đến 11 cặp tảo hôn nhưng nếu so với trước đây thì con số này là rất đáng mừng bởi số cặp tảo hôn đã giảm rõ rệt. Các em học sinh xem clip do thầy Khoa làm và hiểu rằng kết hôn sớm là rất có hại, do đó các em tự nhận thức, tự bảo nhau và đặc biệt là lên án những trường hợp có tư tưởng tảo hôn. Cha mẹ học sinh cũng nhờ các hình thức tuyên truyền của thầy Khoa mà quyết liệt ngăn cản các em lập gia đình khi chưa đủ tuổi (năm 2017 nhà trường cùng cha mẹ học sinh và các cơ quan liên quan đã can thiệp và can ngăn thành công 2 trường hợp học sinh có ý định bỏ học lấy chồng).
Tuy đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, được tỉnh, huyện ghi nhận nhưng với thầy Khoa vẫn còn tảo hôn tức là nhiệm vụ vẫn chưa hoàn thành. Hiện nay thầy đang gom tiền để mua một chiếc máy quay phim mới (fly cam) để sử dụng trong việc tuyên truyền. Giấc mơ của thầy vẫn là một ngày nào đó trên đất này không còn học sinh nào bỏ học lập gia đình để các em có quãng thời gian học trò trong sáng, từ đó xây dựng ước mơ, vươn lên thành công dân có ích, xây dựng bản làng ngày càng phát triển.
Thầy khiến HS khóc nghẹn: Người lớn khéo léo, trẻ sẽ nhận ra lỗi lầm
TS Nguyễn Thành Nhân cho rằng trong vòng xoáy của cuộc sống hiện đại, nhiều bạn trẻ đã quên đi tình cảm tốt đẹp mà ... |
Thầy cô hái măng, bắt cá cải thiện bữa ăn
Giáo viên cắm bản thường xuyên đối diện với việc thiếu thực phẩm. Để cải thiện, thầy cô lên rừng hái măng, lá sắn, hay ... |