Ngày 2/12, mưa kéo dài làm lũ đổ về dồn dập khiến nhiều nơi ở TP Nha Trang (Khánh Hòa) ngập sâu trong lũ, có nơi hơn nửa mét.
Tại các xã nằm ven ngoại ô thành phố, khá thấp trũng như xã Vĩnh Thạnh, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Phương... bị ngập sâu, có nơi hơn nửa mét.
Nước gây ngập nhà cửa, đường sá khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn. Hàng loạt xe trên đường bị chết máy
Đường 23 Tháng 10 - tuyến giao thông nối trung tâm Nha Trang với huyện Diên Khánh - ra quốc lộ 1A cũng ngập sâu, có điểm hơn nửa mét. CSGT đã căng dây hai đầu, đặt biển cảnh báo cho người dân, còn ôtô phải quay đầu, chạy hướng Trần Phú ra quốc lộ 1A theo tiếp hành trình Nam - Bắc.
"Sáng nay, tôi chở hàng cho khách ở huyện Cam Lâm. Khi đi thấy đường vẫn bình thường, nhưng đến chiều trở về đường đã ngập. Lúc xe chạy qua được đoạn bị thì xe chết máy", tài xế Nguyễn Văn Phương nói.
Thấy nhiều người xe bị chết máy lúc chạy tới điểm ngập, anh Nguyễn Văn Chiến tranh thủ bịt ống pô. "Làm vậy nước xe không tràn vào, rồi dắt qua khỏi nước lũ sẽ chạy bình thường", anh Chiến cho biết.
Đón con từ trường trở về nhưng xe chết máy giữa lũ, chị Thủy (34 tuổi) bảo ban đầu để cháu ngồi trên xe vì không muốn bé bị ướt quần áo. Hì hục đẩy xe đoạn thì đuối sức, chị đành phải để con lội bộ.
Nhiều học sinh bất chấp nguy hiểm đạp xe vượt lũ để về nhà.
Nhiều người đưa xe máy lên ba gác tăng bo qua điểm ngập lũ với giá 50.000 đồng.
Quán sá chìm trong lũ, nhiều người phải ăn trong tư thế đứng, ngồi đủ kiểu. "Tôi nhỡ nấu bún cá từ sáng, nên cố gắng bán hết để gỡ vốn", chủ quán bún cho biết.
Căn nhà thuê nhà ở xã Vĩnh Hiệp bị nước tràn vào, người đàn ông nước ngoài đóng cửa, sơ tán đến khu vực cao ráo hơn.
Nhiều ông bố đội con vượt lũ.
Ông Ngô Khắc Thinh, Phó phòng Quảng lý đô thị TP Nha Trang cho biết, mưa lũ làm hàng chục khối đất đá trên đèo Cù Hin bị sạt lở, chất đống trên đường. Tuyến giao thông nối TP Nha Trang đi sân bay Cam Ranh bị ùn tắc.
Tại Quốc lộ 27C nối Nha Trang - Đà Lạt bị sạt lở nghiêm trọng. "Khi sự cố xảy ra, không có ai bị thương", ông Thinh nói.
Người dân chèo thuyền trên phố để chạy lũ.
Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn Khánh Hòa cho hay, mưa kéo dài nhiều ngày, khiến nước tại hồ chứa dâng cao, một số nơi phải xả lũ để điều tiết nước.
Theo đơn vị này, tối nay mức nước ở các hồ chứa và sông có thể dâng cao. Trong đó, ở song Cái có khả năng ở mức báo động 3.
Một tháng trước, Khánh Hòa bị bão Damrey càn quét khiến 45 người chết, hơn 3.000 ngôi nhà đổ sập; 12.000 nhà tốc mái, hư hỏng. Hàng chục nghìn lồng bè nuôi thuỷ hải sản bị tàn phá. Theo thống kê địa phương, thiệt hại tại địa phương gần 15.000 tỷ đồng. Trong đó, TP Nha Trang cũng bị thiệt hại nặng nề.