Ngày khai trường, như thường lệ, cạnh những bài báo phản ánh nỗi gian truân, những đứa trẻ không may mắn, những câu chuyện nhiều nước mắt, để tương phản với không khí tưng bừng trong ngày hội đến trường của học sinh cả nước.
Năm nay, đó là hình ảnh những đứa trẻ ở Điện Biên phải vượt suối đến trường bằng túi nilon vì không có cầu. Và như thường lệ, câu chuyện nhanh chóng tác động đến cảm xúc của độc giả và trở thành chủ đề tương tác của mạng xã hội ở khía cạnh bất công xã hội, chênh lệch mức sống, hiệu quả đầu tư công… Nhưng điều quan trọng nhất, đáng nói nhất, là trách nhiệm của gia đình, cộng đồng, và nhà trường của những đứa trẻ ấy đối với sự an toàn của chúng, thì ít được khai thác.
Vì sao những đứa trẻ ở Điện Biên lại vượt suối bằng túi nilon? Ảnh: VOV
Vì sao những đứa trẻ đó lại vượt suối bằng túi nilon? Những chiếc túi nilon được coi là phương tiện khả dụng nhất để vượt suối, hay đó là cách vượt suối ưa thích nhất của những người dân nơi này?
Khi xem những hình ảnh vượt suối bằng túi nilon của bọn trẻ Điện Biên, tôi bỗng nhớ tới những chiếc phà kéo tay trên thượng nguồn sông Mã, sông Chu nhiều năm về trước. Đó là những chiếc phà tre được cố định bằng ròng rọc với một sợi cáp bắc ngang sông để nó có thể sang ngang ổn định trong nước xiết. Tre, luồng là những vật dụng giá rẻ, không khó kiếm ở miền núi phía bắc, thậm chí nó còn dễ kiếm hơn những chiếc túi bóng đủ to, đủ chắc cho lũ trẻ vượt lũ. Vì thế, tôi thực sự cảm thấy khó hiểu khi người ta đưa trẻ qua suối theo cách thức đáng sợ trong chiếc túi bóng vừa mong manh vừa bức bí như thế. Một cộng đồng hiếu học, một cộng đồng mà có những người đàn ông dầm mình trong nước lũ để kéo những đứa trẻ bang suối trong những chiếc túi nilon, lẽ nào không thể làm nổi một chiếc phà tre kéo dây khi chưa thể xây cầu?
Còn nếu như chui vào túi nilon là một cách thức băng suối được ưa thích, một trò chơi của lũ trẻ thì sao? Nếu vậy, tôi nghĩ rằng những người lớn ở đây thật đáng trách! Trò chơi này quá nguy hiểm khi mà một cú tuột tay có thể khiến những đứa bé trong túi nilon hoàn toàn bị động trong dòng nước. Chúng sẽ không thể cử động tay chân trong không gian chật hẹp và yếm khí của chiếc túi. Bởi thế, tôi không tin đó là trò chơi, là cách thức ưa thích để vượt suối của những đứa trẻ này.
Không phải cách thức duy nhất khả dụng, không phải trò chơi ưa thích để qua suối, qua sông, vậy điều gì khiến những đứa trẻ ở Điện Biên phải chui vào túi bóng?
Hai năm trước, chuyện tương tự cũng đã từng xảy ra. Nó gây xúc động đến nỗi ngay lập tức Bộ trưởng Bộ Giao thông đã đích thân lệnh làm cầu qua dòng suối nơi câu chuyện bắt đầu. Nay, cây cầu đã hỏng, và ông Bộ trưởng ngày ấy đã đi tù, và những chiếc túi bóng quay trở lại trong ngày khai giảng. Có thể, nơi ấy sẽ có một chiếc cầu được xây. Và cũng có thể, trên những đoạn suối khác, năm sau, năm sau nữa, vào ngày khai giảng sẽ lại có những chiếc túi bóng đưa người đến trường trong ngày khai giảng.
Do mùa lũ, nước suối Nậm Chim lên cao, cuốn trôi cầu tạm bằng tre nên người dân phải dùng bè tre, căng dây thừng qua suối để đi lại. Ảnh: VOV
Trên hệ thống sông suối của núi rừng có biết bao cây cầu cần được xây mới. Có biết bao nhiêu đứa trẻ mong mỏi được qua sông an toàn. Đó là điều mà báo chí cần cất lên tiếng nói giục giã của lương tâm. Song, khi chưa có những cây cầu, khi mà niềm mong mỏi chưa được đáp ứng, điều tốt nhất mà cộng đồng có thể làm được là giữ cho con trẻ được an toàn. Đừng lấy tính mạng của những đứa trẻ để thay lời muốn nói, cho dù lũ trẻ vượt suối trong bao là những hình ảnh truyền thông vô cùng ấn tượng.
Ngày khai giảng trên boong tàu hải quân Anh của học sinh Sài Gòn
23 học sinh của TP.HCM đã có ngày ngày khai giảng 5/9 đáng nhớ bằng chuyến thăm tàu hải quân Anh đang đậu ở cảng ... |
Xúc động bức ảnh 3 em nhỏ bên hàng rào trường học ngày khai giảng
Bức ảnh của một độc giả ở TP.HCM ghi lại cảnh 3 em nhỏ phía ngoài hàng rào của trường học trong ngày khai giảng khiến người ... |
Khai giảng của trẻ em ở những nơi nghèo nhất thế giới
Khi ngày khai giảng bắt đầu ở nhiều nơi trên thế giới, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) đã cho thấy cảnh đi tìm ... |