Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, nên đưa giáo dục bình đẳng giới vào dạy từ lứa tuổi mầm non, giáo dục sinh sản sẽ được đưa vào từ chương trình lớp 4
Trong khi người lớn vẫn đang tranh luận có nên đưa nội dung giáo dục sinh sản vào dạy từ lớp 4, né tránh hay thẳng thắn nói về chuyện giới tính với con, thì những vụ việc đau lòng vẫn xảy ra: Bạo lực học đường vì đánh ghen, nạo phá thai ở lứa tuổi vị thành niên tăng đột biến.
Những con số biết nói
Tại hội thảo “Đảm bảo bình đẳng giới trong chương trình giáo dục phổ thông” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức mới đây, các chuyên gia đã nêu ra một loạt con số, chỉ ra những vấn đề bất bình đẳng giới và giáo dục giới tính đang tồn tại trong sách giáo khoa.
Ông Trần Kim Tự - Cục phó Nhà giáo (Bộ GDĐT) - cho biết, theo báo cáo nghiên cứu của bộ và UNESCO, vấn đề giới trong sách giáo khoa Việt Nam còn nhiều nội dung, hình ảnh mang định kiến giới.
Đầu tiên là việc mất cân đối về số lượng tác giả nam và nữ trong sách giáo khoa. Tiếp đó là mất cân đối về tỉ lệ nhân vật nam và nữ. Hình ảnh đại diện nghề nghiệp của nam và nữ chưa phản ánh được xu hướng và những thay đổi trong xã hội. Nội dung về giáo dục giới tính, kỹ năng sống chưa được đề cập một cách bài bản, chính thức.
Số liệu thống kê cho thấy sự bất bình đẳng giới trong sách giáo khoa hiện hành. Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Các đại biểu tham gia hội thảo cũng dẫn số liệu của Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam về việc có đến 93% trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân, người quen. Mỗi năm có khoảng 300.000 ca phá thai tuổi vị thành niên. Tuy nhiên, việc giáo dục giới tính cho trẻ em còn gặp nhiều khó khăn vì các bậc phụ huynh và cả giáo viên còn khá “e dè”, coi đây là những vấn đề nhạy cảm.
Trong khi đó, với sự phát triển kinh tế, xã hội, học sinh dậy thì ngày càng sớm, khoảng 12 - 14 tuổi. Cũng vì thiếu hiểu biết về giới tính, sức khỏe sinh sản trước khi thành người lớn, rất nhiều nữ sinh rơi vào cảnh “bà mẹ tuổi teen” khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Vì những lý do đó, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - kiến nghị, trong chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới, Bộ GDĐT nên đưa nhiều hơn nội dung giáo dục về giới tính cho học sinh.
Lo lắng sẽ “vẽ đường cho hươu chạy”!
Trước những đề xuất này, GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới - cho rằng, đây là việc cần thiết và nên đưa giáo dục về bình đẳng giới vào dạy từ lứa tuổi mầm non, còn giáo dục sinh sản sẽ được đưa vào từ chương trình lớp 4 - sớm hơn một năm so với chương trình hiện hành.
“Đây sẽ được coi là nội dung chính trong một số môn như giáo dục công dân, tự nhiên xã hội, hoạt động trải nghiệm và một số môn học tích hợp. Bộ GDĐT nên kêu gọi sự tham gia của các chuyên gia về giới và bình đẳng giới trong công tác tập huấn giáo viên và tác giả làm sách” - GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ.
Giờ dạy về việc chống xâm hại tình dục ở một trường THCS. Các em đang học cách thoát ra khỏi vòng tay người lạ. Ảnh: Nguyễn Thảo. |
Dù vậy, GS Nguyễn Minh Thuyết cũng bày tỏ không ít băn khoăn. "Những nội dung này vốn được coi là nhạy cảm, tế nhị, gây ý kiến trái chiều nên xã hội chưa chắc đã đồng tình. Các chuyên gia thì nói đưa muộn khiến học sinh bị thiếu kiến thức. Nhiều người lại e ngại đưa sớm sẽ dễ vẽ đường cho hươu chạy" – Giáo sư Thuyết bày tỏ.
GS.TS Lê Thị Quý - Viện trưởng Viện nghiên cứu giới và phát triển - cho rằng, để giáo dục giới tính có hiệu quả, nên lồng ghép kiến thức về giới tính, sinh sản vào các môn học.
Bà đưa ra lời khuyên: “Cô giáo dạy Văn có thể nói cho học trò hiểu về ý nghĩa của tình yêu, tình bạn. Yêu để giúp nhau học tập, cùng nỗ lực phấn đấu, chứ không phải ghen tuông, hại nhau, dạy các em biết cách yêu lành mạnh, trong sáng. Bất kể thầy cô nào cũng có thể lồng ghép các kiến thức về bình đẳng giới vào môn học của mình.
Tôi nghĩ gia đình và nhà trường đừng thờ ơ, né tránh vấn đề về giới tính. Thời đại công nghệ bây giờ, chẳng cần “vẽ đường” thì “hươu cũng tự chạy”. Thà dạy trước và chỉ cho con đi đúng cách còn hơn để chúng mông lung, không có đủ kiến thức bảo vệ mình”.
https://laodong.vn/giao-duc/dua-giao-duc-sinh-san-vao-day-tu-lop-4-co-ve-duong-cho-huou-chay-552021.ldo
Đào tạo tiến sĩ: Việt Nam là số 1?!
Chỉ trong 3 năm từ 2015-2017, một đơn vị đào tạo trong nước đã ấp nở đến hơn 1.100 tiến sĩ. Chắc là không nơi ... |
Sai phạm tại NXB Giáo dục Việt Nam: Trại viết sách thành khu nghỉ dưỡng
Thanh tra Bộ GD-ĐT đã kết luận hàng loạt sai phạm xảy ra tại NXB Giáo dục Việt Nam. |
Con trai Giám đốc Sở Giáo dục Vĩnh Phúc được bố quy hoạch
Con trai Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc tự tin năng lực được cất nhắc làm Phó Giám đốc Sở GD-ĐT. |