Đôi vợ chồng công nhân khuyết tật vượt lên nghịch cảnh

Hai vợ chồng có chung “hoàn cảnh” - bị tật nguyền từ nhỏ. Và họ đã vượt lên nghịch cảnh, trở thành những công dân có ích trong xã hội. Đôi vợ chồng Nguyễn Ngọc Tuấn Minh (33 tuổi) và Nguyễn Thị Phương (30 tuổi) - công nhân Cty Taekwang Vina (KCN Biên Hòa 2, Đồng Nai) - trong năm 2017 đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho gia đình công nhân tiêu biểu.

doi vo chong cong nhan khuyet tat vuot len nghich canh
Vợ chồng Minh - Phương. Ảnh: PV

Không chịu đầu hàng số phận

Tại Cty Taekwng Vina, KCN Biên Hòa 2, Đồng Nai, công nhân nào cũng biết, ngưỡng mộ vợ chồng công nhân Nguyễn Ngọc Tuấn Minh - Nguyễn Thị Phương vì những nỗ lực của họ trong cuộc sống. Hàng ngày, trên chiếc xe máy ba bánh, vợ chồng anh Minh cùng cô con gái Minh Thư (5 tuổi) chở nhau đi làm rất vui vẻ và hạnh phúc. Sau khi đưa bé Minh Thư tới trường mẫu giáo Thái Quang dành riêng cho con công nhân, vợ chồng anh vào làm việc, tới buổi chiều, anh chị tới đón cô con gái rồi cùng về khu nhà trọ tại cổng 11, TP.Biên Hòa (Đồng Nai).

Chị Phương từ nhỏ bị bệnh tim bẩm sinh. Ngoài bệnh tim, Phương còn được chẩn đoán là yếu dây thần kinh, việc đi lại rất khó khăn, phải tập tễnh từng bước một. Phương quê ở Ninh Bình, đã sớm cùng gia đình vào huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai sinh sống. Vì bệnh tật, dù rất mê đi học, nhưng cố gắng lắm, Phương cũng chỉ học hết cấp 3. Phương đành ở nhà phụ giúp việc nhà lặt vặt để bố mẹ đi làm rẫy. Thấy ba mẹ già mà còn phải sớm hôm ra rẫy làm việc vất vả, Phương cảm thấy xót xa, chị quyết chí đi xin việc làm.

Năm 2008, Phương hay tin, tại khu Hố Nai có cơ sở Đức Hiền nhận người khuyết tật vào làm việc. Chủ cơ sở cũng là người khuyết tật nên rất đồng cảm và luôn mở cửa đón nhận người khuyết tật dù hết hàng, hết việc. Vì vậy, Phương nộp hồ sơ và được nhận vào làm. Phương chia sẻ: “Dù làm việc cả năm trời cũng chỉ tiết kiệm được 150.000 đồng, nhưng tôi vẫn rất vui vì được đi làm, gặp gỡ bạn bè và cảm thấy mình có ích”. Tuy nhiên, niềm vui ngắn ngủi, cơ sở không may gặp phải sự cố hỏa hoạn, thiêu rụi toàn bộ nhà xưởng và dẫn tới tan rã. Phương đành từ bỏ để tìm kiếm cơ hội khác.

Năm 2009, Phương tiếp tục tìm kiếm công việc tại một Cty tại huyện Long Thành có nhận công nhân khuyết tật. Tại đây, cô làm công việc cắt chỉ với mức tiền công quá thấp. “Thực tế, cơ sở này nhận người khuyết tật về làm việc để bóc lột sức lao động, trả lương với mức tiền bèo bọt, người khuyết tật chỉ được làm công việc cắt chỉ còn những người khỏe mạnh bình thường mới được làm công việc may, nên chỉ làm được 2 tháng thì em nghỉ” - Phương nói.

Sau đó, Phương tiếp tục nộp đơn khắp các nơi nhưng không thấy hồi âm. Đến năm 2010 thì bất ngờ tin vui đến với chị khi chị đang ở trên TP.Biên Hòa tìm việc thì dưới quê gọi điện lên cho biết, Cty Taekwang Vina gửi giấy báo về UBND xã và báo, chị đã trúng tuyển thử việc tại Cty này. Nhờ Cty có chế độ đãi ngộ tốt đối với người khuyết tật, Phương đã quyết tâm gắn bó với Cty này cho đến tận bây giờ.

Trong quá trình làm việc, Phương đã gặp Nguyễn Ngọc Tuấn Minh, người có cùng hoàn cảnh như chị. Minh quê ở quận 9, TPHCM, lúc nhỏ bị sốt bại liệt khiến đôi chân anh không thể di chuyển bình thường được. Cũng như Phương, Minh không chịu đầu hàng số phận, lớn lên anh làm đủ mọi thứ việc để tự nuôi sống bản thân, ai nhờ gì anh cũng làm. Đến khoảng năm 2008, anh Minh được nhận vào một Cty tư nhân, làm việc với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng với công việc uốn nhựa. Nhưng làm được một thời gian thì anh Minh nghỉ việc.

Minh nói: Công việc từ 6h sáng đến 7-8h tối nhưng thu nhập quá thấp, lại không có chế độ phúc lợi gì cho người lao động, tôi thấy mình bị bóc lột sức lao động nhiều quá nên đành phải nghỉ việc dù rất tiếc nuối vì không dễ dàng để có được một công việc khi bản thân là người khuyết tật”.

Sau đó, anh Minh tiếp tục làm việc ở nhiều Cty tư nhân khác, nhưng tình hình cũng không khả quan hơn nên cứ được một thời gian anh lại phải nghỉ việc. Đến năm 2011 thì anh nghe tin từ bạn bè, tại Cty Taekwang Vina có tuyển công nhân khuyết tật nên anh lại chạy lên Biên Hòa để xin việc, nhưng không may, khi anh nộp đơn xin tuyển dụng thì Cty đã tuyển đủ người, anh Minh phải chờ đợi thêm 6 tháng nữa mới tới đợt tuyển dụng mới. Không bỏ cuộc, anh tiếp tục ở lại Biên Hòa kiếm việc làm và chờ đợi tới khi Cty tuyển dụng lại và được nhận vào làm việc tại Cty Taekwang Vina - Long Bình.

Làm chung Cty và còn cùng chung hoàn cảnh, anh Minh và chị Phương nhanh chóng quen biết nhau. Phương kể: “Em ở trọ với em trai của em đang học đại học, rồi biết anh Minh thông qua người bạn. Lúc đó, em cũng chưa có ý định tình cảm gì mà còn nghĩ phải lo cho em trai học xong 4 năm đại học thì mới nghĩ đến chuyện của mình, nhưng rồi vì đồng cảm, nên em và anh Minh dễ gặp nhau hơn và dễ nói chuyện hơn, rồi bọn em thân thiết với nhau và yêu nhau lúc nào em cũng không nhớ rõ. Đến năm 2012, bọn em cưới nhau và về ở chung trong căn nhà trọ.

“Phép nhiệm màu” mang tên Minh Thư

Hiện tại, gia đình anh Minh đang sống trong căn nhà trọ ọp ẹp chỉ khoảng 20m2 nhưng ở tới 5 người gồm gia đình Minh và ông bà ngoại. Vì thấy vợ chồng Minh - Phương cứ cuối tuần lại chạy về Định Quán thăm con vất vả nên cả hai ông bà đã bán nhà ở quê, lên ở chung để chăm sóc phụ giúp vợ chồng Minh rồi đi phụ việc cho người ta để kiếm thêm tiền chi tiêu.

Minh nói: “Đời công nhân cực nhất là chuyển nhà trọ, mà đối với vợ chồng em còn cực khổ hơn. Chuyển trọ hơn chục lần, tưởng chuyển về cổng 11 ở sẽ yên ổn rồi nhưng lại gặp phải nạn nước ngập, nhiều lần cả nhà đang ăn cơm thì nước từ ngoài đường ào vào phòng trọ, lúc đó, ông bà ngoại chỉ kịp ôm được cái tivi quăng lên trên gác rồi cả nhà chạy lên tránh ngập, nhìn toàn bộ đồ đạc bên dưới mặc sức cho nước bẩn tấn công. Nhà cửa đã chật hẹp, lương của em cũng chỉ 6-6.5 triệu đồng/tháng nhưng mới nhận xong đã hết veo. Một tháng chi tiền phòng trọ đã hết 1,5 triệu đồng, 2 triệu đồng tiền sữa cho Minh Thư, tiền đóng lãi ngân hàng 3 triệu đồng/tháng, chưa kể các chi phí ăn uống đi lại, xăng xe, cưới hỏi, điện nước… Tiền tích cóp được chỉ trông chờ vào lương của vợ, nên chắc gom góp cả chục năm nữa cũng chưa đủ mua được một miếng đất để cất một căn nhà đàng hoàng”.

Hai vợ chồng Minh ở trọ khá xa chỗ làm và do việc đi lại gặp khó khăn, bình thường, họ nhờ bạn bè chung chỗ làm chở tới nơi làm việc, nhưng nhiều lúc “kẹt” quá, vợ chồng Minh phải thuê xe ôm để đi làm. Vất vả, nhưng vì Cty này có mức lương tốt và công việc ổn định nên vợ chồng Minh vẫn cố gắng làm việc tiếp. Sau đó, vợ chồng Minh chắt bóp mua một chiếc xe cũ hơn 10 triệu đồng và vay mượn thêm ngân hàng sửa xe lại thành xe ba bánh chuyên dùng để đi lại vì “chiếc xe ba bánh đó thay cho đôi chân của vợ chồng em” - Minh nói.

Giữa bao nỗi lo toan đời thường như vậy, Phương vẫn còn nỗi niềm lớn mà không chia sẻ cho Minh biết. Vì bị bệnh tim bẩm sinh, Phương được các bác sĩ yêu cầu là không được sinh nở, điều đó có thể khiến Phương và đứa con trong bụng bị tử vong. Phương nói: “Em tới bệnh viện Thánh Tâm, bệnh viện Từ Dũ đều khám cho em biết bị bệnh tim nặng và nếu đẻ sẽ nguy hiểm tới tính mạng nhưng em vẫn quyết mang thai. Em muốn được làm một người phụ nữ trọn vẹn, được lấy chồng và sinh cho chồng những đứa con như bao người phụ nữ khác. Dù hy vọng thành công rất mong manh như em vẫn quyết tâm”.

Sau đó, Phương mang thai và đi khắp các bệnh viện để thăm khám thì đều nhận được cái lắc đầu của các bác sĩ vì nguy cơ tử vong cả mẹ và con đều rất cao, nhưng Phương vẫn quyết tâm được sinh cho chồng một đứa con. Đến năm 2013, ngày chuẩn bị sinh, Phương được nhập viện BVĐK Đồng Nai và được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM).

Phương kể: “Đến lúc lên bàn mổ, bác sĩ báo cho gia đình chồng em biết sự tình và yêu cầu gia đình ký vào bản cam kết thì ai cũng khóc cả, nhưng lúc đó không còn đường lùi nữa nên cả gia đình chỉ biết cầu nguyện cho em vượt qua giai đoạn khó khăn này. Và may mắn, em được “mẹ tròn con vuông”. Chỉ có phép nhiệm màu mới giúp vợ chồng em vượt qua được”.

Phép màu đó giờ đã 5 tuổi và tên là Minh Thư - con gái của họ hiện tại đang là “học viên” của trường mầm non Thái Quang. “Giờ nó là cục vàng của vợ chồng em. Từ lúc mới đẻ ra là Minh Thư ốm suốt, hai mẹ con bồng bế nhau ở đủ các bệnh viện từ BV Nhi Đồng Nai đến BV Nhi Đồng TPHCM rõng rã hàng tháng trời. Em thì vừa phải nghỉ làm đi chăm con, lại không có tiền phải đi vay mượn đủ đường để chữa bệnh cho Minh Thư nhưng em vui vì được làm mẹ của Minh Thư” - Phương nói.

Niềm vui kế tiếp niềm vui, mới đây, trong lần Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra việc thực hiện chính sách cho công nhân lao động tại Cty Taekwang Vina, vợ chồng Minh-Phương đã được Thủ tướng tặng quà cho gia đình công nhân tiêu biểu của tỉnh Đồng Nai năm 2017. Đối với vợ chồng anh Minh, đó là niềm động viên to lớn để gia đình anh vượt qua được những khó khăn phía trước trong cuộc sống.

doi vo chong cong nhan khuyet tat vuot len nghich canh Nam công nhân hốt hoảng tháo chạy khỏi công trường giữa đêm

- “Hùng vào làm việc đúng dịp các công nhân mắc dịch sốt xuất huyết. Vừa được một ngày, nam công nhân nhìn thấy cảnh trên, lo ...

doi vo chong cong nhan khuyet tat vuot len nghich canh Cô bé khuyết chân vượt qua nghịch cảnh

Mất cả hai cẳng chân từ khi chưa đầy 2 tuổi, cô gái trẻ gốc Việt Haven Shepherd giờ đây đã vươn lên trở thành ...

/ Lao động