Doanh nghiệp muốn phát triển: Chọn lợi nhuận hay đạo đức?

Sau nhiều vụ việc liên quan tới sản xuất, kinh doanh hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng bị phanh phui, dư luận băn khoăn lợi nhuận hay đạo đức kinh doanh mới là nền tảng cốt lõi cho doanh nghiệp phát triển?

Lợi nhuận và đạo đức kinh doanh phải được thực hiện đồng thời là chiến lược của các công ty

Tàn độc kinh doanh thuốc giả

Trong khi vấn nạn thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng chưa có dấu hiệu lắng xuống thì dư luận lại rúng động trước câu chuyện của Martin - một nam giáo viên dạy tiếng Anh người Bỉ được cho là mù hai mắt sau khi uống rượu tại Hà Nội. Ngay sau đó, hàng loạt vụ việc tương tự được phát giác nhằm cảnh tỉnh những người thường xuyên sử dụng rượu, bia không rõ nguồn gốc. Điển hình là Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã cấp cứu cho 7 sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu… Những dẫn chứng kể trên chỉ là số ít trong các ca nhập viện gần đây do ngộ độc Methanol.

Cơ quan chức năng đã xét nghiệm nhiều mẫu rượu và kết quả có mẫu nồng độ Methanol vượt ngưỡng 2000 lần. Lòng tham đã làm mờ mắt những người kinh doanh thiếu đạo đức khi đang âm thầm cướp đi sinh mạng nhiều người.

Không chỉ rượu, trong lĩnh vực dược phẩm mới đây cũng rúng động vụ việc Cty Cổ phần VN Pharma bán thuốc ung thư giả, trích phần trăm “hoa hồng” lên tới 7.5 tỷ VNĐ cho bác sĩ để những người “lương y” này kê đơn thuốc cho bệnh nhân.

Yếu tố thành bại của doanh nghiệp

Dù lợi nhuận là một trong những yếu tố sống còn của doanh nghiệp, nhưng nếu coi đó là mục tiêu chính và duy nhất thì đã hiểu sai bản chất của lợi nhuận. Hoạt động kinh doanh cũng từ đó mà có thể bị đe dọa. Vì vậy, mấu chốt vẫn phải coi đạo đức và lợi nhuận là hai mục tiêu song hành để duy trì sự phát triển của doanh nghiệp, giảm thiểu các chi phí giao dịch, cạnh tranh cũng từ đó mà trở nên hiệu quả hơn.

Đạo đức ở đây có thể hiểu là các chuẩn mực, phong cách kinh doanh, chất lượng sản phẩm… Thực tế chứng minh, các công ty coi trọng đạo đức phát triển tương đối chậm nhưng lại tạo được hình ảnh, niềm tin từ người tiêu dùng. Đó chính là nền móng bền vững cho sự thịnh vượng lâu dài. Điều này không phải doanh nghiệp nào có tiền cũng làm được.

Từng có một nghiên cứu với 500 tập đoàn lớn ở Mỹ cam kết thực mục tiêu lợi nhuận gắn các chuẩn mực đạo đức. Phần lớn trong đó đều thành công về mặt tài chính khi nhân viên trung thành, nhiệt huyết, khách hàng có niềm tin. Sự quan tâm đến đạo đức đang được xem là mục tiêu chiến lược của các công ty nhằm hướng đến sản phẩm sạch, dịch vụ chất lượng. Tất nhiên, doanh nghiệp không thể tồn tại nếu chỉ chú trọng đạo đức mà quên đi phần lợi nhuận. Chính vì vậy, đạo đức và lợi nhuận có quan hệ tương hỗ nhau: “Đức tạo tín đạt lợi nhuận”.

Bản án đối với dàn lãnh đạo của VN Pharma cho thấy việc chỉ tập trung vào lợi nhuận là hoàn toàn sai lầm. Hình ảnh, lòng tin của người bệnh không còn thì công ty này sớm muộn cũng phá sản và pháp luật sẽ công minh đối với hành vi bất chấp thủ đoạn để đạt lợi nhuận kinh doanh. Qua đó cũng là để cảnh tỉnh các công ty tối đa hóa lợi nhuận bằng việc làm ăn thiếu lương tâm.

(http://baophapluat.vn/chuyen-llam-an/doanh-nghiep-muon-phat-trien-chon-loi-nhuan-hay-dao-duc-351604.html)

Theo Bích Phương/Báo Pháp luật Việt Nam