Các mẫu phân tích nước ở hồ Suối Hai của anh, khẳng định rằng, nước hồ cực sạch, ở ngưỡng tiêu chuẩn của những hồ nước sạch nhất châu Á.
Kỳ 1: Hồ nước tuyệt đẹp bị đầu độc
Một ngày, tôi nhận được cuộc điện thoại của anh Cao Xuân Trường, Giám đốc xí nghiệp thủy sản và dịch vụ du lịch Suối Hai, than thở rằng, chẳng sớm thì muộn, hồ Suối Hai lớn nhất thủ đô, tới 1.200 héc-ta mặt nước, sẽ bị ô nhiễm nặng nề, bởi bãi rác khổng lồ. Tôi thực sự sửng sốt, vì hồ Suối Hai ở tận núi Ba Vì, nổi tiếng với câu hát: “Cô gái Suối Hai, chàng trai Cầu Giẽ”, mà lại bị đầu độc, thì khó tin nổi.
Tôi lập tức rời thủ đô, phóng xe lên tận bến cảng hồ Suối Hai, cách thủ đô 65km. Đón chúng tôi ở bến cảng, là người đàn ông béo tốt, nhưng khuôn mặt sáng láng. Anh là nhà ngoại cảm rất nổi tiếng Lê Trung Tuấn, với phương pháp cai nghiện đặc biệt, giúp hàng vạn người tránh xa ma túy.
Anh Tuấn cầm theo một tập hồ sơ dày, đưa cho tôi các mẫu phân tích. Anh Tuấn là người chiến đấu kiên cường với ma túy, tệ nạn nghiện ngập. Vừa tuyên truyền phòng chống ma túy, giúp đối tượng nghiện cai, anh vừa tìm cách phát triển kinh tế giúp người nghiện. Nhận thấy vùng đất Ba Vì nhiều tiềm năng, anh lập rất nhiều công ty, doanh nghiệp, đặc biệt là phát triển nông nghiệp kèm dịch vụ, để tạo công ăn việc làm không chỉ cho nhân dân, mà cả các đối tượng từng nghiện.
Hồ Suối Hai là hồ nước lớn nhất thủ đô, được đánh giá rất đẹp, nước sạch.
Tôi thực sự ngạc nhiên, khi thấy anh Tuấn làm việc một cách chuyên nghiệp như vậy. Các mẫu phân tích nước ở hồ Suối Hai của anh, khẳng định rằng, nước hồ cực sạch, ở ngưỡng tiêu chuẩn của những hồ nước sạch nhất châu Á. Điều này thực sự kỳ lạ và khó tin. Đỉnh Ba Vì linh thiêng huyền bí, nơi bắt nguồn 3 con suối, gồm Yên Cư, Cầu Rồng, Cầu Tài, đã tạo ra hồ nước Suối Hai khổng lồ, cho dòng nước tinh khiết.
Anh Tuấn kể, lang thang ở Ba Vì, anh cảm nhận thấy sự linh thiêng của đất trời, khí đất, khí trời, đều tuyệt vời, nên anh quyết tâm rời bỏ thủ đô, định cư ở đây. Dãy Ba Vì rất đặc biệt, đến cây thuốc cũng tốt, rau cỏ đều ngon khác lạ. Đặc biệt, nguồn nước rỉ ra từ dãy núi thì ngọt lừ, còn dòng nước ngầm chảy dưới lớp đá ong dày vài chục mét thì sạch và ngon hơn cả nước đóng chai.
Nhiều đại gia bỏ thủ đô, lên Ba Vì ở, bỏ ra cả trăm triệu để khoan thủng lớp đá ong dày 30-50m, tạo cái giếng, rút nước dưới “âm ti địa phủ” lên pha trà uống ngọt lừ. Mà thực lạ, nước giếng khoan ở Ba Vì tinh khiết đến nỗi, dùng máy lọc cả năm không bẩn cục lọc. Nhiều đại gia lên Ba Vì ở thì bỏ luôn nước máy và nước tinh khiết.
Phía đầu nguồn hồ Suối Hai, còn cách nhà máy rác vài trăm mét, nước hồ đã chuyển màu đen.
Chìa những tấm giấy xét nghiệm nước ở hồ Suối Hai, anh Lê Trung Tuấn bảo: “Chính quyền huyện Ba Vì ủng hộ tôi phát triển thương hiệu Cá sạch Ba Vì và tôi nhận thấy việc làm này rất có ý nghĩa. Nguồn nước sạch, lại ngay thủ đô, rất nhiều hồ nước lớn, có thể phát triển mạnh thủy sản sạch được. Bà con có công ăn việc làm, người dân Hà Nội được dùng cá sạch, rất phù hợp chủ trương. Tôi đã xét nghiệm mẫu nước toàn bộ các hồ lớn ở Ba Vì, để phát triển thương hiệu cá sạch, thì nhận thấy hồ Suối Hai, hồ Xuân Khanh là đạt tiêu chuẩn, trong đó, hồ Suối Hai là sạch nhất.
Hồ Đồng Mô cực đẹp, diện tích mặt nước lớn, nhưng đã không còn sạch nữa, vì lượng chì cao gấp mấy chục lần mức cho phép. Nhiều khả năng, hàm lượng chì trong nước là do những sân golf ngay mép hồ gây ra. “Cụ rùa Hồ Gươm” duy nhất được công bố, không biết còn sống được bao năm nữa ở hồ Đồng Mô. Hồ Suối Hai, hiện tại thì rất sạch, vì nó quá lớn, rộng mênh mông, nhưng trong tương lai không xa, nó cũng sẽ bị đầu độc tàn khốc, bởi nhà máy rác, và đặc biệt, là những dự án sân golf sắp mọc lên quanh hồ nước này. Người ta dùng rất nhiều hóa chất để làm sân golf và cứ mỗi trận mưa xuống, thì toàn bộ lượng hóa chất dùng cho cỏ sẽ trôi xuồng hồ”.
Video: PV VTC News cùng người dân "bắt quả tang" nhà máy xử lý rác Xuân Sơn xả thải nước bẩn ra hồ Suối Hai
Nói rồi, nhà ngoại cảm, doanh nhân, chuyên gia cai nghiện ma túy Lê Trung Tuấn rút điện thoại gọi người lái ca nô. Lát sau, chiếc ca nô chạy như bay trên mặt nước, từ hòn đảo giữa hồ cập bến. Người lái ca nô là anh Chu Trọng Khanh, Phó Giám đốc Xí nghiệp Thủy sản và dịch vụ du lịch Suối Hai.
Vị lãnh đạo có khuôn mặt sương gió điều khiển chiếc ca nô nhảy chồm chồm trên mặt hồ mênh mang sóng nước, dẫn chúng tôi vòng qua mấy hòn đảo. Nước hồ xanh biếc, trong vắt, cảm tưởng như nhảy xuống bơi, thì nhìn rõ cơ thể như ngoài đại dương trong vắt.
Khu vực cách nhà máy rác vài trăm mét, nước hồ Suối Hai đã chuyển màu cánh gián.
Anh Chu Trọng Khanh tỏ thái độ vô cùng bức xúc, giọng vang át cả tiếng động cơ ca nô: “Cả cuộc đời tôi gắn bó với hồ nước này. Cha ông chúng tôi đã đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, công sức ngăn con đập dài tới 4km, để có hồ nước mênh mông này. Ấy vậy mà, người ta nhẫn tâm đầu độc hồ nước. Bao nhiêu khu nghỉ dưỡng quanh hồ có từ lâu đời, du lịch lẽ ra phải phát triển gấp vạn lần hồ Đồng Mô, hay hồ Đại Lải ở Vĩnh Phúc, nhưng mà cái bãi rác, là thủ phạm sẽ giết chết hồ nước này. Hàng vạn cư dân với ngàn mẫu ruộng, rồi cũng sớm nhận hậu quả từ bãi rác. Không thể hiểu nổi người ta nghĩ gì mà đặt bãi rác đúng bên hồ, để rồi xả nước bẩn từng ngày đầu độc hồ nước một cách không thể ác độc hơn”.
Anh Khanh gắn với hồ Suối Hai từ tấm bé. Cha chú anh từng là công nhân xẻ núi ngăn đập từ những năm 60 của thế kỷ trước. Anh Khanh cùng hàng chục cán bộ, công nhân xí nghiệp Sông Tích lấy hồ Suối Hai làm nơi lập nghiệp. “Hồ nước này bao năm là nguồn sống cho hàng vạn người dưới hạ nguồn, cho hàng ngàn cư dân ven hồ sống bằng việc đánh bắt thủy sản. Có hộ dân mỗi tháng kiếm được 50-80 triệu tiền đánh bẫy tôm, cá. Chứng kiến cảnh hồ nước bị bức tử mà bất lực, chúng tôi như xát muối vào ruột gan. Tôi chẳng biết phải làm gì, cứ ngày ngày chạy ca nô vào đầu nguồn, ghi lại bằng chứng việc họ xả thải nước bẩn trực tiếp xuống hồ để làm tư liệu, bằng chứng” - anh Khanh buồn bã chia sẻ.
Nước phía đầu nguồn hồ Suối Hai thế này đây.
Ánh nắng còn rực rỡ, mà sương đã lảng bảng mặt hồ. Quanh co mấy hòn đảo tuyệt đẹp, mất tới mấy chục phút, thì chúng tôi tiến đến thượng nguồn, nơi có những mái nhà bỏ hoang, những bụi tre xơ xác ven hồ, là thôn Hiệu Lực, xã Tản Lĩnh, Ba Vì.
Tôi thực sự kinh ngạc, hãi hùng khi khung cảnh trước mắt là một bãi sình lầy, những gốc cây ven hồ lộ ra đen trùi trũi. Cảnh tượng chết chóc của cá và ốc la liệt khắp nơi, bốc mùi khủng khiếp.
Từ lòng hồ nhìn vào, tôi thấy rất nhiều “con lươn”, như những con đập nhỏ, chặn ngang hồ nước. Theo anh Khanh, nhằm tránh để nước bẩn xuống hồ, Xí nghiệp cùng người dân đã đắp nhiều lớp đập, chặn nước bẩn lại, nhưng nước thải từ nhà máy rác cứ đổ ra, rồi những trận mưa lớn rửa bãi rác xối nước bẩn xuống hồ, thì không đập nào chịu nổi, vỡ tung hết.
Những con đập ngăn nước bẩn của nhà máy rác thải ra hồ Suối Hai đều đã vỡ toang.
Dấu vết xả thải nước bẩn vẫn còn rõ ràng.
Chiếc ca nô lách vào một khe đập vỡ, thì kẹt lại, vì dưới lớp nước đen kịt, là lớp sình lầy dày cả mét, mút chặt lấy ca nô. Chúng tôi đành phải buộc lại ca nô, rồi trèo lên đập đi tìm thủ phạm xả nước thải ra hồ Suối Hai.
Dọc con đập, là hàng ngàn con cá chết trắng nổi dập dềnh, nằm trương bụng trên đập. Ốc bươu vàng là loại ăn tạp, sống được ở nhiều môi trường nước, cũng chết trương, vật vờ. Mùi xú uế khủng khiếp. Ruồi muỗi bay vo ve dợn cả người.
Anh Khanh bảo: “Mấy con đập này như ranh giới của sự sống và cái chết. Hễ sinh vật nào lạc vào phía trong đập, là chết phơi bụng cả. Tôi đã từng bắt cá rô phi, loài sống khỏe, thả vào những vũng nước này, thì đều ngắc ngoải rồi nổi bụng chết luôn. Phải khẳng định, nước ở đầu nguồn hồ Suối Hai, nơi bãi rác, không chỉ ô nhiễm thông thường, mà có chất độc cá ốc mới chết ngay tắp lự như vậy”.
Còn tiếp...
TP HCM muốn tăng phí môi trường, thu 60 tỷ đồng mỗi năm
Tiền thu được sẽ đóng vào ngân sách, cải thiện môi trường, nâng chất lượng sống của người dân. |
Nước đen ngòm từ công trình nạo vét xả thẳng ra biển Bình Thuận
Hơn chục ống xả cỡ lớn thải nước đen ngòm kèm bùn cát ra biển Bình Thuận từ công trình nạo vét, mở rộng và ... |
Cá chết hàng loạt do vỡ bể chứa nước thải nhà máy ở Điện Biên
Tình trạng cá chết hàng loạt do vỡ bể chứa nước xả thải của nhà máy chế biến tinh bột sắn tại xã Núa Ngam, ... |