Năm nào cũng vậy, bước vào những ngày cuối tháng 5, nhiều gia đình lại xáo trộn sau kỳ họp phụ huynh của con. Câu chuyện điểm số đang trở thành chủ đề cho nhiều cuộc bàn luận từ trong mâm cơm gia đình, ra đến công sở, ở phố xóm và cả trên mạng xã hội.
Thành tích, điểm số, kỳ vọng quá lớn của thầy cô, cha mẹ đang khiến học sinh chịu áp lực từ nhiều phía. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn.
Bất đồng quan điểm vì điểm số của con
“Cuối tuần trước, lớp của con tổ chức họp phụ huynh. Vì tôi bận quá nên nhờ bà nội của con đi họp thay. Không biết cô giáo nói thế nào mà về bà cứ mắng con là sao không bằng bạn nọ, bạn kia. Suốt bữa cơm con bé cúi gầm mặt, ăn vội vàng rồi chạy vào phòng.
Chỉ vì điểm 8 của con mà không khí gia đình mấy ngày nay nặng nề quá. Điểm 8 thì đâu có gì sai, đâu phải tội đồ?” - chị Xuân Diệp (có con vừa học hết lớp 7 một trường THCS ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) thở dài khi kể về câu chuyện đang xảy ra ở gia đình mình.
Có lẽ nhiều người sẽ bắt gặp điểm chung nào đó trong câu chuyện của chị Diệp. Với vai trò là một người quản lý, nhà giáo gắn bó với nghề giáo gần 40 năm nay, thầy Lê Đức Dũng - Hiệu trưởng trường Tiểu học Xuân Đường (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) thừa nhận, bao năm qua, điểm số vẫn luôn là nỗi ám ảnh của không chỉ học sinh, mà còn cả giáo viên và phụ huynh.
Cũng theo ông, từ mấy chục năm trước việc đánh giá học sinh bằng điểm số đã có những bất cập, nhưng đến tận bây giờ điểm số vẫn là thứ gì đó gây áp lực nặng nề. Vì trẻ con cho tới người lớn đều có những khả năng khác nhau, việc đánh điểm số qua môn Toán, Tiếng Việt, môn nọ, môn kia chỉ phản ánh một kiểu thông minh, một khả năng nào đó của trẻ.
Nếu được phép thay đổi, thầy Dũng cho biết sẽ không bao giờ cho điểm học sinh của mình, chỉ nên đánh giá các em là hoàn thành tốt, hoàn thành là được. Bởi điểm số chẳng nói lên điều gì cả.
Không nên “kết án” học sinh bằng hạnh kiểm
Những ngày cuối năm học, không chỉ câu chuyện về điểm số, mà việc xếp loại hạnh kiểm của học sinh cũng nhận được sự quan tâm. Đặc biệt mới đây, một học sinh lớp 1 của Trường THPT Lương Thế Vinh (huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) đã suýt mất mạng vì uống thuốc tự tử khi em bị xếp loại hạnh kiểm trung bình năm học 2017 – 2018.
Lý do em có hành động dại dột vì nghĩ rằng một khi bị xếp loại hạnh kiểm trung bình thì tương lai sẽ mờ mịt, khó thi vào trường Y để sau này ra trường làm bác sĩ như em mong muốn. Thậm chí, em còn nghĩ rằng, sau này sẽ khó xin việc làm với một người có hạnh kiểm “trung bình” như em.
Suýt nữa “bản án hạnh kiểm” trong nhà trường đã cướp đi một sinh mạng, một học sinh giỏi.
Hiện ở không ít nước trên thế giới, việc đánh giá đạo đức người khác được xem là vấn đề nhạy cảm, tối kỵ.
Thầy Nguyễn Quốc Vương – nghiên cứu sinh ĐH Kanazawa Nhật Bản, giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - dẫn chứng, ngay ở Nhật Bản, giáo viên của họ cũng không bao giờ tiến hành đánh giá, xếp loại hạnh kiểm đối với học sinh.
Bởi họ suy nghĩ, trường học là nơi học sinh được học tập để trở thành công dân dân chủ, thì chuyện giáo viên đánh giá đạo đức học sinh là điều khó có thể tưởng tượng. Vậy mà ở Việt Nam, hạnh kiểm là một thước đo quan trọng. Đã đến lúc cần thay đổi theo hướng mạnh dạn bỏ việc đánh giá học sinh bằng hạnh kiểm, để tránh làm các em bị tổn thương.
ĐH Sư phạm TP.HCM tuyển thẳng học sinh giỏi trường chuyên
Học sinh giỏi của các trường chuyên trên cả nước sẽ được tuyển thẳng vào ĐH Sư phạm TP.HCM trong năm 2018. |
TP.HCM cảnh báo tình trạng sinh viên đánh bạc qua mạng gia tăng
Sở GD&ĐT TP.HCM cảnh báo tình trạng một số học sinh, sinh viên, giảng viên và cán bộ tham gia cá độ, đánh bạc qua ... |
Nữ sinh Hà thành gạt nước mắt ngày chia tay tuổi học trò
Cử chỉ quyến luyến, giọt nước mắt khẽ lăn, dòng lưu bút viết vội là những hình ảnh xúc động trong lễ bế giảng và ... |