Đánh dã man phụ nữ vì nghi bắt cóc: Hành động nóng

CA Sóc Sơn khẳng định 2 phụ nữ bị đánh oan vì nghi bắt cóc trẻ em đồng thời đang điều tra, xử lý các đối tượng đánh người gây thương tích.

Hai người phụ nữ bị đánh oan

Liên quan đến thông tin hai phụ nữ bán tăm bông bị đánh vì nghi đi bắt cóc trẻ con ở thôn Thái Phù, xã Mai Đình (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), chiều 23/7, Đất Việt đã có cuộc trao đổi với ông Lê Ngọc Ly, Trưởng Công an huyện Sóc Sơn.

Theo ông Ly, chị Lê Thị Bảy (40 tuổi, ở xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) và Nguyễn Thị Phúc (52 tuổi, ở xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội), thành viên của Hợp tác xã tình thương huyện Mỹ Đức bị người dân đánh oan.

danh da man phu nu vi nghi bat coc hanh dong nong
Công an Sóc Sơn khẳng định 2 người phụ nữ bị đánh oan vì nghi bắt cóc trẻ em.

Cụ thể, khoảng 11h15 ngày 22/7, chị Bảy và chị Phúc đến thôn Thái Phù, xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, bán tăm bông để gây quỹ tình thương.

Đến nhà cháu Đinh Huy Anh (5 tuổi, ở thôn Thái Phù, xã Mai Đình, con trai anh Đinh Văn Trung (25 tuổi, ở thôn Thái Phù, xã Mai Đình), chị Bảy và chị Phúc đã hỏi bố mẹ cháu Huy Anh có nhà không để bán tăm bông.

Thấy hai người phụ nữ lạ mặt hỏi han cháu mình, bà Nguyễn Thị Tốt (43 tuổi, bà nội cháu Huy Anh) đã đuổi chị Bảy và chị Phúc ra khỏi nhà đồng thời hô hoán hai chị bắt cóc trẻ em.

Một số người dân thôn Thái Phù, xã Mai Đình chưa hiểu đầu đuôi sự việc đã nghe theo và đuổi đánh khiến hai người bị thương.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Công an huyện Sóc Sơn đã cử tổ công tác xuống hiện trường đưa các chị Bảy và Phúc đến Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn để khám và điều trị.

Cùng với đó, Công an huyện tiến hành lấy lời khai người có liên quan, xác định chị Bảy và chị Phúc không có hành vi bắt cóc trẻ em.

Hiện nay cơ quan điều tra Công an huyện Sóc Sơn tập trung điều tra, xử lý các đối tượng đánh người gây thương tích.

Lời trần tình

Trong khi đó, trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Phúc cho biết, hiện bà đã chuyển về nhà điều trị. Các vết thương trên mặt, vai, chân… vẫn thâm tím và phù nề khiến bà đau ê ẩm hết người.

Bà Phúc chia sẻ, bà mới xin vào Hợp tác xã tình thương huyện Mỹ Đức làm việc được hơn 10 ngày nay. Hàng ngày bà đi bán tăm và giới thiệu sản phẩm của Hợp tác xã tới người dân.

Hôm 22/7 chị bắt xe từ Hà Đông ra Long Biên gặp chị Bảy rồi cả 2 quyết định về thôn Thái Phù, xã Mai Đình (Sóc Sơn, Hà Nội) để bán.

danh da man phu nu vi nghi bat coc hanh dong nong
Bà Phúc với khuôn mặt sưng tím vì bị người dân hành hung. Ảnh: Dân Việt

Tuy nhiên khi vừa hỏi thăm 1 cháu bé để bán tăm cho gia đình thì có một bà cụ đi ra xua đuổi 2 chị. Sau đó người dân hô hoán các chị bắt cóc trẻ con và giữ lại.

“Họ lao vào đấm đá chị Bảy chảy máu mặt. Tôi lúc đầu không bị đánh nhưng sau họ nói tôi đi cùng, là đồng bọn nên họ cũng lao vào đánh”, bà Phúc kể lại với Dân Việt.

Bà Phúc cũng một mực phủ nhận thông tin người dân nói có chai thuốc mê, bảng giá bán nội tạng và lá bùa trong túi.

“Trong túi tôi làm gì có chai thuốc mê nào. Tờ giấy kia là tôi ghi lại thông tin và số điện thoại của một người chữa sỏi thận vì tôi đang bị sỏi thận còn lá bùa là của chùa ở làng tôi mới khánh thành, ai cũng có chứ riêng gì tôi”, bà Phúc nói thêm.

Riêng bà Lê Thị Bảy vẫn đang nằm điều trị trong bệnh viện tại Sóc Sơn. Theo người nhà bà Bảy, hiện nay bà vẫn kêu đau khắp người, không ăn uống được gì và lúc nào cũng có cảm giác buồn nôn.

Trước đó, trưa ngày 22/7, trên mạng xã hội xuất hiện một số clip ghi lại cảnh người dân ở thôn Thái Phù, xã Mai Đình, vây bắt và đánh đập 2 người phụ nữ nghi bắt cóc trẻ con.

Theo clip, 2 người phụ nữ này lợi dụng thời điểm giữa trưa đã dụ dỗ một đứa trẻ ra cổng để cho kẹo nhưng đứa trẻ không ra. Sau đó, thấy người lạ, dân làng đã hô hào và bắt giữ 2 người phụ lại tra hỏi.

Khi bị bắt, 2 người này nói đang đi bán tăm. Kiểm tra túi xách 2 người phụ nữ mang theo, người dân không thấy gói tăm nào mà thấy có chai thuốc mê, giấy tờ và lá bùa. Nghi bắt cóc trẻ con, người dân đã lao vào đánh tới tấp 2 người phụ nữ khiến một người máu me đầy mặt, còn một người thì ngất xỉu.

/ Hà Hoàng/baodatviet.vn