Gửi đơn tố cáo đến Báo Lao Động, người dân xã Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) tỏ ra vô cùng bức xúc vì chính quyền xã đã sử dụng máy móc, trang thiết bị, san lấp một phần lòng sông Tô Lịch, làm đường gom dân sinh, hạn chế dòng chảy của sông Tô Lịch, một trong những con sông thoát lũ chính của Thủ đô Hà Nội…
Theo ông N. Đ. H (ở Cụm 1, thôn Quỳnh Đô, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội), năm 2016, chính quyền địa phương đã lợi dụng việc nạo vét, khơi thông dòng chảy của sông Tô Lịch, đoạn chạy qua địa bàn, thuê trang thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chở đất đá từ nơi khác về san lấp một phần lòng sông, (đoạn chạy qua địa bàn Cụm 1, thôn Quỳnh Đô, xã Vĩnh Quỳnh), làm hạn chế dòng chảy của sông.
“Hiện nay, đoạn sông Tô Lịch chạy qua địa bàn xã Vĩnh Quỳnh đã bị san lấp thu hẹp vào từ 1 đến 3m, ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy bình thường, nhiều nơi còn tạo ra nút thắt cổ chai, khi mùa mưa về, lượng mưa lớn, kéo dài, nếu không thoát nước kịp rất dễ xảy ra ngập úng ở khu vực nội thành Hà Nội. Việc làm này là rất nghiêm trọng khi sông Tô Lịch là một trong những dòng thoát lũ, chống ngập úng chính của TP Hà Nội, nhất là vào mùa mưa bão. ”, ông H bức xúc.
Cũng theo ông H, việc thực hiện san lấp lòng sông để mở đường gom dân sinh là chủ trương của UBND xã Vĩnh Quỳnh chứ không có cơ quan nào của TP Hà Nội phê duyệt. Ở đây, chính quyền địa phương đã lợi dụng dự án nạo vét lòng sông Tô Lịch để san lấp, lấn chiếm lòng sông, việc làm đó không những ảnh hưởng tới hàng triệu người dân TP Hà Nội mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân dân hai bên bờ sông.
Cụ thể, UBND xã Vĩnh Quỳnh ngoài việc san lấp lòng sông, hạn chế dòng chảy thì còn có hành vi cưỡng chế thu hồi đất trái pháp luật, đập phá nhà cửa của nhân dân. Điển hình là ngày 26.12.2016, UBND xã Vĩnh Quỳnh đã cử một tổ công tác đến đập phá nhà, thu giữ tài sản của gia đình anh H mà không có quyết định thu hồi đất, kiểm đếm, đền bù tài sản trên đất, không ban hành bất kỳ quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình nào.
Bên cạnh đó, việc đập phá ngôi nhà diện tích 20m2 xây kiên cố và thu giữ, hủy hoại tài sản của gia đình anh H cũng không được lập biên bản và không có bất kỳ giấy tờ, văn bản nào liên quan, mặc dù căn nhà trên một phần nằm trên diện tích đất đã được nhà nước cấp GCNQSDĐ. Phần còn lại là diện tích mua bán từ năm 1998 và được UBND xã Vĩnh Quỳnh xác nhận tính hợp pháp. Gia đình anh H cũng xây dựng nhà và sử dụng ổn định, không có bất kỳ tranh chấp nào đến khi bị UBND xã Vĩnh Quỳnh cho người đến đập phá.
Anh H cũng cho biết, gia đình anh đã quay video clip để làm bằng chứng, tuy nhiên, sau khi gia đình anh làm đơn tố cáo gửi tới các cơ quan chức năng thì chưa nhận được văn bản nào trả lời của các cơ quan chức năng.
Về vấn đề này, Báo Lao Động đã nhiều lần liên hệ với ông Vũ Văn Nhàn, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì, ông Nhàn xác nhận đang xử lý đơn thư của công dân liên quan đến vụ việc và giới thiệu PV đến làm việc với ông Đặng Đức Quỳnh, Phó chủ tịch UBND huyện. Tuy nhiên, gần 2 tuần trôi qua nhưng UBND huyện Thanh Trì vẫn chưa xắp xếp được lịch làm việc với chúng tôi.
Báo Lao Động sẽ tiếp tục thông tin vụ việc…
Công nhân dầm mình trong bùn nạo vét sông Tô Lịch
Để khơi thông dòng chảy các công nhân môi trường mỗi ngày phải làm 8 tiếng hút bùn sông Tô Lịch. |
Ném cân của chị bán hàng rong xuống sông: Phản cảm!
Trật tự viên phường Khương Đình đã thẳng tay ném chiếc cân của người bán hàng rong xuống sông Tô Lịch cho dù người này ... |