Đại án năm Canh Tý và cái chết bí ẩn của Lãnh tụ Ngô gia văn phái

Ngô Thì Sĩ (1726 - 1780), tự Thế Lộc, hiệu Ngọ Phong, là nhà sử học, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng ở thế kỷ 18 tại Việt Nam; được Phan Huy Chú đánh giá là người có "học vấn sâu rộng, văn chương hùng vĩ, làm rạng rỡ cho tông phái nho gia”.

Lãnh tụ Ngô gia văn phái

Ngô thì Sĩ sinh ra trong một dòng họ lớn ở làng, có nhiều người nổi tiếng hay chữ. Ông nội ông là Ngô Trân, là một người nổi tiếng về sức học uyên bác và tài văn chương, được người đương thời liệt là một trong "bảy con hổ của kinh thành Thăng Long" (Trường An thất hổ).

Ông là con trưởng Ngô Thì Ức, cũng nổi tiếng hay chữ, năm 14 tuổi đã đỗ á khoa kì thi Hương. Khi Ngô Thì Sĩ lên 10 tuổi, thì ông Ức mất. Từ 7 đến 11 tuổi, Sĩ được ông nội rèn dạy. Sau đó, ông được cho ra Thăng Long theo học các bậc danh nho như Nghiêm Bá Đĩnh, Nhữ Đình Toản.

Trong cuộc tuyển cử để tuyển lấy người tài (năm 1756), ông đứng đầu, rất được chúa Trịnh Doanh yêu và chú ý. Lúc tạm giữ chức Thiêm đô ngự sử, ông có điều trần 4 việc: Xin định rõ phép khảo xét (các quan), xin sửa sang luật lệ kiện tụng, xin truy tôn bậc tiên nho, xin sửa lại thể thức làm văn. Ông lại điều trần về việc binh, việc dân, chúa đều khen ngợi và nghe lời.

Năm 1777, ông được cử ra trấn Lạng Sơn. Bấy giờ Lạng Sơn đói vì mất mùa, dân 7 châu phần nhiều đi nơi khác và chết đói ngoài đường. Khi ông đến, tìm cách cấp cứu. Rồi chiêu dụ dân lưu tán về khai khẩn ruộng hoang, tự mình đôn đốc việc cày bừa để khuyến khích dân biên giới. Đến vụ gặt mùa lúa tốt lắm. Do đó trộm giặc tiêu tan, trong hạt yên ổn.

Ngô Thì Sĩ vốn là một người hăng hái làm việc. Ông thấu được rằng quyền lợi kẻ ăn lộc nước gắn bó mật thiết với cuộc sống yên lành của "dân đen". Ngô Thì Sĩ cũng là người đưa ra nhiều dự án, đề nghị sửa đổi về các mặt: thuế khoá khai hoang, chỉnh đốn văn thể, thay đổi chính sách, chấn chỉnh các cấp quan liêu...

Là một chính khách, một quan chức, nhưng bên cạnh đó, ở Ngô Thì Sĩ còn nổi bật lên một tư chất khác, đó là một tâm hồn nghệ sĩ, một con người đa cảm. Ông luôn nhìn thấu tâm tư con người và cảm thông cùng họ.

Tài năng Ngô Thì Sĩ được tạo thành từ nhiều nguồn. Tuy nhiên, điều kiện quan trọng nhất để Ngô Thì Sĩ có được sự nghiệp trước tác phong phú là tinh thần lao động nghiêm túc, say mê và tính năng động, sáng tạo trong học tập. Tất cả những điều đó cũng xuất phát từ một tấm lòng yêu dân, yêu đất nước, một tấm lòng đôn hậu, giàu tinh thần nhân ái.

Với nội dung và số lượng phong phú của hơn 2000 trang tác phẩm, Ngô Thì Sĩ đã là một tác gia lớn không chỉ của dòng họ Ngô Thì. Ông đã đóng góp nhiều tư liệu quý qua hai hộ sử Tiền biên, Tục biên đồng thời còn là một ngòi bút bình luận sử, bình luận văn chương sắc sảo, nhiều ý kiến mới và giàu chất trữ tình qua Việt sử tiêu án.

Ngô Thì Sĩ là cha của các danh sĩ: Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Chí, Ngô Thì Trí, Ngô Thì Hương và là cha vợ của Phan Huy Ích.

Chịu nhiều hàm oan

Ngô thì Sĩ nổi tiếng hay chữ, là đệ nhất nhân Ngô gia. Nhưng con đường thi cử (đặc biệt là các kì thi Hội) của ông lại vô cùng trắc trở. Chủ yếu là bởi tài năng và tấm lòng ngay thẳng vì dân vì nước của Sĩ khiến quan lại đương thời ganh ghét.

Văn chương sâu sắc, ý tứ mới lạ, đặc biệt, khác hẳn các văn sĩ đương thời nên giọng văn và khẩu khí của Sĩ rất dễ nhận biết. Thế nên mới có chuyện, mỗi khi Sĩ đi thi Hội, có một nhóm khảo quan được “giao” nhiệm vụ dò xét hễ thấy quyển thi nào có giọng văn tương tự chất Sĩ thì bảo nhau bới móc đánh hỏng.

Như năm 1752, Sĩ khi đó 26 tuổi, lần hai thi Hội. Quyển thi của ông bị khảo quan Trần Tố đánh hỏng. May là Chúa Trịnh Doanh sớm được tâm phúc báo có chuyện này nên khi thi cử xong bèn truyền đem quyển thi hỏng của Sĩ ra duyệt lại. Các khảo quan bấy giờ nhiều người bị phạt, riêng Trần Tố bị truất chức. Nhờ đó, Sĩ được giao chức Thiêm tri công phiên thẩm ứng vụ, chính thức bước vào con đường quan nghiệp.

Tới năm 1771, khi Sĩ đang coi việc chấm thi ở trường thi Nghệ An thì bị một kẻ tên Nguyễn Văn Chu kiện tội ăn đút lót. Một năm sau, Ông bị cách chức về làm dân thường, bị đày đi sai dịch 3 tháng. Đề cập đến vụ án này, sử gia Trần Thị Băng Thanh viết:

Điều kỳ lạ là triều đình không nghị bàn, hạ lệnh cách chức ngay. Hoàng Ngũ Phúc, một quan đại thần rất có thế lực trong triều, lúc đó đang cầm quân ở Nghệ An, lại thêm vào án kỷ luật bốn chữ "hoàn dân thụ dịch" (nghĩa là trả về làm dân chịu sai dịch).

Người đương thời và nhiều sử sách, kể cả Việt sử thông giám cương mục, đều xác nhận trong vụ án kỷ luật đó, Ngô Thì Sĩ chỉ là nạn nhân của sự gièm pha nghi kỵ lúc đó đang dấy lên gay gắt trong triều.

Trịnh Sâm bấy giờ đã lên ngôi chúa được gần năm năm, trong thời gian đó cũng có một số hành vi lấn át vua Lê, nhiều đình thần bàn tán chê bai. Người ta lấy một câu thơ Ngô Thì Sĩ vịnh cảnh Hồ Tây: Tây Hồ tình vũ cánh nghi chu (Mưa hay tạnh, Tây Hồ đều đáng thả thuyền chơi), sửa thành một câu thơ nói bóng gió chuyện chính sự: Tây Hồ thảo thụ khủng phi Chu (Cây cỏ Hồ Tây e không còn là của nhà Chu nữa). Do vậy Trịnh Sâm sinh "ngờ" Ngô Thì Sĩ.

Mặt khác vì sợ thế lực Hoàng Ngũ Phúc, một số triều sĩ viết thư nặc danh nhắc Trịnh Sâm nên hạn chế quyền hành của viên tướng đầy quyền uy này. Nhưng tin ấy khi đến tai Ngũ Phúc thì "triều sĩ" đã thành "Ngô Sĩ" và đây chính là duyên cớ để Phúc thêm vào bốn chữ "hoàn dân thụ dịch" trong lệnh cách chức Ngôi thì Sĩ.

Phải tới năm 1774, chúa Trịnh Sâm đi tuần thú phương Nam, xét lại vụ án này và giải oan cho Sĩ. Sau đó, chúa Trịnh Sâm triệu ông về kinh giữ chức HIệu lý Viện hàn lâm, sau được thăng Thiêm đô ngự sử.

Cái chết nhiều nghi vấn

Ngày 29 tháng 8 năm Canh Tý (tức 22/10/1780), Ngô thì Sĩ có việc đi tới Nam Quan. Trên đường về qua động Nhị Thanh, ông vào nghỉ trong động. Khi về đến nhà người mệt nặng và từ trần. Các sử gia như Trần Văn Giáp và Trần thị Băng Thanh đều thống nhất quan điểm về cái chết của Ngô thì Sĩ như vậy.

Tuy nhiên, nhiều ghi chép sử liệu khác lại cho rằng Sĩ qua đời là bởi chính ông uống thuốc độc tự vẫn. Và cái chết của Sĩ có liên quan trực tiếp đến một đại án xảy ra trong phủ chúa Trịnh vào tháng 9 âm năm 1780, gọi là “Vụ án năm Canh Tý”.

Nguyên nhân vụ án do Trịnh Khải là con trưởng đã lớn nhưng ngôi Thế tử hiện vẫn bị bỏ ngỏ, trong khi đó chúa Trịnh Sâm lại say đắm mẹ con Đặng Thị Huệ. vì vậy Trịnh Khải lo sợ cha sẽ lập Trịnh Cán (con Huệ) chứ không lập mình. Vả lại, khi đó có tin đồn rằng chúa Trịnh Sâm bị bệnh rất nặng, nên Trịnh Khải nghĩ rằng phải gấp rút hành động để giành thế chủ động trước phe Tuyên phi.

Trịnh Khải bàn mưu với gia thần là Đàm Xuân Thụ, Thế Thọ, Thẩm Thọ và Vĩnh Vũ bí mật sắm sửa vũ khí, chiêu tập dũng sĩ, để chờ thời cơ giết chết Đặng Thị Huệ và Hoàng Đình Bảo. Ngoài ra, Trịnh Khải còn ngầm liên kết với Trấn thủ Sơn Tây là Hồng lĩnh hầu Nguyễn Khản, Trấn thủ Kinh Bắc là Tuân sinh hầu Nguyễn Khắc Tuân để sẵn sàng hỗ trợ việc tranh ngôi Thế tử của mình.

Quan Đốc đồng Kinh Bắc khi đó là Ngô Thì Nhậm từng giữ việc ngày ngày giảng sách cho Trịnh Khải, rất được Khải yêu. Học trò của Nhậm lúc này đang giữ sách cho Khải là Hà Như Sơn biết được cơ mưu trên, bèn nói với Nhậm. Bấy giờ có viên Cấp sự trung là Nguyễn Huy Bá. Bá cho con dâu vào thị tì, hầu hạ Đặng Thị Huệ, lại sai người thân tín làm môn hạ của Nguyễn Khắc Tuân (đối nghịch với phe Huệ).

Nhờ kẻ thân tín này, mà Bá dò biết được cơ mưu, liền tố cáo ngay với Đặng Thị Huệ. Ngô thì Nhậm được cho là cùng với Bá hợp mưu tố cáo rằng Khải đã lén liên hệ với hai viên trấn thủ (Sơn Tây & Kinh Bắc) để làm chuyện phản nghịch. Trịnh Sâm giận lắm, cho triệu (Hoàng) Đình Bảo vào phủ bàn việc này.

Nghe theo lời bàn của Hoàng Đình Bảo, chúa Trịnh Sâm bèn hạ lệnh triệu hồi Nguyễn Khản về kinh, rồi cho bí mật bắt hết bè đảng của viên trấn thủ này. Đồng thời, chúa cũng cho triệu Nguyễn Khắc Tuân về triều. Sau khi giam tất cả lại, chúa sai Ngô Thì Nhậm cùng Hoạn quan Phạm Huy Thức cùng lo việc tra khảo.

Đúng thời điểm ấy, cha Ngô Thì Nhậm - ông Sĩ mất, nên Nhậm phải về chịu tang. Kết cục, theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục, thì: Đàm Xuân Thụ, Thế Thọ, Thẩm Thọ và Vĩnh Vũ đều bị giết. Nguyễn Khản, Nguyễn Khắc Tuân đều bị giam vào ngục. Sau, Nguyễn Khắc Tuân và Chu Xuân Hán đều uống thuốc độc mà chết. Riêng Trịnh Khải bị phế, chỉ được ở ngôi nhà ba gian, ăn uống đi lại đều không được tự do.

Đốc đồng trấn Kinh Bắc Ngô Thì Nhậm có phải là người đồng tố giác việc mưu sự của phe Trịnh Khải hay không, vẫn còn là một nghi vấn trong sử Việt. Bởi vai trò của Nhậm trong “vụ án năm Canh Tý” có liên quan tới cái chết của chính cha mình – Ngô thì Sĩ.

Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: “Trước khi Ngô Thì Nhậm tố cáo cơ mưu của Chúa Trịnh Khải, có đem bàn với cha là Ngô thì Sĩ. Sĩ cố sức ngăn... Đến khi hay tin Nhậm đã tố cáo, Sĩ buồn bực mà uống thuốc độc tự tử. Nhậm, vì có công tố giác, được thăng làm Hữu Thị lang bộ Công…”.

Sách Lê quý dật sử chép tương tự: “Ngô Thì Sĩ thấy con bè đảng xu phụ Tuyên Phi (Đặng Thị Huệ), vu khống Thế tử, ông bất bình, ra sức khuyên ngăn, nhưng Ngô Thì Nhậm không nghe, ông phẫn uất uống thuốc độc tự tử... Sau vụ án Ngô Thì Nhậm được cất nhắc làm Công bộ tả thị lang, vì tố cáo Thế tử (Trịnh Khải) nên được ban thưởng, thăng vượt cấp bảy lần…”.

Bênh vực Nhậm, có Hoàng Lê nhất thống chí. Theo sách này thì chỉ có một mình Nguyễn Huy Bá đứng ra tố giác. Sách này còn kể Nhậm đã có lời khuyên Nguyễn Khắc Tuân phải hỏa tốc về kinh can ngăn Trịnh Khải dừng lại cơ mưu, nhưng không được nghe. Đến khi Tuân bị bắt giam, Nhậm định tìm cách gỡ tội, nhưng vì việc tang cha nên phải về.

dai an nam canh ty va cai chet bi an cua lanh tu ngo gia van phai Tiếng hét ở lễ tang Lam Khiết Anh, số phận các đại án hiếp dâm showbiz

Cái chết của Lam Khiết Anh đặt dấu chấm hết cho lời tố cô bị đàn anh cưỡng dâm. Những vụ tương tự xảy ra ...

dai an nam canh ty va cai chet bi an cua lanh tu ngo gia van phai Lập vành đai an ninh, bộ đội dày đặc quanh ga Đồng Đăng

Sáng 25/2, lực lượng an ninh tiếp tục được tăng cường thêm chó nghiệp vụ, cùng lúc một vành đai an ninh chừng 50 mét ...

dai an nam canh ty va cai chet bi an cua lanh tu ngo gia van phai Từ Paris Hilton tới "sói phố Wall" - đại án tham nhũng của Malaysia

Được biết đến là "đại án tham nhũng lớn nhất thế giới", vụ bê bối biển thủ công quỹ của ông Najib có nhiều tình ...

/ http://danviet.vn